Đàm phán Brexit bế tắc, Thủ tướng May lộ rõ điểm yếu

Google News

Cuộc điện thoại Thủ tướng Anh nhận được từ lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ khiến thỏa thuận tưởng chừng đã đạt được giữa Anh và EU lâm vào bế tắc.

Điểm yếu của Thủ tướng Anh Theresa May đã bị phơi bày ngay giữa bữa ăn trưa bàn công việc với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean Claude Juncker hôm 4/12. Bà May buộc phải tạm dừng bữa trưa để nhận cuộc gọi từ lãnh đạo đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), đảng đang hỗ trợ đảng Bảo thủ của bà May có được thế đa số trong Hạ viện.
Lãnh đạo DUP, bà Arlene Foster, tuyên bố với May rằng bà không thể ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc để vùng Bắc Ireland tiếp tục theo các luật của EU.
 Thủ tướng May đã đến Brussels để gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Juncker và hy vọng thống nhất được thỏa thuận quyết định cho Brexit nhưng cuối cùng phải ra về tay trắng. 
Tại London, nhiều đảng viên Bảo thủ ủng hộ Brexit cũng đứng về phía DUP. Lord Trimble, cựu bộ trưởng thứ nhất của Bắc Ireland, nói với Guardian rằng các nghị sĩ Bảo thủ trong cuộc họp đảng Hợp nhất Dân chủ đã "đồng lòng phản đối" dự thảo mà ông cho rằng "được tạo ra tại Dublin (thủ đô của Cộng hòa Ireland)".
DUP và các nghị sĩ chống đối thỏa thuận này cáo buộc Cộng hòa Ireland đã can thiệp vào chính trị nội bộ của vùng Bắc Ireland. Trong nhiều tuần thương thảo qua lại với bà May và ông Juncker, Dublin muốn thuyết phục để Anh không xây dựng một đường biên giới ngăn cách Cộng hòa Ireland với Bắc Ireland.
Trong khi đó, những người phản đối thỏa thuận này muốn rằng Bắc Ireland phải rời EU theo cùng điều khoản với những phần khác của nước Anh.
Phát biểu tại Nghị viện Bắc Ireland, bà Foster tuyên bố rằng đảng của bà "hết sức rõ ràng" trong vấn đề Bắc Ireland.
"Bắc Ireland phải rời khỏi EU với cùng điều khoản như phần còn lại của nước Anh. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ sự ngoại lệ nào chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh, cả về kinh tế lẫn chính trị. Sự toàn vẹn về kinh tế và hiến pháp của Anh không thể bị thỏa hiệp theo bất cứ cách nào", Guardian dẫn lời lãnh đạo đảng DUP, đảng hoạt động tại chính Bắc Ireland.
Với vị trí đặc biệt của Bắc Ireland, chính phủ Cộng hòa Ireland muốn giữ sự hội nhập của khu vực này với thị trường chung EU ngay cả sau Brexit. Bà May về cơ bản đã đồng ý với đề xuất này nhưng vấp phải sự phản đối trong liên minh cầm quyền. Bản đồ: Google Maps. 
Sau 20 phút nói chuyện với bà Foster, Thủ tướng May quay trở lại bàn ăn trưa với ông Juncker và các thỏa thuận dự kiến đạt được trước đó bị đổ vỡ. Các nhà ngoại giao đã đợi 2 giờ đồng hồ để tham dự cuộc họp dự kiến bắt đầu sau khi bữa trưa của bà May và ông Juncker kết thúc. Vì bữa ăn không mang lại kết quả gì, các quan chức đành ra về tay trắng.
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói rằng ông "bất ngờ và thất vọng" trước việc bà May đã đồng ý với EU một thỏa thuận mà bà không thể thúc đẩy trong nước.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk thừa nhận rằng thất bại này khiến cho việc đạt được một thỏa thuận trong tháng 12 này là "gay go" nhưng vẫn không phải bất khả thi.
Buổi làm việc trưa 4/12 tại Brussels vốn được xem là "hạn chót" cho tiến trình giải quyết các vấn đề Anh tách khỏi EU. Nếu không đạt được thỏa thuận thì các bên sẽ không thể chấp thuận mở các cuộc đàm phán tương lai về quan hệ thương mại tại hội nghị thượng đỉnh ngày 15/12.
Trong khi đó, một thỏa thuận với EU về việc cho phép Bắc Ireland tiếp tục ở lại thị trường chung EU có thể sẽ kích thích những yêu cầu tương tự từ Scotland và London.
Theo Phương Thảo/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)