Lạ lùng "chốn" cưới ép, xây mộ chờ chết... độc nhất VN

Google News

(Kiến Thức) - Thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) có lẽ là nơi duy nhất không được chọn ngày cưới ở Việt Nam và lúc còn sống phải dồn hết tiền bạc để xây... nhà mồ.

Không chỉ vậy, trong ngày trọng đại của mình, cô dâu cũng không được mặc váy cưới. Tất cả tiền bạc được dồn lại xây "nhà" cho người chết. Lạ một điều, là những quy ước trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.
Cưới trong hai ngày
Đây là chuyện có thật 100% ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Người ngoài có thể thấy đây là điều lạ lùng, nhưng với người dân nơi đây, đó là điều hiển nhiên và bắt buộc phải tuân theo, không ai có thể làm trái.
Một tháng 30 ngày nhưng nếu gia đình nào muốn tổ chức đám cưới thì chỉ được chọn 2 ngày trong tháng: Mùng 2 hoặc 16 âm lịch. Và ngày cưới cũng chỉ diễn ra một ngày duy nhất, không được phép dây dưa đến ngày thứ hai. Nếu phá vỡ quy tắc thì sẽ bị phạt.
Bà Bùi Thị Tứ, nhà ở ngã tư thị trấn khẳng định: "Đây là quy ước làng đã có từ lâu và không ai có thể phá vỡ được. Vì dịp trong và ngoài Tết, nhiều gia đình tổ chức đám cưới nên tôi phải lui lại để tổ chức cho con trai vào tháng 4 vừa rồi. Tổ chức vào dịp Tết, trùng với nhiều đám khác thì sẽ ít khách tham dự".
Bà Tứ cũng cho biết, vì chỉ được cưới vào ngày mùng 2 và 16 nên nhiều khi trong thị trấn có hai chục cái đám cưới cùng ngày với nhau. Các gia đình hoặc phải "chạy sô" đi ăn hoặc phải gửi tiền mừng vì không đủ sức tham gia. Có lẽ vì thế, đi khắp thị trấn Yên Lạc vào hai ngày này thì đâu cũng thấy đám cưới. Còn lại những ngày khác, cả thị trấn vắng bóng người, vắng cả tiếng loa đài phông bạt.
Cả 4 làng Yên Lạc đều nghiêm chỉnh thực hiện quy ước. 
Đem chuyện này đến hỏi ông Phạm Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc, ông Luân xác nhận đó là chính xác: "Đây không phải là quy ước mà chính quyền bày ra mà do nhân dân yêu cầu để tiết kiệm chi phí tiền của và thời gian. Đồng thời, đó cũng là quy ước tiến bộ thích hợp với đời sống văn hóa mới, đã có rất nhiều địa phương đến học hỏi cách làm nhưng không thành công".
Ông Luân cho biết, thị trấn Yên Lạc trước đây là xã Minh Tân. Khi tách huyện Vĩnh Lạc cũ thành 2 huyện là Vĩnh Tường và Yên Lạc thì Minh Tân được chọn làm thị trấn. "Tuy lên phố nhưng những quy ước cổ mà làng quy định vẫn không thể xóa bỏ. Thậm chí còn được nâng cấp thành hương ước bắt buộc để mọi người cùng thực hiện", ông Luân tiết lộ.
Theo các cao niên ở thị trấn Yên Lạc, Minh Tân vốn có 4 làng: Vĩnh Đông, Vĩnh Trung, Vĩnh Đoài, Vĩnh Tiên. Đây cũng là nơi có di chỉ Đồng Đậu mà sau sáu lần khai quật đã phát hiện ra hàng ngàn hiện vật thuộc 4 tầng văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Rất nhiều các thiết chế văn hóa ở Yên Lạc được truyền lại từ các thời kỳ này.
Quy ước thị trấn Yên Lạc được UBND huyện phê duyệt năm 1998. 
Cô dâu không được mặc váy
Không chỉ không được chọn ngày cưới, mà cô dâu trong ngày trọng đại này cũng không được phép mặc váy cưới như các nơi khác. Tuy cũng được phép đánh phấn, tô son và chụp ảnh nhưng nếu trang phục là váy, dù là váy loại gì thì cô dâu cũng không được diện.
