Một nguồn tin xin giấu tên tiết lộ rằng, vào đêm Chủ nhật (25/5), bà Yingluck đã được phép trở về nhà sau thời gian quân đội tạm giữ ở Sư đoàn số 1 gần Royal Plaza theo một sắc lệnh được ký bởi Tư lệnh Lục quân, Chủ tịch NCPO kiêm Thủ tướng tạm quyền Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha.
|
Bà Yingluck trong buổi họp báo hôm 7/5.
|
Sau khi tuyên bố
đảo chính hôm 22/5, phía quân đội đã yêu cầu cựu Thủ tướng Yingluck tới trình diện vào hôm 23/5. Hơn 100 người khác, bao gồm cả các chính trị gia và các nhà vận động, cũng nằm trong danh sách triệu tập lần này.
Lực lượng quân đội đã nắm giữ quyền điều hành đất nước từ tay chính phủ vào hôm thứ 5 (22/5) sau nhiều tháng bất ổn chính trị, gây nên các cuộc dụng độ chết người ở thủ đô Bangkok.
Nguồn tin cũng cho hay, phía quân đội đã yêu cầu bà Yingluck “giúp duy trì hoà bình và trật tự, tránh xa những người biểu tình hoặc bất cứ phong trào chính trị”. Ngoài ra, nguồn tin quân sự bí mật này khẳng định, cựu Thủ tướng Yingluck được tự do đi lại và liên lạc. Tuy nhiên, một thân tín của cựu thủ tướng đã không thể xác nhận bà Yingluck đã được thả ra lúc nào. Đồng thời, người này còn tỏ ra hoài nghi về việc bà ấy được tự do di chuyển.
Vào hôm thứ 7 (24/5), một phát ngôn viên quân sự cho biết, tính cho tới thời điểm đó, khoảng 150 nhân vật đã được phía quân đội yêu cầu ra trình diện trước NCPO. Những người bị triệu tập bao gồm các học giả và một trong những đối thủ chính của bà Yingluck đó là thủ lĩnh phe chống chính phủ (tức phe Áo vàng) ông Sondhi Limthongkul.
“Chúng tôi muốn họ có một chút thời gian thư giãn và cũng để suy nghĩ về việc giải quyết cuộc bất ổn chính trị này”, vị phát ngôn viên này nói.
Hội đồng (tức NCPO) muốn “họ thay đổi nhận thức và làm cho họ suy nghĩ về đất nước, nghĩ về những người dân Thái làm đại cục, chứ không chỉ một nhóm cụ thể nào cả”.
Trong khi đó, vị cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thái Lan kiêm anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, tiết lộ độc quyền với kênh ABC về kế hoạch thành lập chính phủ lưu vong. Theo đó, luật sư Robert Amsterdam cho biết, ông Thaksin đang đàm phán với một loạt quốc gia để xin phép thành lập trụ sở của chính phủ lưu vong. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một thách thức trực tiếp đối với chính quyền quân sự mới được lập ra sau cuộc đảo chính hôm 22/5.