Bác sĩ tại Vũ Hán bị hành hung, quá tải

Google News

Tại Vũ Hán, các bác sĩ và y tá đối mặt nhiều mối đe dọa như bị người nhà bệnh nhân tấn công, làm việc quá sức trong khi vật tư y tế cạn kiệt.

Trung Quốc đã thực hiện những bước đi chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus nCoV-2019 đã bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, trong đó có việc phong tỏa khu vực sinh sống của 60 triệu dân.
Thế nhưng, trên tuyến đầu chống đại dịch, trong các bệnh viện ở Vũ Hán, các bác sĩ và y tá cho biết họ thiếu vật tư y tế cũng như đối mặt với sự đe dọa về thể chất từ các bệnh nhân đang tuyệt vọng, theo South China Morning Post.
"Đâm bác sĩ đâu làm bạn được khám sớm hơn"
Một bác sĩ từ bệnh viện ở Vũ Hán cho biết ông chưa được về nhà trong suốt 2 tuần qua. Kể cả trong ca trực ban đêm mới đây, vị bác sĩ vẫn thấy hơn 150 bệnh nhân xếp hàng chờ thăm khám tại phòng khám ngoại trú.
"Tất cả bệnh nhân đều lo lắng. Một số trở nên tuyệt vọng sau nhiều giờ chờ đợi trong giá rét. Tôi nghe thấy một người trong hàng chờ nói là ông ấy đã phải chờ quá lâu và muốn đâm chúng tôi. Tôi thực sự lo sợ. Giết một vài bác sĩ đâu có giúp thu ngắn hàng chờ", vị bác sĩ nói.
Lo lắng của vị bác sĩ về tình trạng bạo lực là hoàn toàn có thể hiểu được. Hôm 28/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán số 4 đã bị gia đình một bệnh nhân có triệu chứng giống như nhiễm virus nCoV-2019 tấn công. Những người này thậm chí xé toạc quần áo bảo hộ của một bác sĩ tại khu vực lây nhiễm, tờ Beijing Youth Daily cho biết.
Bac si tai Vu Han bi hanh hung, qua tai
Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa xã. 
"Tâm trạng của mọi người đang rất tệ vì bệnh viện hoạt động hết công suất từ đầu tháng 1. Nhiều người thậm chí còn không tìm được một chiếc giường. Nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì khác. Các bác sĩ và y tá đang làm việc không ngưng nghỉ, thậm chí ca trực đêm cũng luôn kín bệnh nhân. Chúng tôi bị vây quanh bởi các bệnh nhân, họ ho ngay cạnh chúng tôi suốt cả đêm", một bác sĩ đề nghị giấu tên cho biết.
Tới ngày 1/2, hơn 11.000 người tại Trung Quốc đại lục được xác nhận đã nhiễm virus nCoV-2019, với 259 ca tử vong. Số ca nhiễm virus lần này đã vượt qua tổng số ca mắc viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2002-2003.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 30/1 đã tuyên bố sự bùng phát virus nCoV-2019 tại Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, chỉ ra nguy cơ virus lan rộng tới các quốc gia không đủ khả năng đối phó với nó.
Bắc Kinh cho biết đã huy động hơn 6.000 nhân viên y tế để tăng viện cho đội ngũ y bác sĩ đang kiệt sức tại tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là thủ phủ. Lục quân, không quân và hải quân Trung Quốc cũng đã gửi lực lượng quân y tới 3 bệnh viện chính của Vũ Hán để chữa trị cho bệnh nhân.
Tân Hoa xã cho biết các nhóm y tế từ Đại học Quân y tại Trùng Khánh đã được huy động tham gia chữa trị tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán. 72 bệnh nhân xác nhận nhiễm virus đã được nhóm này chữa trị.
"Quá nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc, quá nhiều xét nghiệm cần được tiến hành, tất cả đều bận rộn. Thế nhưng, với việc nhóm chúng tôi có mặt ở đây, ít nhất các đồng nghiệp ở Vũ Hán cũng có thêm 1 hoặc 2 giờ để ngủ", một người thuộc nhóm quân y giấu tên cho biết.
