Đi đến cầu Gián Khẩu thuộc địa phận xã Gia Trấn (Gia Viễn) ngó xuống dưới sẽ dễ dàng nhận ra một làng chài tạm bợ như khu "ổ chuột" xem trên phim ảnh, với những con thuyền nhỏ rách nát lênh đênh dưới dòng sông Hoàng Long. Nơi đây chính là ngã ba sông của phụ lưu sông Đáy màu mỡ nhưng cũng đầy dữ dằn vào mùa nước nổi.
“Không ăn mặn vẫn khát nước”
Gia đình anh Trần Văn Mạnh gồm 4 người tất thảy ở trên con thuyền chưa đầy 7m2 vừa là chốn ăn ở, sinh hoạt lại là phương tiện duy nhất để mưu sinh trên dòng Hoàng Long. Thấy có khách đến, anh Mạnh nhanh chóng dập lửa bếp ở khoang trước con thuyền cho bớt khói và bảo: “Tất cả cha ông của xóm chài chúng tôi đây không ai ăn mặn cả mà vẫn khát nước. Khát cho đến tận đời con cháu chắt chút và cũng không biết bao giờ mới hết khát”.
Chuyện anh Mạnh nói “khát nước” chỉ là nghĩa bóng, là công việc mà anh và cả gia đình phải lênh đênh theo con nước làm nghề chài lưới. Số là trước đây, làng Điềm Khê quê anh thuộc xã Gia Trung có Hợp tác xã vận tải đường thủy. Khi phá bỏ bao cấp đồng nghĩa với việc giải thể hợp tác xã ấy đã khiến hàng trăm gia đình rơi vào tình trạng đi không được, ở không xong.
|
Chòng chành sông nước mưu sinh. |
Nếu ở lại thì không có ruộng vườn để trồng cấy, cũng chẳng có mái nhà để ở. Nếu ra đi thì chỉ còn nước theo nghề cha ông nay đây mai đó trên những con sông mò cua bắt cá. Thảm cảnh có quê mà không được bấu víu đã đeo đẳng họ từ đó đến nay.
Hiện, xóm vạn chài dưới cầu Gián Khẩu chưa có một thống kê chính xác nào về con số thuyền bè cũng như nhân khẩu. Nhưng anh Mạnh ước tính có khoảng trên 50 hộ dân tham gia nghề chài lưới, mỗi gia đình trung bình 4 người thì số người tham gia cũng khoảng 200 chứ không ít hơn.
“Nhà nào giàu thì có hai cái thuyền nhỏ. Một cái để ở, cái còn lại để đánh bắt cá. Chúng tôi cứ đi hết sông này đến sông khác, đến tối lại tụ họp nhau dưới chân cầu cho tiện bề sinh hoạt và trao đổi hàng hóa. Tất cả những người ở xóm chài này đều là dân ngụ cư cả, chẳng ai là chính gốc Gia Trấn nên phải bảo vệ nhau”, anh Mạnh cho biết.
|
Làng chài Gián Khẩu. |
Ba thế hệ chung 7m2
Để có một cái “nhà” rộng 7m2 trên sông, dân chài phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng để mua. Nước sinh hoạt thì phải mua với giá cắt cổ, riêng điện thì họ dùng những bình ắc quy cỡ lớn hoặc đèn dầu để thắp sáng.
Cụ Nguyễn Thị Mìn là người cao tuổi nhất ở xóm chài này. Đã ở vào tuổi 91 nhưng cụ vẫn phải chài lưới bắt con tôm con cá bán đi mua gạo, muối và đủ thứ khác. Cụ cũng đã phải chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện của xóm chài mà không biết nên khóc hay cười.
Khi xóm chài có đám cưới thì hơn chục chiếc thuyền chụm lại với nhau thành một “hội trường nổi”. Không loa, không đài, cô dâu không váy cưới, chú rể không mặc com-lê... Tất cả lầm lũi ăn cho qua bữa gọi là mừng láng giềng thành gia thất. Còn đám ma mới thảm. Chiếc quan tài đặt trên thuyền nhỏ chòng chành chở đi đâu đó chôn cất. Rất có thể quê ai về nhà đó, nhưng cái cảnh khổ sở khi chết không khỏi làm người khác mủi lòng.
