Chi tiết về thỏa thuận mới được thống nhất và chốt lại sau một cuộc họp kéo dài 2 ngày và kết thúc hôm qua tại Tokyo, Nhật Bản. Cuộc họp có sự tham gia của các quan chức cấp cao 11 nước thành viên gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Cuộc họp này được tổ chức sau vòng họp tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái, khi các bộ trưởng đồng ý về những yếu tố cơ bản của CPTPP mà trong đó tập hợp tất cả những cam kết của TPP ban đầu, ngoại trừ một số điều khoản bị tạm hoãn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn, như việc Canada cương quyết bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, truyền hình, âm nhạc.
|
Các quan chức thương mại 11 nước thành viên CPTPP trong cuộc họp vừa qua tại Nhật Bản. Ảnh: Na Son Nguyen. |
Tại vòng họp ở Tokyo, các quan chức đại diện đã giải quyết được những vấn đề nổi bật, chốt lại danh sách điều khoản bị “treo” và hoàn tất quá trình thẩm định pháp lý đối với thỏa thuận. “Nhờ vậy, quá trình đàm phán CPTPP đã được hoàn tất”, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore thông báo.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang nói rằng, Singapore “hài lòng với kết quả tốt từ CPTPP”. “Chúng tôi đã có những nỗ lực đáng kể nhằm duy trì tinh thần và bản chất của hiệp định, trong khi vẫn duy trì tham vọng cao và cân bằng tổng thể”, ông Lim nói. Ông cho rằng, CPTPP sẽ thúc đẩy thương mại giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, giúp các dòng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư luân chuyển liên tục trong khu vực. “Các công ty Singapore sẽ hưởng lợi từ việc xóa bỏ đáng kể thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa, cơ hội tiếp cận tốt hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong rất nhiều ngành, điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và cơ hội tiếp cận tốt hơn đến các hợp đồng mua sắm chính phủ”, Channel News Asia dẫn lời ông Lim.
Theo thỏa thuận mới, các công ty từ 11 quốc gia thành viên sẽ được tiếp cận thị trường 500 triệu dân, với tổng GDP 10 nghìn tỷ USD. CPTPP được bắt đầu sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Mỹ rút, Nhật Bản đóng vai trò dẫn dắt để thúc đẩy một hiệp định thay thế.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng, thỏa thuận mới sẽ trở thành “động lực để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ” đang nổi lên ở một số khu vực trên thế giới. Ông cũng nói rằng, Nhật Bản sẽ giải thích về tầm quan trọng của thỏa thuận này với Washington với hy vọng có thể thuyết phục Mỹ tham gia.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý nói rằng, những nước thành viên như Nhật Bản cố gắng đẩy mạnh CPTPP và đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam. Ngoài tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng TPP bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam có rất nhiều những nỗ lực đến phút chót để cứu vãn sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không đến dự họp, khiến thỏa thuận tưởng chừng đã gãy.
Sau khi Mỹ rút, số phận TPP phụ thuộc nhiều câu chuyện. Tất cả 11 nước còn lại, trong đó có Canada, phải có quyết sách, và tìm thấy lợi ích của mình. Những nước có lợi ích lớn như Nhật Bản, Úc và cả Việt Nam đều nỗ lực thúc đẩy. Những cấn cá còn lại chỉ còn là vấn đề kỹ thuật, nhưng khi đã có quyết tâm chính trị thì các nước sẽ dễ vượt qua để tìm tiếng nói chung.