Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài mà Washington cho là tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Bộ Thương mại Mỹ sau đó đưa Huawei và 68 thực thể vào một danh sách đen xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua linh kiện, công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của chính phủ (Mỹ). Động thái này khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng lại càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.
"Mắc kẹt" trong cuộc thương chiến chưa có hồi kết giữa hai nước, Huawei có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường điện thoại thông minh trong thời gian tới, và gã khổng lồ công nghệ này của Trung Quốc cũng đang phải đối phó với những thách thức đầu tiên.
|
Nhiều công ty Mỹ và Trung Quốc đang "điêu đứng" vì cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Ảnh: CE. |
Được biết, Tập đoàn Huawei là nhà cung cấp công nghệ 5G hàng đầu thế giới, nhưng các sản phẩm liên quan đến công nghệ 5G vẫn cần linh kiện Mỹ. Trong khi đó, công ty này đã ký nhiều hợp đồng cung cấp hạ tầng 5G cho nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm 25 nước Châu Âu và 10 nước Trung Đông.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Huawei khó có thể hoàn tất các hợp đồng này nếu hãng không có đủ linh kiện, phần mềm và chip máy tính từ nhà cung cấp Mỹ.
"Cũng giống như hầu hết các công ty công nghệ lớn khác, Huawei phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động nếu không có nguồn cung cấp chip liên tục từ Mỹ", chuyên gia đến từ công ty Bernstein nhận định.
Phía Huawei cho biết họ đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho kịch bản hiện tại và tự tin có thể giải quyết tình thế khó khăn lúc này, nhưng giới quan sát nhận định rất khó để Huawei trụ vững khi mất nguồn cung cấp linh kiện từ các nhà sản xuất Mỹ.
Trước đó, ngày 20/5, Google đã đình chỉ giấy phép và thỏa thuận chia sẻ với Huawei, bao gồm việc chuyển giao sản phẩm phần cứng và phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc những sản phẩm chạy Android của hãng điện thoại Trung Quốc sẽ mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android.
Có thể nói, động thái của Google nhắm trực tiếp vào Huawei. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, bất kỳ một công ty điện thoại Trung Quốc nào dùng Android cũng có thể bị ảnh hưởng nếu nằm trong "danh sách đen" của Washington trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Không chỉ Huawei chịu thiệt, mà chính các công ty Mỹ hợp tác với họ cũng đang phải lĩnh hậu quả từ cuộc chiến tranh thương mại leo thang với Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà sản xuất chip của Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại về giá cả tăng cao sau lệnh cấm Tập đoàn Huawei.
"Tất cả chúng tôi sẽ phải chịu thiệt hại trong ngành công nghiệp này nếu chúng ta không giải quyết được vụ việc", tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Tom Caulfield, Giám đốc điều hành Globalfoundries Inc - nhà sản xuất hợp đồng chip lớn nhất nước Mỹ.
Lumentum, một công ty ở Thung lũng Silicon chuyên sản xuất thiết bị mạng cáp quang, cho biết 15% doanh thu của họ đến từ Huawei. Theo New York Times, trước viễn cảnh không mấy khả quan, họ đã hạ mức doanh thu kỳ vọng trong quý này 35 triệu USD, xuống còn 390 triệu USD.
Mời độc giả xem thêm video: Nguy cơ từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)
Apple chắn hẳn cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo trong cuộc thương chiến này. Trong quý 1/2019, doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm khoảng 30% (còn 6,5 triệu máy).
Còn ông Sindre Knuttson, chuyên gia khí đốt tại Rystad Energy, cho rằng Tập đoàn Cheniere Energy của Mỹ chính là một nạn nhân rõ rệt của cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Được biết, Cheniere Energy đã ký hợp đồng thời hạn 20 năm để bán 2 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm cho công ty Sinopec của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2013. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang bị đình chỉ.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn tác động mạnh đến các hãng sản xuất máy bay như Boeing. Nếu cuộc thương chiến này không kết thúc, có lẽ các công ty, doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa đang chờ đón phía trước.