Tại họp báo hôm 26/1, Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang cho biết dựa trên số lượng bệnh nhân đang được theo dõi trong bệnh viện, có khả năng sẽ có thêm 1.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Nhưng thông tin đáng chú ý hơn cả mà Thị trưởng Zhou tiết lộ là trong những ngày qua, khoảng 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trước khi thành phố bị phong tỏa.
Tính đến ngày 27/1, đã có 2.835 người ở Trung Quốc nhiễm virus corona và 81 trường hợp đã tử vong, theo số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia cung cấp.
Câu hỏi đang gây tranh cãi là tính hiệu quả của các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo Washington Post.
|
Lực lượng quân y được điều động đến Vũ Hán để cứu trợ các bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: AP. |
Chậm trễ đối phó dịch bệnh lây lan
Dong-Yan Jin, giáo sư về virus học và ung thư phân tử tại Đại học Khoa học Y sinh học thuộc Đại học Hong Kong, cho biết: "Đây là thời điểm cấp thiết để áp dụng các biện pháp triệt để. Rất nhiều thành phố đã phong tỏa giống Vũ Hán, nhưng đừng quên rằng nhiều người có khả năng nhiễm bệnh đã ra khỏi đó trước khi lệnh cấm ban bố. Chúng ta sẽ phong tỏa cả quốc gia sao?"
Ông Jin cho biết chính quyền Trung Quốc đã bỏ lỡ thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh: trước khi người dân bắt đầu đổ đi du lịch nhân dịp Tết Nguyên đán hồi tuần trước.
Trong cuộc phỏng vấn đáng chú ý với đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, Thị trưởng Zhou thừa nhận rằng thành phố Vũ Hán đã không công bố thông tin kịp thời và thỏa đáng khi dịch bệnh khởi phát.
"Tôi hy vọng mọi người có thể hiểu rằng đây là bệnh truyền nhiễm và các bệnh truyền nhiễm phải được công bố theo luật pháp. Chúng tôi chỉ có thể công bố thông tin sau khi được ủy quyền", ông Zhou nói.
Thị trưởng Vũ Hán còn tuyên bố ông và bí thư đảng ủy thành phố sẵn sàng từ chức để xoa dịu cơn thịnh nộ của công chúng trước tình hình virus corona lây lan.
Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei hôm 26/1 cho biết những người nhiễm virus corona có thể lây nhiễm cho người khác ngay cả khi họ không có triệu chứng nhiễm bệnh trong 14 ngày, thời gian được gọi là ủ bệnh. Điều này có nghĩa khác với SARS, những khách du lịch trông có vẻ khỏe mạnh nhưng vẫn có thể vô tình lây nhiễm cho người khác.
Các chuyên gia quốc tế, bao gồm cả Mỹ, cho biết vẫn đang nghiên cứu để xác minh tuyên bố của ông Ma.
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trực tiếp đến thị sát và nói chuyện với người dân ở khu chợ tại Vũ Hán hôm 27/1. Ảnh: AP. |
Nguy cơ dịch bùng phát sau kỳ nghỉ Tết
Trong nghiên cứu công bố hôm 25/1, Yu Xiaohua, giáo sư tại Đại học Gottech ở Đức, kết luận rằng dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát nếu tỷ lệ cách ly người nhiễm bệnh giảm xuống dưới 90%.
Theo nghiên cứu của giáo sư Yu, nếu 90% bệnh nhân được cách ly, số trường hợp nhiễm bệnh có thể lên tới 59.000, với 1.500 ca tử vong. Nhưng nếu chỉ một nửa số bệnh nhân bị nhiễm bệnh được cách ly, số người nhiễm bệnh có thể lên tới 5 triệu người, với hơn 100.000 người tử vong.
Nói với Washington Post, giáo sư Yu kêu gọi chính quyền áp dụng biện pháp triệt để hơn để đạt mục tiêu cách ly 90% người nhiễm bệnh. Ông bày tỏ lo ngại về nguy cơ 5 triệu người rời Vũ Hán thời gian qua.
|
Các địa phương của TQ và các nước trong khu vực có bệnh nhân nhiễm virus corona lớn. Đồ họa: New York Times. |
Ngoài ra, nguy cơ còn đến từ dòng người bắt đầu đổ về các thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nơi họ sống và làm việc với mật độ dân cư dày đặc. "Dòng người khổng lồ di chuyển sẽ khiến dịch bệnh lây lan trở lại", ông nói.