Điều này có vẻ hơi khắt khe và vô lý. Tuy nhiên, ông Luân giải thích: "Ngày trước, việc cô dâu thuê váy cưới là điều hết sức xa xỉ và tốn kém. Thế nên trong hương ước làng, các cụ đã xây dựng và đưa ra "lệ" chung để tiết kiệm".
Lệ làng là vậy, nhưng thực tế thì thế nào? Ông Luân trả lời thẳng là không một cô dâu nào vi phạm hương ước ấy. Trong ngày cưới, dù không được diện váy nhưng các cô dâu đều rất mãn nguyện và hạnh phúc. Bà Đỗ Thị Lai (80 tuổi) chỉ vào bức ảnh gia đình: "Con dâu, con rể tôi đủ cả. Không đám cưới nào mà cô dâu được mặc váy cưới hết. Nhưng chúng tôi không lấy đó là thiệt thòi mà ngược lại, đó là điều kiện để các đôi trẻ có cơ hội phấn đấu làm giàu. Hạnh phúc không nằm ở bộ váy cưới, nó hiện trên nụ cười và sự thành công của đôi vợ chồng". 
 Bà Lai nói, hạnh phúc không nằm ở váy cưới.
Chồng bà Lai, ông Đỗ Cao Hùng cho hay: "Lớp trẻ bây giờ chúng đòi mặc váy cưới ghê quá nên đợt họp làng vừa rồi, chúng tôi cũng đã kiến nghị xây dựng lại hương ước. Có thể sẽ cho cô dâu mặc váy cưới nếu giá cả hợp lý, còn nếu đắt đỏ thì hương ước sẽ không thay đổi".
Anh Trần Văn Toán ở làng Vĩnh Đông cho biết: "Trước ngày cưới, vợ tôi háo hức thử hết váy này đến váy khác. Đến lúc đón dâu, cô ấy phải cởi bỏ váy và mặc bộ tân thời bình thường vào. Cả gia đình cô ấy tưởng đây là chuyện bịa nên kiên quyết bắt cô dâu diện lại váy cưới".
Một tuần sau đó, gia đình anh Toán bị cắt điện và cắt nước theo đúng hình phạt của làng. Vợ anh Toán lúc này mới tin quy định lạ đó là có thật. 
Xây mộ là cách quy hoạch tiết kiệm đất ở Yên Lạc. 
Xây "nhà" chờ... chết!
Theo ông Phạm Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Lạc, cưới xin ở địa phương theo hương ước làng rất tiết kiệm nên người dân dồn tiền dồn đất xây "nhà" cho người chết. Vừa rồi, thị trấn vừa khánh thành một nghĩa trang được quy hoạch hiện đại, mà phần lớn là tiền của dân đóng góp.
Vì thị trấn có 4 khu nên phải có 4 nghĩa trang riêng biệt. Diện tích nhỏ nên các nghĩa trang tràn lan lấn cả khu dân cư và đất lúa. Từ mấy năm trước, làng đã họp và bổ sung hương ước phải xây huyệt mộ khi người còn sống. Vậy là họ bắt tay vào việc xây dựng lại nghĩa trang cho chính mình.
Theo quan sát, các huyệt mộ đều được xây kè rất cẩn thận. Khi ai đó qua đời, việc đào huyệt sẽ không vất vả. Sau 3 năm cải táng, hài cốt sẽ được chuyển sang khu nghĩa trang bên cạnh. Huyệt cũ vẫn được dùng để chôn cất người khác. "Đây là cách làm rất khoa học và tiết kiệm quỹ đất, tiền bạc cho nhân dân. Người sống không phải lo lắng về phần mộ của mình khi qua đời, con cháu cũng không tốn tiền mua đất và thuê người đào huyệt", ông Luân cho biết.
Ông Đỗ Cao Hùng năm nay đã bước sang tuổi 90 thì tỏ ra yên tâm: "Bây giờ đất chật người đông, có nấm mồ xây sẵn thì khi chết cũng yên tâm. Được như vậy là do hương ước của làng xây dựng mà có. Dân bỏ một nửa tiền, còn lại nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ".
"Hương ước quy định chỉ cưới vào hai ngày trong tháng, cô dâu không được mặc váy cưới và phải xây mồ khi còn sống là nếp sống có từ xưa của người 4 làng Yên Lạc. Tuy nhiên, mãi đến năm 1998 quy ước này chính thức thành văn bản và được UBND huyện phê duyệt. Hình thức phạt khi vi phạm rất nhẹ, nhưng quy ước lấy tự trọng và dư luận làm đầu nên hầu hết đều nghiêm chỉnh thực hiện".
Ông Phạm Văn Luân (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc)
Trần Hòa

Bình luận(0)