Lý do Trung Quốc sẽ dễ dàng thắng Mỹ trong chiến tranh thương mại

Google News

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng nóng. Mặc dù Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố “chiến tranh thương mại dễ thắng” nhưng theo các chuyên gia, Trung Quốc mới là bên dễ thắng trong cuộc chiến này.
 

Lún sâu vào chiến tranh thương mại
Theo hãng tin AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 vừa thông báo áp thuế 25% với số hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cho biết sẽ trả đũa tương tự với số hàng Mỹ xuất sang Trung Quốc.
Tới nay, Tổng thống Trump đã áp thuế mới với số hàng hóa trị giá 52 tỷ USD của Trung Quốc và Trung Quốc cũng đáp trả tương tự.
Ly do Trung Quoc se de dang thang My trong chien tranh thuong mai
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP 
Đó là chưa kể các khoản thuế mà Tổng thống Trump áp với thép và nhôm nhập khẩu từ nhiều nước. Ngoài Trung Quốc, châu Âu, Canada, Mexico và một số nước khác đã trả đũa các biện pháp áp thuế của Mỹ.
Tuy nhiên, điều đó không khiến Tổng thống Trump suy chuyển. Trong thực tế, ông đã cảnh báo áp thuế nhiều gấp 6 lần những gì mà ông đã làm tới nay. Nếu ông thực hiện điều đó, đó sẽ là một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh thương mại.
Tính tổng thể, ông Trump đã áp thuế mới lên hàng hóa trị giá 107 tỷ USD và đe dọa áp thuế hàng hóa nhập khẩu trị giá khoảng 608 tỷ USD.
Các thị trường chứng khoán hiện nay vẫn chưa bị tác động mấy bởi chủ nghĩa bảo hộ. Số hàng hóa bị áp mức thuế mới của Mỹ chỉ là một lát rất nhỏ trong GDP toàn cầu. Tuy nhiên, thị trường có thể dao động nếu Tổng thống Trump đi xa hơn nữa.
Thuế quan sẽ làm tăng giá cả. Giá tăng làm giảm mức cầu, dẫn tới nhà sản xuất bán ít hàng hơn. Trong chiến tranh thương mại, người thua sẽ nhiều hơn kẻ thắng vì thuế quan giảm hiệu quả kinh doanh và khiến mọi người đều thiệt hại.
Tổng thống Trump dường như không quan tâm tới điều đó. Ông muốn tìm điểm yếu của các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc. Tới nay, mục tiêu áp thuế của ông nhằm vào 1/10 hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc. Nhưng ông bắt đầu quá trình áp thuế với gần như mọi hàng hóa Trung Quốc, có lẽ vì cho rằng Trung Quốc sẽ dao động một lúc nào đó và đưa ra những nhượng bộ mà Mỹ cần.
Theo AP, Trung Quốc có thể không nhượng bộ, đặc biệt là khi bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang sắp diễn ra vào tháng 11 tới. Ở một mức độ nào đó, cuộc bầu cử này sẽ là một trưng cầu ý dân về chính sách thương mại của Tổng thống Trump. Nếu phe Cộng hòa mất kiểm soát một hoặc hai viện quốc hội, sức mạnh của Tổng thống Trump sẽ giảm dần, còn Trung Quốc sẽ mạnh hơn.
Còn hiện tại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chịu thiệt hại nhiều hơn là thị trường chứng khoán Mỹ. Điều đó khiến Tổng thống Trump cho rằng Mỹ có thể chịu đựng chiến tranh thương mại lâu hơn Trung Quốc và các đòn đánh thuế liên tiếp có thể buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.
Trên tờ Channel News Asia, ông David A Andelman, học giả thuộc Trung tâm An ninh Quốc gia, trường luật Fordham, cho rằng suy nghĩ trên cho thấy Tổng thống Trump dường như không hiểu về Trung Quốc hoặc đánh giá thấp sức mạnh nền kinh tế Trung Quốc – dù yếu đi so với năm trước đó nhưng vẫn tăng trưởng gấp đôi so với Mỹ.
Trung Quốc sẽ có giải pháp
Ông Andelman cho rằng muốn thắng chiến tranh thương mại với Trung Quốc, hoặc đạt được một kết quả hài lòng, thì Mỹ phải hiểu mình đang đối mặt với lực lượng như thế nào. Phần lớn nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc, đặc biệt là các lĩnh vực tập trung vào nội địa, đều phần lớn là miễn dịch với tình trạng hỗn độn thương mại hoặc sẽ tìm cách hạn chế tác hại của xung đột thương mại.