"Dựa trên hệ thống của Trung Quốc, tỷ lệ cách ly 90% có thể dễ dàng đạt được chỉ bằng cách ngăn chặn dòng người di chuyển. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu đó", ông nói nhưng cũng cảnh báo rằng nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất nặng nề.
"Vấn đề nan giải mà chính phủ Trung Quốc đối mặt là làm thế nào để kiểm soát dòng người di chuyển mà không gây tổn hại nền kinh tế. Làm thế nào để cân bằng được điều đó là quyết định mang tính chính trị", ông Yu nói.
Chính quyền Bắc Kinh hôm 27/1 tuyên bố kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để giảm số lượng khách du lịch. Trường học ở nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh đã lùi việc mở cửa trở lại tới hai tuần. Chính quyền một số thành phố đang kêu gọi công dân từng đi đến vùng dịch tự cách ly bản thân.
|
Một số chuyên gia nhận định nguy cơ lây bệnh sẽ tăng cao khi người dân Trung Quốc trở về thành phố lớn sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: Getty. |
Vũ Hán như "thị trấn ma"
Câu hỏi nữa được đặt ra là tác động của lệnh phong tỏa đối với người dân trong vùng cách ly. Người dân Vũ Hán đang ngày càng thất vọng vì cuộc sống bế tắc trong khu vực bị phong tỏa.
Một người dân tên là Zhang sống trên đường Luoyu, thuộc Vũ Hán, cho biết gần như tất cả các nhà hàng đều đóng cửa và đường phố hoàn toàn không có người đi bộ.
Hàng hóa tươi sống ở các siêu thị còn mở cửa đã bị vét sạch từ giữa trưa, người này nói. Monika Sethuraman, nghiên cứu sinh tiến sĩ đến từ Ấn Độ, mô tả Vũ Hán như "thị trấn ma" khi cô ra khỏi ký túc xá sau bốn ngày để đi mua lương thực tích trữ.
Cô đã mua số rau đủ ăn trong ba tuần vì không rõ lệnh phong tỏa sẽ kéo dài bao lâu. Trường đại học của cô đã yêu cầu sinh viên ở lại trong phòng và phân phát nhiệt kế.
"Mỗi ngày trước buổi trưa, chúng tôi phải đo thân nhiệt và báo cáo lên cổng thông tin của trường đại học", cô nói.
Debesh Mitra, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại một trường đại học khác, cho biết hơn 200 người Ấn Độ đã bị mắc kẹt tại Vũ Hán và đây là tình cảnh rất "nghiệt ngã".
Anh cho biết mình phải tránh rời khỏi ký túc xá vì sợ nhiễm virus. "Chúng tôi thực sự muốn quay lại Ấn Độ sớm nhất có thể. Gia đình chúng tôi đều rất lo lắng", anh nói.
|
Vũ Hán đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung lương thực và thuốc men. Ảnh: Getty. |
Jan Render, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Bỉ ở Vũ Hán, cho biết nhiều hiệu thuốc quanh thành phố đã bị đóng cửa. Một hiệu thuốc vẫn mở cửa bán hai chai thuốc kháng sinh và thuốc sát trùng với giá cao hơn 16 USD so với bình thường, anh nói.
Các quan chức Trung Quốc trước đó cũng thừa nhận khó khăn trong việc cung cấp vật tư y tế và dịch vụ y tế cho các khu vực nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Một tình nguyện viên người Trung Quốc sống ở tỉnh Tứ Xuyên cho biết các thị trấn nhỏ hơn và các làng nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc đang thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang và đồ bảo hộ.
Tại Hong Kong, ca nhiễm virus corona thứ 8 đã được ghi nhận. Chính quyền đặc khu đang cân nhắc áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn. Trước đó, Hong Kong đã cấm tất cả cư dân từ Hồ Bắc vào đặc khu, trừ khi họ cũng là cư dân Hong Kong.
"Chúng tôi phải cân nhắc biện pháp cấm tất cả cư dân đại lục ra vào Hong Kong, và nếu áp dụng thì liệu chúng tôi có thể thực hiện kịp thời hay không", người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong Sophia Chan cho biết.