Theo Reuters, quân đội và cảnh sát Myanmar đã tìm mọi cách trấn áp các cuộc biểu tình phản đối chính biến. Song, những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước bị quân đội bắt giữ sau cuộc chính biến ngày 1/2, tiếp tục xuống đường tuần hành ở nhiều thành phố.
|
Đám đông biểu tình đứng phía sau rào chắn trong lúc đụng độ với lực lượng an ninh trên cầu Bayint Naung ở Yangon, Myanmar. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông địa phương đưa tin, lực lượng an ninh đã dùng hơi cay để giải tán đám đông chống đối ở thị trấn Aungban, miền trung Myanmar. Họ đã tìm cách dỡ bỏ các rào chắn do người biểu tình dựng lên nhưng vấp phải sự kháng cự, nên nổ súng sau đó.
Một nhân chứng kể đã nhìn thấy một người biểu tình thiệt mạng. Trong khi, cổng thông tin điện tử Kanbawza Tai thống kê có tới 6 người tử vong trong vụ chạm trán.
Ngoài Aungban, thủ đô cũ Yangon, thành phố Mandalay và các thị trấn Myingyan, Katha cũng như Myawaddy cũng chứng kiến các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và phe chống chính biến hôm 19/3.
Một thống kê độc lập ghi nhận, tổng số người thiệt mạng vì bạo lực sau chính biến hiện đã lên tới ít nhất 224 người. Một phát ngôn viên của quân đội Myanmar quả quyết lực lượng an ninh chỉ dùng vũ lực khi cần thiết. Song, những người chỉ trích đã bác bỏ lời giải thích này.
Phe đối lập muốn mời ICC vào cuộc
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun, người đã công khai lên án quân đội trong nước, tiết lộ một ủy ban quy tụ những nhà lập pháp bị lật đổ đang xem xét những cách thức buộc quân đội phải chịu trách nhiệm về bạo lực sau chính biến.
"ICC chỉ là một trong những giải pháp đó. Chúng tôi không phải là nước tham gia ICC nhưng chúng tôi cần nghiên cứu các biện pháp và cách thức để đưa vụ việc lên tòa hình sự quốc tế", ông Moe Tun cho biết tại một sự kiện ở New York (Mỹ).
Tại Geneva, các chuyên gia nhân quyền của LHQ lên án các hành động cưỡng ép trục xuất, giam giữ tùy tiện và giết hại người biểu tình. Họ kêu gọi các chính phủ nước ngoài nên cân nhắc trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm.
Theo một quan chức LHQ, hàng trăm người đã bỏ chạy khỏi các thành phố, thị trấn Myanmar kể từ sau chính biến và đang trú ẩn tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát các nhóm dân quân thiểu số ở biên giới Thái Lan. Một số người vượt biên giới phía tây, sang Ấn Độ tị nạn.
Quân đội Indonesia bày tỏ quan ngại
Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính biến ở Myanmar hôm 18/3 đã tham gia một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo quốc phòng của những quốc gia Đông Nam Á khác. Theo truyền hình Myanmar, đây là hội nghị quốc tế đầu tiên của ông Hlaing kể từ sau khi quân đội lên nắm quyền tại nước này.
Tại cuộc họp, ông Hadi Tjahjanto, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Indonesia bày tỏ quan ngại về tình hình Myanmar. Quân đội Indonesia từng điều hành đất nước suốt nhiều năm nhưng sau đó đã hoàn toàn rút khỏi chính trường.
Indonesia đã đi đầu trong những nỗ lực ngoại giao ở Đông Nam Á, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Song, hội nghị khu vực ngày 3/3 đã không giúp mang đến một giải pháp khả thi.
EU công bố kế hoạch trừng phạt
Theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến ngày 21/3 sẽ áp trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội Myanmar và sau đó là cả các doanh nghiệp nằm dưới sự quản lý của những nhân vật này.
Động thái dự kiến diễn ra sau quyết định tương tự hồi tháng trước của Mỹ. Anh hồi tháng 2 cũng cho đóng băng các tài sản và áp lệnh cấm đi lại đối với ba vị tướng của Myanmar.