Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều sẽ “hồi sinh” sau thượng đỉnh liên Triều?

Google News

(Kiến Thức) - Thúc đẩy cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên là một trong ba nội dung chính của cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong năm nay giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Khoảng 9h40 sáng 18/9 (giờ địa phương), chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Đích thân Chủ tịch Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju đã ra tận sân bay để đón tiếp nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới tham dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 trong năm nay.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều diễn ra trong khoảng thời gian từ 15h30-17h30 (giờ địa phương, tức 13h30-15h30 theo giờ Hà Nội) tại trụ sở Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng.
Được biết, thúc đẩy cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên là một trong ba nội dung quan trọng của cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa ông Moon và ông Kim, và cũng là mục tiêu chính của nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong chuyến đi lần này. 
Liệu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có hoàn thành tốt vai trò "sứ giả", là cầu nối giúp Mỹ và Triều Tiên khai thông bế tắc để có những động thái thiện chí tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân hay không là điều mà dư luận đang hết sức quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Dam phan hat nhan My-Trieu se “hoi sinh” sau thuong dinh lien Trieu?
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba này được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ và Triều Tiên có thể khai thông bế tắc trong đàm phán hạt nhân. Ảnh: Yonhap. 
Trước đó, ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau ký kết thỏa thuận chung lịch sử tại Singapore. Một trong những thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều này là “thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Tuy vậy, hơn hai tháng sau, đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vẫn chưa đi tới đâu và ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc.
Tháng 8/2018, Tổng thống Trump quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng và Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố có thể sẽ nối lại các cuộc tập trận lớn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cảnh báo rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “một lần nữa bị đe dọa và có thể sụp đổ”.
Trong khi Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" về vấn đề này thì mọi hy vọng lại đổ dồn về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đang diễn ra.

Mời độc giả xem video: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đích thân đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại sân bay ở Bình Nhưỡng ngày 18/9 (Nguồn: CNA)

Dư luận hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tạo cơ hội tháo gỡ những vướng mắc, khai thông bế tắc giữa Washington và Bình Nhưỡng, tạo động lực thúc đẩy bước tiến trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Giới phân tích đề cao vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc khai thông bế tắc đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều, với việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp giúp Washington và Bình Nhưỡng có thể nhượng bộ lẫn nhau để đạt được các mục tiêu của riêng mình.
Theo Ken Gause, một chuyên gia về Triều Tiên tại trung tâm nghiên cứu CNA nhận định, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể giúp tạo điều kiện cho một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Chuyên gia Ken nhận định, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 này sẽ giúp hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hiểu rõ hơn về lập trường của nhau về những vấn đề liên quan để phá vỡ những bế tắc trong các cuộc đàm phán.
Thiên An (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)