Cụ Mìn bảo: “Nhà tôi 3 thế hệ cùng chung trên một chiếc thuyền rộng 7m2. Chưa kiếm được tiền mua thuyền mới nên phải chịu vậy. Mà có riêng gì nhà tôi thế đâu, hàng chục gia đình khác cùng chung sống mấy thế hệ trên thuyền cơ mà. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, nhà ai giàu thì có chiếc thuyền làm của hồi môn”.
|
Cái nghèo vẫn bám riết xóm chài. |
Trói con để mưu sinh
Chiếc thuyền nhỏ nhà anh Trần Văn Vì đậu nép ven bờ, anh bảo đứa bé nó nghịch quá nên sợ rơi xuống sông. Anh kể chuyện sợ chúng tôi không tin bởi có đận anh và vợ đã phải bàn nhau trói đứa bé lại để yên tâm chài lưới.
Mà không phải riêng gia đình anh, hầu hết các hộ chài lưới đều phải làm thế. Trẻ con nghịch ngợm, hiếu động nên thường rơi xuống sông khi bố mẹ đang cặm cụi bắt con tôm con cá. Các ông bố bà mẹ phải dằn lòng trói con vào thành thuyền mặc cho chúng kêu khóc. “Khóc không chết được, chỉ có đói mới chết anh ạ. Muốn kiếm được cá thì phải trói chúng vào thôi. Mình cũng đau lắm nhưng biết phải làm sao”, anh Vì chia sẻ.
Trẻ em ở xóm vạn chài này cũng được đi học nhưng hầu hết chỉ phổ cập tiểu học rồi nghỉ để phụ giúp gia đình. Những đứa trẻ 10 tuổi thì đã 9 năm thâm niên theo nghề chài lưới. Với chúng, con cá quan trọng hơn con chữ. Mà đúng thế thật, nếu có muốn học cũng chẳng tiền đâu nộp học phí. Thế nên việc nghỉ học theo nghề chài lưới xem ra là hợp lý hơn cả.
|
Những đứa trẻ làng chài chỉ có thể được học hết lớp 5. |
Khắc tinh Hà Bá
Thường thì những người làm nghề sông nước đều rất ngại khi phải ra tay cứu vớt người chết đuối. Bởi khi làm vậy, họ sẽ phải trả giá là nộp mạng cho Hà Bá. Thế nhưng, ở làng chài Gián Khẩu này, việc cứu người lại là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cá nhân.
“Nhìn người sắp chết mà làm ngơ không cứu thì chẳng khác nào giết người. Ở đây chúng tôi cứu hết, ai bị nạn cũng cứu không phân biệt gì hết. Người đã chết chúng tôi cũng vớt không sợ gì cả”, ông Trần Văn Me cho hay.
|
Người làng chài mong muốn có đất để lên bờ trồng cấy. |
Chính bản thân ông Me cũng đã ra tay cứu rất nhiều người sắp chết đuối. Trong đó có cả những cô gái vì chuyện tình cảm mà nhảy cầu Gián Khẩu xuống dòng Hoàng Long. Hay như anh Mạnh, anh Vì cũng gặp không ít trường hợp tương tự. Họ không nề hà ra tay cứu giúp, thậm chí còn thuê xe ôm chở nạn nhân về tận nhà.
Làm phúc là vậy nhưng không ít lần người làng chài rơi vào tình cảnh “làm phúc phải tội”. Nhưng có lẽ, với họ điều ấy không quan trọng. Thứ quan trọng thường trực với người làng chài là mong được lên bờ an cư lập nghiệp, mong cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
“Thôn Điềm Khê vốn có Hợp tác xã vận tải thủy rất mạnh những năm bao cấp. Khi giải thể, cả nghìn hộ dân không còn việc làm. Nhiều hộ phải theo nghề chài lưới, đó cũng là nghề gia truyền của họ. Quỹ đất ở địa phương thì hầu như không còn nên không thể sắp xếp để người làng chài ổn định trên bờ được”.
Ông Nguyễn Văn Định (Phó Chủ tịch UBND xã Gia Trung)