Bố mẹ chồng tôi chỉ có mình chồng tôi là con trai. Tôi cũng biết điều đó có ý nghĩa thế nào, nên năm năm nay, từ lúc cưới chồng, mỗi ngày lễ tết tôi luôn ưu tiên dành phần thời gian nhiều hơn, quan trọng hơn cho bên nhà chồng.
Tôi đã từng nghĩ, với sự ý tứ ấy của tôi, bố mẹ chồng và chồng tôi phải ngầm hiều là tôi sống rất biết điều, và tạo điều kiện hơn cho tôi trong những phần còn lại tôi dành cho bố mẹ mình.
Tôi biết bố mẹ chồng tôi thương con quý cháu, nhưng ai cũng có gia đình riêng của mình, bố mẹ đẻ tôi cũng mong chờ giây phút con về lắm chứ. Vậy mà bố mẹ chồng tôi cứ cố tình không chịu hiểu điều ấy, cứ đặt ra những tình huống làm khó tôi.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tết này lại vậy. Tôi đã thống nhất với chồng mùng 5 sẽ về ngoại. Thế mà từ chiều mùng 2, mẹ chồng tôi lại bảo, năm nay mùng 5 đẹp ngày, mẹ muốn hoá vàng vào mùng 5. Mẹ ngỏ ý muốn vợ chồng con cái chúng tôi ở lại thêm một ngày để hoá vàng xong hẵng đi.
Trời ơi, nguyên 5 ngày từ 30 đến hết mùg 4, tôi đã vui vẻ ở nhà chồng không ý kiến gì mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu hiểu. Chồng tôi có vẻ thấy vợ mấy năm trước thuận chồng nên cũng xuôi xuôi.
Ai cũng chỉ nghĩ cho mình, trong khi tôi đã hứa với ông bà ngoại, nhất định năm nay, mùng 5 sẽ đưa bọn trẻ về, để ăn bữa hoá vàng với họ hàng bên ngoại. Hơn nữa, bố tôi năm nay rất yếu nên tôi cũng muốn ông vui hơn trong một ngày đông đủ, không muốn bố chạnh lòng vì vắng đứa con gái rượu là tôi.
Khi tôi nói điều đó với chồng, và nói rằng năm nay không muốn ở thêm nữa, chồng tôi mặt nặng ra, còn mẹ chồng thì ra vào xuýt xoa bóng gió. Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Có phải tôi đã quá hiền nên chồng và gia đình anh ấy coi thường tôi, coi thường cả bố mẹ tôi không? Hay đấy là lối sống ích kỷ của mọi con người?
Tôi có nên ở lại theo đề nghị của mẹ chồng? Hay mặc kệ ý kiến của mẹ và chồng, giữ lời hứa với bố mẹ mình một lần?
(Lê Hoài An, Linh Đàm, Hà Nội)
Đáp: Khi chị đặt ra một loạt câu hỏi như vậy, dường như cậu đã có những câu trả lời cho riêng mình. Gia đình chồng không coi thường chị và bố mẹ chị, nhưng có lẽ, họ nghĩ cho bản thân mình nhiều hơn. Họ cũng cho rằng, dù có như vậy, chị sẽ vẫn tiếp tục phải chấp nhận, nhượng bộ như bấy lâu nay vẫn vậy.
Vợ hay chồng, ai cũng đều do cha mẹ sinh ra, ai cũng có gia đình của riêng mình, ai cũng cần về thăm bố mẹ ngày Tết. Chị dành một ngày cho gia đình, đã thỏa thuận với chồng, đã hẹn với bố mẹ mình, không có lý do nào chính đáng để phải hủy, phải hi sinh cả (trừ trường hợp không may như ốm đau, tai nạn.)
Nếu lần này chị tiếp tục cam chịu ấm ức, làm theo lời gia đình chồng, thì màn kịch tìm lý do để bắt ép này vẫn cứ tiếp tục. Có lẽ đã đến lúc nói rõ cho nhà chồng biết chị đã cố gắng dành hết thời gian cho gia đình chồng, chị cũng cần về với bố mẹ mình như đã hẹn.
Thẳng thắn nói rõ rằng chị vẫn về với bố mẹ như đã thỏa thuận và dự định, mặc dù gia đình chồng khó chịu, bực dọc nhưng họ buộc phải chấp nhận. Đó là quyền lợi đơn giản mà chị có thể làm trong cuộc sống của mình, không ảnh hưởng đến bất cứ ai. Kể cả chồng chị không đi cùng thì chị và con vẫn cứ về và tận hưởng tình cảm ấm áp, vui vẻ. Rồi chị sẽ thấy, năm sau, thời gian dành cho hai bên nội ngoại sẽ được cân bằng hơn.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Phạm Văn Hùng
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU