Một nghiên cứu do các nhà kinh tế Rob Subbaraman, Sonal Varma và Michael Loo thuộc Công ty Nomura Holdings Inc. thực hiện mới được trang Bloomberg đăng tải ngày 4/6 cho thấy, Việt Nam đứng đầu danh sách những nền kinh tế hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tính đến thời điểm hiện tại.
Lý do là bởi các nhà nhập khẩu tìm cách chuyển hướng nguồn cung mới để tránh mức thuế cao hơn. Theo đó, các nền kinh tế bên thứ ba có thể hưởng lợi khi sản phẩm của họ trở thành nguồn hàng thay thế cho những sản phẩm mà Mỹ-Trung áp thuế lẫn nhau.
Trong quý I/2019, số đơn đặt hàng mà Việt Nam nhận được, do nhu cầu chuyển hướng đối với hàng hóa (của Mỹ và Trung Quốc) bị đánh thuế, có giá trị tương đương 7,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm.
|
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: MW. |
Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách hưởng lợi, với mức tăng tương đương 2,1% GDP. Cả Việt Nam và Đài Loan đều hưởng lợi từ việc Mỹ tăng thuế quan với hàng hoá Trung Quốc nhiều hơn là từ việc Trung Quốc nâng thuế đối với hàng Mỹ.
Theo Bloomberg, cho đến nay, hơn một nửa trong danh sách 1.981 sản phẩm bị đánh thuế trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được các nhà nhập khẩu hai nước tìm nguồn cung ứng thay thế.
Mời độc giả xem thêm video về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn kể từ khi vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington kết thúc ngày 10/5 (theo giờ Mỹ) mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào và hai nước liên tục đưa ra những biện pháp đáp trả lẫn nhau.
Mỹ chính thức áp mức thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 10/5.
Đáp trả, ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ áp thuế nhập khẩu từ 5%-25% đối với 5.140 sản phẩm từ Mỹ, với trị giá khoảng 60 tỉ USD. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.