Trung Quốc và Mỹ hiện đang trong giai đoạn đàm phán nhằm chấm dứt bất đồng thương mại kéo dài nhiều tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tiến triển và về cơ bản, hai bên đã thống nhất thiết lập một cơ chế thực thi mọi thỏa thuận có thể đạt được. Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể khiến một số quốc gia lo ngại, đặc biệt là Australia.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP), tác giả BobCarr - cựu ngoại trường và cựu Thủ hiến bang New South Wales, hiện là giám đốc phụ trách Viện quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã đưa ra nhiều nhận định sâu về vấn đề này.
Lợi ích của Australia bị phớt lờ
“Hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ”. Đó là câu trả lời của Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur B. Culvahouse Jnr khi trả lời câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại, mà theo đó thúc đẩy Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ bằng cách cắt giảm nhập khẩu từ Australia?
Đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi vì Trung Quốc chiếm 1/3 lượng xuất khẩu của Australia. Tuần trước Canberra đã công bố ngân sách cho năm tài khóa 2019-2020 (bắt đầu từ ngày 1/7 tới) với kế hoạch cắt giảm thuế. Luôn tự hào là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tốt, kéo dài hơn 25 năm mà không hề có một cuộc suy thoái nào, nhưng Australia sẽ khó có thể duy trì thế mạnh này nếu không tiếp cận với sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Nói cách khác Australia là một trong những nền kinh tế phát triển có quan hệ chặt chẽ nhất với Trung Quốc. Hiện còn chưa có dấu hiệu rõ rệt cho thấy kinh tế Australia đang bị thiệt hại, nhưng các nhà phân tích cho rằng, nếu tình hình tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc kéo dài, Australia sẽ bị tác động.
Câu trả lời của Đại sứ Culvahouse Jnr cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cắt giảm thâm hụt thương mại gần 400 tỷ USD với Trung Quốc trong một cuộc dàn xếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà ở đó, các lợi ích của Australia sẽ bị bỏ qua.
Ông BobCarr cũng cho rằng, Đại sứ Australia tại Mỹ Joe Hockey dường như đã bỏ lỡ điểm quan trọng trong nhiệm vụ của ông. Trong phát biểu hôm 3/2, ông hối thúc Mỹ không vội vàng “đạt được thắng lợi mà Mỹ phải trả với giá quá đắt” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Mỹ nên tiếp tục kéo dài cuộc chiến này. Song có lẽ ông chưa nhận thức được rằng, một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn thương sâu sắc đối với Australia như thế nào.
Kịch bản tiềm ẩn
Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có lẽ là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất của Australia trong trường hợp Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm nhiều LNG từ Mỹ như một phần thỏa thuận thương mại giữa các bên. Trước đó vào tháng 1/2019, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng lượng LNG gấp 4 lần trong 20 năm tới để sử dụng cho 34 nhà ga ven biển với hạn mức nhập khẩu là 247 triệu tấn mỗi năm. Nếu các bên đạt được một thỏa thuận thương mại, Trung Quốc tất yếu sẽ lựa chọn Mỹ là nhà xuất khẩu chính để thực hiện kế hoạch của nước này và lẽ dĩ nhiên Australia bị gạt ra lề.
Tiếp đến là mặt hàng xuất khẩu rượu vang. Rượu vang của Mỹ đang bị Trung Quốc áp mức thuế nhập khẩu gần 40%, còn rượu vang của Australia được miễn thuế vì thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại, lợi thế này của Australia có nguy cơ biến mất. Nhưng tất cả những nhận định trên mới chỉ là phỏng đoán.
Hiện giờ một lĩnh vực khác của Australia đang chịu ảnh hưởng trực tiếp đó là xuất khẩu than cốc. Xuất khẩu than cốc của Australia sang Trung Quốc đã giảm 21% vào tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm 2018. Điều này đã khiến cổ phiếu ngành than của nước này bốc hơi hàng tỉ USD. Qua đây có thể thấy rằng, Trung Quốc dường như đang gửi đi thông điệp không mấy thân thiện tới Australia.
Trông chờ ở đồng minh
Quan hệ giữa Australia với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Canberra - trở nên căng thẳng kể từ tháng 12/2017 khi cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull chỉ trích Bắc Kinh can thiệp nền chính trị Australia và đề xuất dự luật chống sự can thiệp từ nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi từ chức vào tháng 8/2018, ông Malcolm Turnbull đã thay đổi quan điểm, nói rằng ông lạc quan về quan hệ giữa Australia và Trung Quốc.
Người kế nhiệm ông, Thủ tướng Scott Morrison, sau đó đã áp dụng chính sách xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng bất chấp nỗ lực hòa giải từ nhà lãnh đạo mới của Australia, Bắc Kinh vẫn quyết định giảm nhập khẩu than cốc của nước này nhằm trả đũa quyết định đưa ra từ thời cựu Thủ tướng Turnbull loại trừ tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) ra khỏi sự án xây dựng hạ tầng mạng 5G tại Australia.
Theo nhận định của cựu ngoại trưởng BobCarr, quyết định của Canberra là sự bày tỏ lòng trung thành với liên minh, chứ không hoàn toàn vì lợi ích quốc gia. Trong khi Anh và Đức vẫn còn đang xem xét việc cấm Huawei tham gia mạng 5G tại các quốc gia này thì Australia đã đi trước một bước, chính thức thực thi lệnh cấm Huawei, thậm chí trước cả Mỹ.
Tác giả BobCarr trích dẫn một câu nói mà ông vẫn còn nhớ khi giữ chức Ngoại trưởng: “Lợi ích của chúng ta (Australia) khác với lợi ích của những nước lớn”. Ông dẫn nhận định của cựu Thủ tướng Australia Malcolm Fraser cho rằng “Mỹ có thể phát động một cuộc chiến với Trung Quốc, có thể thua và sau đó rút khỏi Châu Á”.
Theo ông, phát biểu của Malcolm Fraser có thể ám chỉ một cuộc xung đột vũ trang hoặc một cuộc chiến thương mại mà Mỹ và Trung Quốc sẽ tự giải quyết mà không cần để tâm đến những lo ngại của Australia. Và giờ đây câu “Hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ” có lẽ là lời an ủi tốt nhất mà Canberra nhận được từ Washington ở thời điểm này./.