Cho đến tháng 3 năm nay, cuộc vượt ngục thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò đã tròn 70 năm. Gần 150 tù chính trị đã thoát được ra ngoài. Một trong những người có công lao lớn chính là ông Cầm Văn Dung.
Đến lính cũng nể
Ông Cầm Văn Sơ và Cầm Văn Kẻo là hai con trai của ông Cầm Văn Dung đang sinh sống tại TP Sơn La cho biết, trong những lần gặp gỡ Đại tướng Văn Tiến Dũng đều được nghe kể về người tù Cầm Văn Dung trong Hỏa Lò.
Theo ông Kẻo: “Cha tôi dù bị tòa án Đông Dương kết án khổ sai nhưng vì có tiền đút lót, vả lại uy tín và thế lực của “vua Thái” vẫn còn nên không phải khổ sở gì. Chân tay không bị cùm, ngủ vẫn có màn tuyn và không phải bị đánh đập. Đến lính cai ngục còn phải nể sợ”.
Chính vì thế, những người tù chính trị đã nhiều lần gặp Cầm Văn Dung để bàn về một kế hoạch thoát ngục ngoạn mục. Nhờ việc Cầm Văn Dung có thể ra vào tự do, biết được đường ra lối vào và có thể mua chuộc cai ngục nên mọi việc dần được tiến hành.
Chuyện này được ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo, người tham gia cuộc vượt ngục xác nhận và cho biết ngoài sự chuẩn bị chu đáo của những tù nhân chính trị thì sự thành công của cuộc vượt ngục này còn có sự giúp đỡ rất tích cực của ông Cầm Văn Dung.
|
Ông Cầm Văn Sơ và Huân chương kháng chiến mà Nhà nước tặng cho ông Dung. |
Lời thuật của Đại tướng
Theo lời kể của ông Lê Trọng Nghĩa, không chỉ thống nhất về chủ trương cùng các tù chính trị có cuộc vượt ngục thành công mà khi còn ở trong tù, Cầm Văn Dung đã giúp đỡ được rất nhiều chiến sĩ cách mạng, trong đó có Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh...
Qua một thời gian quan sát, thấy Cầm Văn Dung được tự do đi lại trong nhà giam và được ngủ ngoài hành lang chứ không phải ngủ trong ngục, lại từng nghe về vụ án đầu độc công sứ Sơn La Xanh Pu Lốp nên những người tù chính trị đã xác định có thể nhờ Cầm Văn Dung trong việc trốn ngục. Trong suốt thời gian này, ông Dung đã bí mật đưa thư giúp những người tù chính trị có thể liên lạc được với nhau. Ðại tướng Văn Tiến Dũng đã thuật việc này như sau:
“... Tháng 8/1944, sau khi tôi bị bắt trên đê sông Ðuống (Gia Lâm) thì bọn mật thám Pháp đưa về Sở Mật thám Hà Nội.
Ông Dung lúc đó được ở ngay đầu hành lang dọc xà lim giam giữ và bọn mật thám đến lấy cung những người bị bắt.
Ông Dung đã giúp đỡ các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Ðăng Ninh trong thời gian bị tra tấn rất tàn khốc trước khi bị kết án. Ông đã tranh thủ được các tên gác của sở mật thám bằng cách đãi ăn uống, tiền và đánh bài vào buổi tối khi bọn Pháp hết giờ về nhà.
|
Xác nhận của Đại tướng Văn Tiến Dũng. |
Tôi bị giam giữ và bị địch tra tấn rất ác liệt hơn hai tháng, ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Tôi không bao giờ quên sau những trận đòn gần như hết cỡ và phải bò về xà lim. Tối đến bọn Pháp về hết, người gác mở cửa thì ông Dung đưa nước, đưa quà vào cho tôi.
Và chính ông Dung cũng nói: “Sau này thắng lợi lại lên thăm Sơn La ăn cơm nếp”. Ðiều quan trọng là ông còn kiếm giấy, bút chì, chuyển hộ thư cho các đồng chí ở buồng giam khác để nhắn ra ngoài.
Sau đảo chính Nhật - Pháp, tôi được Ðảng phân công thành lập chiến khu Hòa Ninh Thanh (Quang Trung), tôi được liên lạc của tổ chức Việt Minh Sơn La về báo cáo và xin ý kiến ở Nho Quan, Ninh Bình.
