Trong tuyên bố ngày 4/2 với sự nhất trí của 15 thành viên, Hội đồng bảo an nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các thể chế và tiến trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở Myanmar. Tuyên bố cũng kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi và một số quan chức bị bắt giữ bởi quân đội Myanmar đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp ở nước này. Hội đồng bảo an cũng khuyến khích đối thoại và hòa giải theo ý nguyện và lợi ích của người dân Myanmar.
|
Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters |
Một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại Liên hợp quốc bày tỏ hy vọng rằng các thông điệp chính của tuyên bố sẽ được các bên liên quan lưu ý và dẫn tới một kết quả tích cực ở Myanmar.
Trong khi đó, theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang cân nhắc một sắc lệnh hành pháp có thể bao gồm một số biện pháp trừng phạt liên quan tới vụ đảo chính ở Myanmar./.