Sống lại Tết xưa: Náo nức chợ phiên ngày Tết

Google News

(Kiến Thức) - Đi qua bao nhiêu chơ phiên ấu thơ là bấy nhiêu lần lâng lâng sung sướng của tôi khi được cắm lọ cúc vàng tặng mẹ, được mua những nhánh gừng, những nắm mùi thơm ngát...



Quê tôi bữa nay mưa phùn. Cái se lạnh bắt đầu ùa về như chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến. Chồng về đưa Lễ, mẹ nhắn vọng ra theo: 28 bảo vợ cho con về, đi chợ phiên nhé! Lòng lại bỗng rưng rưng nhớ những mùa chợ phiên tưởng chừng đã xa, xa lắm. 

Quê tôi, một miền trung du chẳng quá xa Hà Nội, nhưng suốt thời ấu thơ đến tận bây giờ, nó vẫn mộc mạc những gì thuần Việt nhất. Từ những cái tên Nôm thuần nghĩa: Thắng, Giật, Chớp... đến những buổi chợ có khi một năm chỉ họp đôi lần. Phiên chợ Thắng quê tôi là thế, một năm chỉ họp đúng ba ngày 28-29-30. Nhà nào dư dả hay khó khăn cũng đều chờ phiên chợ mới dắt díu nhau đi sắm Tết. Ai có con cháu ở xa, gần Tết cũng cố nhắn một câu về mà đi chợ, như mẹ tôi ấy. 
 

Ngày tôi còn bé, chợ Tết, mẹ đi mua hết đồ lớn bé. Sau cùng, chiều 30, mẹ mới đi lựa một cành đào phai rồi cho mỗi chị em tôi một khoản cuối năm, chỉ vài xu lẻ để sắm những thứ hợp lý. Chị em tôi quan sát nhiều năm, biết nhiều thói quen của mẹ, cứ theo đó mà soi xét cái còn thiếu trong nhà để mua. 

Chị cả tôi năm nào cũng mua mấy bó mùi già, để về cả nhà cùng tắm. Rồi ngày Tết, ai đến chơi, kéo chị lại mừng tuổi, xoa mái tóc đen bóng, hít mùi hương thờm lừng là chị sung sướng lắm. Ai khen chị hai hoặc tôi thơm tho là chị phải chạy ra ngay, khoe do được tắm lá mùi già chị mua. Thành ra giờ lớn lên, ngày Tết, nhớ chị, tôi cứ có cảm giác như hương nước mùi còn vương vấn quanh mình.

Chị hai thì năm nào cũng có nhiệm vụ bày bàn thờ cho đẹp, vì thế, khi chị cả hý hoáy lựa nắm mùi nào thật thơm, thì chị lại bới lên đặt xuống chọn nhánh gừng nào thật già. Chị sẽ rửa sạch, giã thật nhỏ, vắt nước để lau ban thờ, bát hương. Phần cái gừng còn lại, chị sẽ xí xớn thả vào nồi nước mùi của chị cả, thế là khi nước sôi, pha ấm, mấy chị em tha hồ vầy tắm mà chẳng lo bị ốm, cảm.

Còn tôi, tôi luôn được mẹ để dành cho một chiếc lọ còn trống, để cắm một bó hoa cúc đại đoá thật tươi, thật đẹp, cắm được cả tháng dài. Chỉ có ngày chợ phiên, những chủ vườn mới cắt hoa mang lên bán. Những bông hoa vẫn còn chúm chím sương, chưa hé nụ, cắm vài bữa trong nước ấm nhẹ, thêm vài viên B1 như bác sĩ chăm sóc  bệnh nhân, đến Tết sẽ bung nở vàng rực góc ban thờ. Mẹ tôi thích cúc vàng, nhưng mẹ luôn cố tình để quên. Và trong buổi chiều cuối năm ấy, đứa con gái út ít là tôi sẽ thấy lòng mình phơi phới vì “tinh ý” chiều lòng mẹ.

