Sống lại Tết xưa: Phố ông Đồ - hồn muôn năm cũ...

Google News

 (Kiến Thức) - Giữa thế kỷ 21 này mà Hà Nội có Phố ông Đồ thì phải mừng vui cho sự trở lại của một điều đã cũ chứ nhỉ, cầu toàn quá để làm gì.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua

Mới mấy ngày trước thôi, thấy báo đài đưa tin năm nay Hà Nội lại có “Phố ông Đồ”, đã khai bút rồi, đã nhộn nhịp lắm rồi, lòng tôi lại nao nao. Những hình ảnh tưởng chỉ còn trong thơ xưa, trong dĩ vãng, tưởng như đã biến mất cả trăm năm đang được tái hiện sống động ở nơi đất học của Việt Nam – Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 Ông đồ già gò lưng viết chữ bên đàn cháu nhỏ...

Chiều qua, nắng hửng lên, tôi rủ chồng xin về sớm, định bụng đưa con lên xin một chữ cho năm tới mạnh khoẻ. Chẳng hiểu có phải vì tôi quá tham lam, hay bởi trong nhà tôi có một ông Đồ chính cống, mà khi lên tới đây, nhìn cảnh những ông Đồ trẻ già lẫn lộn, người viết chữ Hán, người viết chữ Nôm, người áo the khăn xếp, người lại comple, cà vạt, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Cái ý muốn vô cùng nghiêm túc là xin cho con gái một chữ Mạnh cũng không còn muốn biến thành hiện thực nữa.

Chồng tôi bảo, giữa thế kỷ 21 mà còn giữ được như này là mừng lắm rồi. Đừng mong chờ những chõng che, những người đứng chắp tay kính cẩn chờ đến lượt xin chữ. Đừng mong chờ một hình ảnh ông Đồ già như trong thơ; đừng đòi hỏi những hình ảnh người xem thì “tấm tắc ngợi khen tài”, ông đồ thì “hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay” phải hiện lên sinh động, rỡ ràng quá, đó là ký ức của một thời đã rất xa thôi!

Nào phải tôi là người quá cầu toàn, chỉ bởi lẽ, trong nhà tôi thực sự có một ông Đồ. Bố tôi là người “kế thừa” gia sản sách vở, chữ nghĩa của ông nội tôi để lại. Nhà Nho lâu đời lắm, nên tính tình cũng khe khắt khác người. Thời ông nội tôi còn sống, ngày Tết, nhiều người hợm tiền cậy của đến xin mua chữ của ông, ông đuổi thẳng cổ. Ông chỉ cho những người trọng chữ thật, dù có khi đó là người nông dân không biết chữ, cả đời phải điểm chỉ thay ký tên.

Đến bố tôi, xã hội đổi mới nhiều. Bố đi tu nghiệp ở Nga chục năm, về làm chuyên gia ở nhà máy phân đạm lớn nhất cả nước lúc bấy giờ. Bao nhiêu năm đi công tác, bố cất tất cả sách vở ông nội truyền lại  vào hòm. Tận đến khi 60 tuổi, về hưu, bố tôi mới lôi ra, học lại. Biết sẵn rồi nên học nhanh. Bố tôi không chỉ học chữ Hán hiện đại mà còn đọc vạh vách cả chữ cổ. Ngày nào rảnh, khoẻ, cụ lại túc tắc đạp xe lên mấy ngôi chùa cổ gần nhà, đàm đạo chữ nghĩa với các sư thầy.

Dăm bảy năm nay, bố tôi ngồi nhà học thư pháp, đọc sách cổ. Nhiều người biết tiếng đến nhờ bố viết bài vị, viết sớ, rồi xin chữ. Sớ thì ai nhờ bố cũng giúp, nhưng ai trả tiền là cụ chửi. Bài vị viết cho ai, bố đòi đến tận nhà xem xét, cũng chẳng tính công sá bao giờ.

Nhưng riêng chuyện xin chữ, bố kỹ tính vô cùng. Bố tôi bảo, thời xưa, cụ tôi, ông tôi, khi cho chữ ai đầu xuân phải làm lễ bái tổ tiên, tắm rửa sạch sẽ, ngồi ngay ngắn và chỉ cho những người trọng chữ chứ không cho người đua đòi, thích mượn chữ về làm sang. Người nào muốn xin chữ gì phải giải thích vì sao xin chữ đó, có hiểu biết, hợp lý hợp tình thì bố tặng ngay.

 Thiếu nữ hân hoan xin chữ...

Tôi điện thoại về cho bố, kể chuyện Phố ông Đồ, rủ bố ra thăm, bố ậm ừ. Bố bảo không thích lắm. Với bố tôi, những nhà Nho là bậc trí thức đáng trọng, người ta ra đấy viết chữ tặng người biết dùng thì thực quý lắm thay. Nhưng năm trước, bố đi, thấy người ta ì xèo mặc cả, chữ này chỉ đáng mấy chục, tấm kia phải được vài trăm, bố buồn! Ông Đồ như bố, giờ hoá ra lẻ bạn.

Tôi giống bố, thuộc tuýp người chao ôi là cổ hủ, bởi thế, đi thăm về, tôi cũng buồn mang mác. Những hình ảnh tôi từng được thấy ở ông tôi, tôi vẫn đang thấy ở bố tôi đã thực sự quá xa xăm, có lẽ chẳng bao giờ thấy nữa.

Ấy thế nhưng, với chồng tôi, con tôi, với nhiều bạn bè tôi, một Phố ông Đồ như đang tồn tại đã là quá đủ rồi. Giữa cuộc sống ồn ã này, một góc Phố ấy cũng đủ để họ lắng lòng lại, và phảng phất thấy những hình ảnh Tết xưa, rất xưa của một Việt Nam trọng chữ, hiếu học.

Ừ, thế thì tôi cũng nên nghe chồng mình, chẳng cầu toàn quá làm chi, mừng cho sự trở lại của một điều đã cũ chứ nhỉ. Còn những người, những hình ảnh như tôi mong chờ, thì thôi đành, như cụ Vũ Đình Liên đã hỏi, cứ để thế cho lòng có một chút bâng khuâng “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”....

Mời bạn đón đọc bài 4 "Tết trong cái chăn của mẹ" vào lúc 11h ngày mai trên Kienthuc.net.vn

CÙNG SỰ KIỆN

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

 

 

 

 

An Nhiên

Bình luận(0)