Thế nhưng, bất chấp việc 500.000 nhân viên y tế tỉnh Hồ Bắc đã hủy kế hoạch nghỉ Tết âm lịch, việc 60% số ca nhiễm virus tại Trung Quốc cùng 95% số ca tử vong tập trung tại Hồ Bắc, các bệnh viện tại tỉnh này đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận".
Thiếu thốn vật tư y tế
Các nhân viên y tế tại Vũ Hán cho biết nguồn cung các thiết bị thiết yếu đã tăng lên nhưng vẫn cách xa nhu cầu thực tế. Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Tongji cho biết đã phải mặc một bộ đồ bảo hộ trong suốt 10 tiếng đồng hồ của ca làm việc, bởi thiếu hụt thiết bị bảo hộ.
“Thiết bị bảo hộ cần được thay thế mỗi lần chúng tôi rời khỏi khu vực nhiễm bệnh. Tôi phải mặc bỉm người lớn và hạn chế uống nước trong ca trực, để tránh phải đi vào phòng vệ sinh. Điều này ngày càng phổ biến đối với chúng tôi", bác sĩ làm việc tại bệnh viện Tongji nói.
Nhật báo Trường Giang, tờ báo chính thức của Vũ Hán, cho biết thành phố này đã tiếp nhận 10.000 bộ đồ bảo hộ, 800.000 khẩu trang y tế N95, 5 triệu khẩu trang dùng 1 lần, cùng 4.200 đôi găng tay phẫu thuật. Tờ báo này tuyên bố nguồn cung kịp thời đã giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt.
Thế nhưng, các bác sĩ tại bệnh viện Tongji cho biết vấn đề tiếp tục phát sinh liên quan tới chất lượng của thiết bị tiếp tế.
"Tôi đã thấy một số thiết bị kém chất lượng bị hỏng, vỡ. Tôi không chắc ai đã mua những thứ này cho bệnh viện, những thứ này có thể cướp đi sinh mạng của các bác sĩ và y tá", vị bác sĩ nói.
Bac si tai Vu Han bi hanh hung, qua tai-Hinh-2
 Vật tư y tế tại các bệnh viện ở Vũ Hán đang cạn kiệt. Ảnh: Tân Hoa xã.
Hôm 30/1, một bác sĩ từ khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viện Công đoàn Vũ Hán nói trên Weibo cho biết bệnh viện này đang thiếu trầm trọng thiết bị y tế, bao gồm inh bảo hộ, quần áo bảo hộ dùng một lần và khẩu trang y tế N95.
"Đồ dự trữ của chúng tôi đã gần như cạn kiệt. Xin hãy lan truyền thông tin này, xin lỗi vì cứ luôn làm phiền mọi người", nội dung chia sẻ trên Weibo có đoạn.
Cheng, một đầu mối liên hệ từ bệnh viện Công đoàn Vũ Hán cho biết quần áo bảo hộ là trang bị cần thiết nhất.
"Nếu không có quần áo bảo hộ, bác sĩ sẽ không thể thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, ảnh hưởng lớn tới công tác điều trị. Chúng tôi dùng một lượng lớn quàn áo bảo hộ mỗi ngày. Chúng tôi nhận được rất nhiều sự quyên góp từ cộng đồng, nhưng nhiều bộ không phù hợp với quy chuẩn y tế và không thể sử dụng", Cheng nói.
Cheng cho biết các bác sĩ tại Vũ Hán đang phải xoay sở với tình hình bất chấp sự thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như thiết bị y tế.
"Nói cho cùng, công việc của chúng tôi là phục vụ xã hội", Cheng nói, cho biết bản thân ông phải làm việc 15-16 giờ mỗi ngày.
Một số đoạn video đăng tải trên mạng xã hội những ngày cho thấy các bác sĩ, y tá tại Vũ Hán bị quá tải công việc đã bật khóc hoặc nổi giận, biểu hiện của sự suy sụp về tâm lý.
Một bác sĩ cho biết ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra nhân viên hành chính và quản lý đã lấy đi nhiều mặt nạ từ kho dự trữ của bệnh viện.
"Tôi rất phẫn nộ. Tiền tuyến đang thiếu hụt vật tư y tế nhưng các ông sếp lại lấy đi quá nhiều những thứ đó. Chẳng phải chúng tôi mới là người cần được ưu tiên hơn sao? Các sếp lớn kiểm tra bệnh viện thì đeo khẩu trang xịn N95, trong khi bác sĩ và y tá trực tiếp điều trị chỉ có khẩu trang thông thường dùng một lần, tôi không biết nói gì nữa", bác sĩ này cho biết.
Theo Duy Anh/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)