Tôi hỏi thăm ông Dung và viết thư cho ông tham gia gấp để chuẩn bị giành chính quyền ở tỉnh Sơn La”.
|
Chân dung ông Cầm Văn Dung. |
Vượt ngục
Ông Nghĩa cho hay, tối mùng 9/3/1945, quân phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, độc chiếm Việt Nam và Đông Dương. Ngày 11/3, không khí trong tù sôi sùng sục. Toán thường phạm thử dùng xà beng đục tường, phá nền xi măng, đào hầm chui ra nhưng không thành.
Trước tình hình thực tế ở trại thường phạm, ông Nghĩa được cử đi gặp Cầm Văn Dungđể nhất trí kế hoạch vượt ngục qua tường rào. Ông Dung đề ra sáng kiến dùng chăn chiên xé ra bện thành những dây dài và chắc chắn. Tù nhân sẽ leo lên mái nhà rồi bắc thang qua bờ tường.
Dây to được buộc cố định vào trụ điện trên bờ tường, thả ra ngoài. Đi lần lượt, cứ một tù chính trị thì đến một thường phạm. Anh em tù chính trị có sáng kiến lấy chăn chiên trùm lên mảnh chai cắm trên bờ tường phòng việc đứt tay chân và trùm lên dây điện để tránh bị giật.
Sau khi thỏa thuận được với Cầm Văn Dung, danh sách vượt ngục được duyệt. Ông Nghĩa được giao nhiệm vụ bảo vệ thượng cấp Trần Đăng Ninh.
Đêm 11/3, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Vũ Kỳ, Lê Trọng Nghĩa, Vũ Tuân, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Kha, Châu Ký, Nguyễn Chương, Hoàng Minh Chính... đã thoát ra ngoài từ trại thường phạm. Sau khi Cầm Văn Dung ra được bên ngoài, cánh thường phạm như rắn mất đầu không còn giữ được trật tự, tranh nhau trèo lên mái nhà làm ngói vỡ. Quân phát xít Nhật phát hiện đã nổ súng. Lối thoát bị lộ.
|
Ảnh ông Cầm Văn Dung đi thuyền sang nhà “vua Mèo” Vương Chính Đức.
|
Đợt vượt ngục đầu tiên tuy chưa giải thoát được nhiều nhưng có tác dụng động viên anh em tiếp tục vượt ngục. Khi các tù chính trị bật nắp cống chui lên mới thấy phía bên kia là vườn hoa Mê Linh; sau lưng là bức tường cao 5m cắm đầy mảnh chai, căng dây thép gai dọc theo đường Rue Richaud (nay là Quán Sứ) cùng hai tháp canh ở hai góc nhà tù có lính Nhật đứng gác.
Ngay trong đêm, nhóm đầu tiên về đến làng Vạn Phúc, Hà Đông nơi cơ quan Thường vụ Xứ ủy đóng. Nhóm thứ hai có Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ Mười...
Như vậy tổng số tù chính trị vượt ngục theo đường cống ngầm, trong các đêm từ ngày 12 - 20/3, hơn 100 người. Mọi người khẩn trương chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Ngay sau khi trở về Sơn La, ông Cầm Văn Dung đã tham gia cướp chính quyền và trở thành chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La.
Theo lời kể của ông Kẻo, con trai ông Cầm Văn Dung, sau thời gian hoạt động cách mạng, ông Dung về sống với gia đình. Năm 1978, ông Cầm Văn Dung qua đời. Tuy nhiên, rất ít người biết đến công trạng của ông bởi ông cũng không còn những giấy tờ gì. Chỉ có những nét bút chứng nhận của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Ngoài việc hoạt động cách mạng, ông Cầm Văn Dung với uy tín là con trai “vua Thái” đã nhiều lần vượt sông đến nhà “vua Mèo” Vương Chính Đức khuyên nên theo cách mạng. Vương Chính Đức rất quý Cầm Văn Dung nên đã tặng ông 2 vệ sĩ người Mông.
"Bố tôi mất năm 1978, dịp sát Tết Nguyên đán. Tỉnh ủy Sơn La có đánh điện cho Đại tướng Văn Tiến Dũng. Bạn bè cũng liên lạc với hoàng thân Xu-va-nu-vông… nhưng máy bay không thể đáp xuống vì thời tiết sương mù”.
Ông Cầm Văn Kẻo