Virus corona chủng mới gây viêm phổi cấp được “tái tạo”: Tín hiệu lành hay dữ?

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học Australia đã tái tạo thành công virus corona chủng mới (2019-nCoV) trong phòng thí nghiệm, mở đường cho việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh viêm phổi cấp nguy hiểm do virus này gây ra.

Theo ABC ngày 28/1, các nhà khoa học của Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne (Australia) đã trở thành những người đầu tiên ở bên ngoài Trung Quốc sao chép thành công virus corona chủng mới. Đây được xem là kết quả mang tính đột phá, giúp các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra vắc xin thích hợp cho bệnh dịch.
Các nhà khoa học này sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Châu Âu và tiếp tục đưa tới các phòng thí nghiệm toàn cầu, bao gồm cơ sở ở bang Queensland, để chế tạo vắc xin ngừa bệnh viêm phổi cấp.
Phó Giám đốc viện Doherty Mike Catton gọi thành quả của phòng thí nghiệm này là “cực kỳ quan trọng” và sẽ trở thành một phần chủ chốt trong quá trình chế tạo vắc xin cũng như kiểm tra tính hiệu quả của nó, với việc vắc xin mới được thử nghiệm trên virus phiên bản phòng thí nghiệm.
Virus corona chung moi gay viem phoi cap duoc “tai tao”: Tin hieu lanh hay du?
 Phó Giám đốc viện Doherty Mike Catton. Ảnh: ABC News.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu này sẽ giúp phát triển một thử nghiệm để xác định những người nhiễm virus 2019-nCoV dù họ chưa có bất kỳ triệu chứng nào.
Đây được xem là bước đột phá trong cuộc chạy đua chế tạo vắc xin ngừa virus corona chủng mới đang lây lan rộng và khiến cả thế giới lo ngại.
Được biết, ngoài Viện truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, nhiều trung tâm nghiên cứu và các nhà khoa học khác trên thế giới đã và đang tìm cách chữa trị bệnh liên quan virus corona.
Trước đó, ngày 28/1, South China Morning Post dẫn lời Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo thành công vắc xin cho virus corona. Tuy nhiên, sẽ phải mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người.
Hôm 25/1, Zhong Nanshan, chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu ứng phó với virus mới tại Trung Quốc, thông báo đã có sẵn thuốc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Theo các chuyên gia, loại thuốc này an toàn về mặt lâm sàng nhưng chưa đo được tính hiệu quả nên vẫn cần thời gian quan sát.
Được biết, các nhà khoa học ở Mỹ, Australia và ít nhất 3 công ty khác đang nghiên cứu bào chế các loại vắc xin có khả năng ngăn chặn virus corona mới lây lan.
Tuy vậy, theo tổ chức quốc tế Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), thời gian đưa vắc xin ngăn ngừa virus 2019-nCoV vào thử nghiệm lâm sàng phải mất nhiều tháng và tối thiểu một năm mới có thể sử dụng điều trị.

Mời độc giả xem thêm video: Đà Nẵng cách ly 1 người Trung Quốc sốt bất thường khi nhập cảnh (Nguồn video: VTC Now)

Đại học Queensland ở Australia cho biết sẽ áp dụng công nghệ phản ứng nhanh do trường phát triển để điều chế vắc xin ngừa virus 2019-nCoV trong thời gian nhanh nhất là sáu tháng.
Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh nhiễm quốc gia Mỹ, và Giáo sư Catharine Paules thuộc Đại học bang Pennsylvania nói rằng có thể rút ngắn thời gian đưa vắc xin ngừa virus 2019-nCoV vào thử nghiệm lâm sàng ở người xuống còn ba tháng nhờ tiến bộ công nghệ phát triển từ dịch SARS năm 2003. 
Tính đến sáng 29/1, số người chết vì bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Trung Quốc là 132; số ca nhiễm mới đã lên tới gần 6.000 trường hợp.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vẫn đang điều tra, nghiên cứu và tìm kiếm phương án kiểm soát dịch bệnh.
Thiên An (T.H)

>> xem thêm

Bình luận(0)