Theo Mary E. Lovely, Giáo sư kinh tế trường Đại học Syracuse và thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nếu số lượng việc làm và tài sản là thước đo quyết định ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại thì Trung Quốc sẽ chiến thắng.
Trung Quốc sẽ thắng vì nước này chơi trò chơi chiến tranh thương mại thành thục hơn Mỹ. Thuế mà Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc phần lớn sẽ do công ty và người tiêu dùng Mỹ chi trả, còn Trung Quốc đáp trả bằng cách động thái làm nhẹ cú đấm cho các công ty ở Trung Quốc, gồm cả các công ty do nước ngoài sở hữu.
Để thắng chiến tranh thương mại về mặt này, Mỹ sẽ phải áp đặt thuế sao cho khiến kinh tế Trung Quốc tổn thương trầm trọng đến mức chính quyền Trung Quốc phải cải thiện quản lý tài sản trí tuệ của Mỹ - điều mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ từ lâu đã đòi hỏi. Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc phục thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, vì thế Chính phủ Trung Quốc sẽ thuận theo các yêu cầu của Mỹ.
Tuy nhiên, chiến lược này chắc chắn sẽ phản tác dụng. Theo bà Lovely, thứ nhất, khoảng 60% sản phẩm mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ do các nhà máy không phải của người Trung Quốc sản xuất. Nhiều trong số đó sản xuất đầu vào cho các nhà sản xuất Mỹ, ví dụ như thiết bị định tuyến máy tính, đèn LED, động cơ thuyền. Điều đó có nghĩa là thuế mà Mỹ áp cho hàng Trung Quốc để nhằm vào Trung Quốc lại ảnh hưởng tới nhiều công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc.
Những công ty này không thể ngay lập tức phản ứng với mức thuế mới bằng cách nhanh chóng chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, họ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu hoặc buộc người tiêu dùng Mỹ phải trả khi bán hàng với giá cao hơn.
Trong thực tế, điều này đang xảy ra. Mức thuế 20% với sản phẩm máy giặt áp từ tháng 2 đã khiến giá tiêu dùng của những sản phẩm này tăng 16,4%. Vì thế, phần lớn nguồn thu thuế sẽ chảy từ túi người tiêu dùng Mỹ ra, chứ không phải từ công ty Trung Quốc.
Ly do Trung Quoc se de dang thang My trong chien tranh thuong mai-Hinh-2
 Giá máy giặt ở Mỹ đã tăng 16,4% đầu năm 2018. Ảnh: AP
Mức cầu của người Mỹ với hàng hóa Trung Quốc giảm sẽ làm tổn thương kinh tế Trung Quốc. Số hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chiếm 3% doanh thu sản xuất Trung Quốc. Đó là một phần đủ lớn mà nếu áp thuế sẽ gây ra tổn hại nhưng chắc chắn không gây ra thảm họa.
Hơn nữa, phần lớn những gì Mỹ nhập từ Trung Quốc lại có giá trị được tạo ra ở những nơi khác, trong đó có Mỹ.
Ví dụ với iPhone, phần lớn giá trị của chiếc điện thoại này nằm ở màn hình hiển thị của Hàn Quốc, chip từ Nhật Bản và thiết kế, lập trình từ Mỹ. Vì thế, mỗi đô la doanh số mà một công ty Trung Quốc mất thực ra có mức ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc chưa đến 1 đô la.
Với máy tính và điện tử, chiếm phần lớn nhất trong các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Mỹ, giá trị của Trung Quốc trong mỗi đồng đô la nhập khẩu là 50 xu.
Do đó, ảnh hưởng tiêu cực của mức thuế với ngành sản xuất Trung Quốc có thể không đủ lớn để có ảnh hưởng tới cách làm ăn buôn bán của Trung Quốc.
Khi chiến tranh thương mại leo thang, giới lãnh đạo Trung Quốc càng cam kết theo chuỗi cung cấp quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, trái với Tổng thống Trump – người dường như muốn cô lập các nhà sản xuất Mỹ.
Trong thực tế, Trung Quốc vẫn có những chính sách chưa công bằng trong hệ thống thương mại thế giới, nhưng những biện pháp áp thuế của ông Trump không thể giải quyết điều đó.
Thay vào đó, khi vòng áp thuế tiếp theo bắt đầu, người dân Mỹ sẽ phải trả tiền nhiều hơn khi mua máy tính, quần áo và hàng nghìn sản phẩm khác.
Do đó, Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, sẽ nâng cao vị thế trên thế giới với tư cách là nơi tạo dựng và xây đắp tương lai.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)