Chợ Tết quê tôi đông như cửa ngõ Hà Nội sau ngày Lễ, chỉ có thể chen nhau đi bộ chứ đừng dại dắt xe vào, dù chỉ là một chiếc xe đạp bé xíu xiu. Những người quê ven phố sẽ mang đến đây đủ thứ quà, từ nắm mùi già, nhánh gừng thơm, mấy bông hoa thược dược, cúc vàng đến lá rong, lạt buộc; từ quả bòng để dành bày Tết đến những câu đối viết vội của vài cụ Nho còn sót lại. Từ chùm quất vàng ươm đến mấy quả táo xanh non mượt mà...

Chợ Tết quê tôi có góc kẹo kéo, mạch nha, tò he mà đứa trẻ con nào cũng mê, cũng phải kéo áo bố, níu chân mẹ đòi mua cho được. Các ông bố bà mẹ cũng sẽ cười xoà, ngày Tết, nuông chiều con trẻ một chút có sao đâu. Các bà thì sẽ rẽ hàng cau, sẽ chọn, sẽ khen năm nay buồng cau nào đẹp. Các mẹ sẽ điệu đà ghé một góc chợ, tỉa mái tóc cho gọn gàng...
 

Những tiếng cười đùa giòn tan ở khu vực giã giò, những lời khen ngợi ở nơi bán quần áo mới... mỗi góc chợ là một âm thanh riêng, âm thanh nào cũng khiến tôi náo nức khi nhớ về. 

Mỗi năm chỉ có một lần thôi, mẹ tôi vẫn bảo thế, nên năm nào tôi cũng cố đưa con về với mẹ. Chợ phiên bây giờ có cả những quả bong bóng thật to, đứa trẻ nào cũng thích; có những chiếc phong bao đỏ chót trên ấy vẽ chuột, vẽ mèo. Trẻ con bây giờ vẫn xúng xính diện quần áo đẹp, mặt tươi roi rói theo bà, theo mẹ ra chợ. Chợ phiên bây giờ cũng chẳng đơn giản chỉ là mẹt hành, rổ quất; chẳng có tiếng giã giò bằng cối; chẳng phải chỉ có cô gái quê chở đôi cành đào phai; chợ phiên bây giờ có cả lừa lọc, móc túi, có cả cờ bạc ăn theo, có hàng lậu hàng giả...  cũng theo thế, theo thời!

Bao nhiêu mùa Tết tuổi thơ của tôi đã đi qua cùng phiên chợ ấy. Bao nhiêu nắm mùi của chị cả tôi, bao nhiêu nhánh gừng của chị hai tôi, và bao nhiêu lần lâng lâng sung sướng của tôi khi cắm được lọ cúc vàng tặng mẹ.... tôi không đếm nổi nữa. 

Tôi ở Hà Nội đã nhiều năm, chẳng được đi phiên chợ nào, cần gì, tôi rẽ vào siêu thị. Ngày Tết, cả nhà dắt nhau đi hội chợ. Những hình ảnh xưa dường như đã trở thành xa xăm. 

Một đôi năm tôi có về, hay đưa con về đi chợ phiên với bà ngoại, để bà vui. Nhưng các con tôi chúng chê chợ quê chẳng có gì, chúng chỉ thích búp bê babie, rô bốt siêu nhân như trong các siêu thị Hà Nội. Mẹ tôi thoáng buồn, nhưng có lẽ với bà, chỉ cần đưa được các cháu đi một chút như thế, ngắm mấy cành đào quê, lựa mấy mớ mùi già, là cũng đủ vui. Bởi thế, năm nào bà cũng gọi, cũng nhắn tôi cho con về...

Tôi thì dù muốn cũng biết mình không trở lại được tuổi thơ một lần nữa. Có còn chăng trong trái tim tôi chỉ là một nỗi nhớ không nguôi mà thôi!!!

Mời bạn đón đọc bài 3 "Những người muôn năm cũ" vào lúc 11h ngày mai trên Kienthuc.net.vn
CÙNG SỰ KIỆN
TIN LIÊN QUAN



Hải Anh

Bình luận(0)