Đất hiếm là tên gọi chung của 17 nguyên tố hóa học có vai trò thiết yếu trong việc sản xuất mọi thứ, từ điện thoại, tivi đến camera hay bóng đèn.
Sau lệnh cấm bán linh kiện cho Huawei của Mỹ, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đả kích Washington, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi nước này sẵn sàng cho cuộc Vạn lý Trường chinh mới.
“Đáp ứng nhu cầu nội địa sẽ là ưu tiên, nhưng Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đất hiếm toàn cầu nếu chúng được dùng một cách hợp lý”, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã bình luận ngày 29/5.
“Tuy nhiên, nếu ai đó dùng đất hiếm nhập khẩu để chống lại Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ không đồng ý”.
|
Một công nhân đang làm việc trong mỏ đất hiếm ở tỉnh Giang Tây phía đông Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp 95% lượng đất hiếm của toàn thế giới. Ảnh: Reuters. |
Trong chuyến thăm một công ty đất hiếm - động thái được coi là thông điệp đe dọa ngầm gửi tới Washington - Chủ tịch Tập nói đất hiếm “không chỉ là tài nguyên chiến lược quan trọng, mà còn là tài nguyên không tái tạo”, theo Tân Hoa Xã.
Tuy vậy, các nhà phân tích nói Trung Quốc có vẻ chưa muốn nhắm đến đất hiếm, có thể vì lo sợ thế giới sẽ nhanh chóng tìm kiếm nguồn đất hiếm thay thế, theo hãng tin AFP.
Trung Quốc cung cấp hơn 95% đất hiếm của thế giới, và 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu đến từ Trung Quốc.
Nhờ vậy, Trung Quốc có lợi thế lớn trong cuộc chiến thương mại đang dần chuyển sang cuộc đua công nghệ cao giữa hai nước.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho Huawei, vì lo ngại các thiết bị của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc có thể phục vụ việc do thám của Bắc Kinh.
Lệnh cấm này được đưa ra trong bối cảnh hai nước tuyên bố đánh thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau trong cuộc chiến bắt đầu năm ngoái và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.