Biến chứng viêm tụy cấp không chỉ trong ổ bụng mà cả toàn thân làm trụy tim mạch, suy hô hấp, liệt ruột và suy giảm nhiều tạng với tỷ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng toàn thân
Viêm tụy cấp thường khởi phát bằng triệu chứng đau bụng. Thường đau ở vùng trên rốn, có khi lan rộng sang hai bên vùng dưới sườn phải, xuyên ra sau lưng. Thường đau đột ngột, ngày càng tăng dần. Bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn, bụng trướng và đầy tức khó chịu. Trường hợp viêm tụy cấp hoại tử bệnh nhân sẽ choáng, với những biểu hiện của trụy tim mạch và tình trạng toàn thân rất nặng, có thể đi từ suy giảm tuần hoàn, hô hấp nhẹ cho đến suy giảm nhiều tạng trong những thể tối cấp với tỷ lệ tử vong cao.
Trụy tim mạch: Do tổn thương nội mạc của thành mạch làm một khối lượng lớn huyết tương thoát ra khỏi hệ thống tuần hoàn vào vùng gian bào, xung quanh tụy và sau phúc mạc tạo thành một khu vực thứ 3 tích lũy chất dịch do huyết tương thoát ra. Kết quả là đưa tới giảm khối lượng tuần hoàn, dẫn đến tình trạng choáng giảm thể tích.
Suy giảm hô hấp: Đau và tình trạng nằm lâu gây ứ đọng đờm rãi, xẹp phổi, viêm phổi. Nhiều trường hợp viêm tụy cấp có tràn dịch màng phổi. Thương tổn mao mạch phổi đưa tới phù tổ chức kẽ ở phổi. Tất cả những yếu tố trên đưa tới suy giảm chức năng hô hấp.
Suy giảm chức năng thận: Do giảm khối lượng tuần hoàn và tình trạng co mạch, đưa tới rối loạn chức năng ở ống thận, làm giảm lượng nước tiểu. Cần đặt ống thông bàng quang để theo dõi lượng nước tiểu, bồi phụ khối lượng tuần hoàn.
Biến chứng dạ dày, ruột: Trong những ngày đầu, dạ dày ruột thường dãn trướng do liệt nhu động cơ năng, gây nôn và bí trung đại tiện. Đặt sonde dạ dày hút sẽ làm giảm dãn trướng dạ dày và đỡ nôn. Trong một số trường hợp, nhất là những thể nặng, có thể có loét trợt nông hoặc ổ loét ở dạ dày - tá tràng, phát hiện và xác định bằng soi dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, ở những thể cân nặng, có thể thấy những biến chứng: Thần kinh (từ mức độ vật vã, hốt hoảng đến nói nhảm hoặc nặng hơn nữa là hôn mê); Đông máu rải rác trong lòng mạch (do tăng đông máu và hoạt hóa cơ chế tiêu sợi huyết).
Những trường hợp viêm tụy cấp thể nhẹ thường không có biến chứng toàn thân. Càng nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan, tổ chức thì tình trạng càng nặng và tỷ lệ tử vong càng cao.
|
Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính trong ổ bụng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm... Ảnh minh họa. |
Biến chứng trong ổ bụng
Ổ dịch khu trú: Thường thấy ở quanh tụy, phía trước tụy, khoảng giữa gan và thận phải, khoang lách - thận... những ổ dịch này thường không có vách ngăn và thường tự tiêu không để lại biến chứng.
Hoại tử ổ tụy: Là những ổ khu trú hoặc lan tỏa, bao gồm dịch xuất tiết, nước máu cũ lẫn tổ chức hoại tử của tụy, tạo thành một chất dịch màu đỏ nâu hoặc xám đen lẫn những mảnh tổ chức hoại tử. Những ổ này có thể ở trong nhu mô tụy, có khi lan tỏa toàn bộ tụy, những ổ hoại tử có thể lan ra xung quanh tụy, tới rễ mạc treo đại tràng ngang, hậu cung mạc nối, khoang sau phúc mạc và lan đi xa theo rãnh thành đại tràng xuống hố chậu, túi cùng Douglas. Quá trình hoại tử của tụy có thể lan tới dạ dày - tá tràng, lách, đại tràng ngang. Khi có ổ hoại tử của tụy, tình trạng bệnh nhân thường nặng và tỷ lệ tử vong càng cao.
Áp xe tụy: Là ổ mủ khu trú ở tụy hoặc gần với tụy, trong có những mảnh tổ chức hoại tử. Thương tổn bắt đầu từ những ổ hoại tử, lúc đầu vô khuẩn, sau đó bội nhiễm và tạo thành ổ áp xe, thường xuất hiện muộn vào tuần thứ 3 – 4 của bệnh. Bệnh nhân thường sốt cao giao động. Chọc dò dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT hút ra mủ, nuôi cấy có vi khuẩn.
Nang giả tụy cấp tính: Là những ổ chứa dịch tụy bao bọc bởi tổ chức xơ hoặc tổ chức hạt, được thành lập trong 4 tuần đầu của bệnh, trong chứa chất dịch màu vàng nhạt hoặc nâu có nồng độ amylase cao. Những nang này thường thấy ở tụy, quanh tụy, hiếm khi đi xa hơn. Khám lâm sàng có thể nắn thấy một khối, có khi nổi phồng trên thành bụng, ở vùng tụy hoặc quanh tụy, ranh giới tương đối rõ, nắn đau tức. Có những trường hợp hoặc do không chọc hút hoặc có chọc hút những nang vẫn tái lập, tồn tại lâu, to lên, vách nang dần dần được phủ một lớp liên bào, có khi có những chỗ vôi hóa, thường kéo dài trên 4 tuần, trở thành nang tụy mạn tính, khi đó phải can thiệp bằng ngoại khoa.