“Lớp học dập dềnh“

Google News

Mất gần 40 phút đi thuyền siêu tốc với giá vô cùng đắt đỏ (gần 2 triệu đồng/tiếng) chúng tôi mới tới được "lớp học dập dềnh".

- Mất gần 40 phút đi thuyền siêu tốc với giá vô cùng đắt đỏ (gần 2 triệu đồng/tiếng) chúng tôi mới tới được "lớp học dập dềnh". Gọi là "lớp học dập dềnh" bởi nó ở trên biển.
 
Đó là lớp học của trẻ em làng chài Cửa Vạn, ngôi làng nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long. Và lớp học này "dập dềnh" còn bởi nhiều phụ huynh không biết con mình học lớp mấy.

Học làm gì, ở nhà chèo thuyền thôi!

Nhìn mấy đứa học trò hiếu động chơi trò đuổi bắt giữa hành lang rất hẹp (sân chơi duy nhất của các em) và dập dềnh vì nước biển xô mạnh dưới sàn nhà, cô giáo Nguyễn Thu Huyền kể: Khác với mấy năm trước, giờ học sinh ở đây đã chăm đi học hơn, dù vào mùa mực, mùa tôm, lớp học bao giờ cũng bị "vẹt" đi.
 
Rồi cô kể tiếp: "Giờ đến các gia đình ở khu làng chài vận động cho trẻ con đi học, các ông bố, bà mẹ ở đây (hầu hết đều không biết chữ - PV) đã khá vui vẻ cho con đến trường. Tuy nhiên, không ít phụ huynh không biết con mình học lớp mấy. Họ không quan tâm, vì học cũng chẳng biết để làm gì".

Dẫn tôi đi thăm một số hộ gia đình trên làng chài Cửa Vạn, ông Phạm Văn Tơ, trưởng ban công tác mặt trận khu Cửa Vạn chép miệng: "Buồn lắm cô ạ. Học sinh trên bờ, về nhà còn có cái bàn nhỏ ngồi ôn bài. Ở đây, khi đã về nhà, muốn ôn bài, bọn trẻ chỉ có thể học ngồi, học quỳ, học nằm... Tội lắm. Có đứa 9 -10 tuổi mà chưa một lần có cơ hội vào bờ. Cuộc sống khép kín trong cái làng chài nhỏ này".
 
Sau tiếng thở dài, ông tiếp lời: "Sau lớp 5, muốn học tiếp thì phải vào bờ. Thỉnh thoảng, cũng có một số lớp bổ túc chương trình THCS, nhưng bập bõm lắm. Hiện khu làng chài này có hơn chục cháu vừa học xong lớp 5, nhưng chắc lại ở nhà nối nghiệp chèo thuyền của cha mẹ thôi".

Hỏi chuyện cậu bé Nguyễn Văn Hùng, cựu học sinh vừa tốt nghiệp lớp 5, em kể: "Bình thường thì em chèo thuyền đến lớp. Ở đây trẻ con dù bé tí tẹo cũng đã biết tự chèo thuyền đến lớp. Thỉnh thoảng cũng có đứa bị ngã xuống biển. Đến lớp, sách vở ướp nhẹp, nhưng vui. Thỉnh thoảng em cũng trốn học theo bố ra khơi".

Hùng kể, em đi câu mực với bố từ năm 11 tuổi. Một ngày làm việc từ 4h sáng đến 5h chiều. Nhìn sang khu lớp học, Hùng tiếc nuối: "Em muốn được lên bờ học tiếp nhưng chắc là ở nhà thôi chị ạ. Bố mẹ em không cho đi".
Những phòng học này nằm nổi trên mặt nước.
Những phòng học này nằm nổi trên mặt nước.
Cứ ở đây mãi có khi già mất!

Một điểm khá thú vị khi tôi khám phá ra, các cô giáo dạy học trên những chiếc nhà nổi này đều còn rất trẻ và xinh như những bông hoa mới nở. Cô Bùi Thanh Tâm, một trong 5 "biên chế" tại đây kể: Hiện 2 cô giáo có bầu nên nghỉ, 3 cô còn lại sinh hoạt chung trong một phòng nhỏ. Chiếc giường duy nhất trong phòng vừa là nơi ngủ vừa là nơi tiếp khách.

Tâm tâm sự: "Mới ra trường, không ai bắt, nhưng nghĩ mình còn trẻ thì nên đi làm nghĩa vụ 1 - 2 năm. Vậy là hăm hở vác ba lô đi. Nhưng đến nơi thì sốc, điện không có, nhà vệ sinh cũng không, lớp học lúc nào cũng bồng bềnh vì nằm ngay trên mặt nước. Hồi mới đến, viết chữ trên bảng cũng không thể tròn trịa được?

Tiếp lời đồng nghiệp, cô Nguyễn Thu Huyền thủ thỉ kể: "Lớn lên ở TP Hạ Long, gắn mác gái thành phố nên lúc em ra đây, ai cũng bất ngờ. Nhiều người nghĩ ra đây vì ham lương cao, nhưng thực tế có nhiều nhặn gì. Khởi điểm là 1,8 triệu đồng, sau hơn 1 năm thì tăng lên được 2,7 triệu đồng.
 
Trong khi ở đây cái gì cũng đắt. Đồ ngon thì mang vào đất liền bán. Còn rau cỏ thì lại mang từ bờ vào nên đắt. Mà đắt nhất là nước ngọt, 18.000 đồng một thùng phi, một ngày dùng tới vài thùng. Mỗi lần vào bờ là phải tranh thủ mua lạc, cá khô để ăn dần. Ban ngày đi dạy còn vui. Sợ nhất là khi màn đêm buông xuống. Sóng điện thoại thì kém, điện không có. Sau khi thắp nến soạn bài thì chỉ biết lên giường đi ngủ".

Chỉ tay vào căn phòng ở dán giấy màu hồng, Huyền bảo: "Những lúc buồn cả hội lại rủ nhau trang trí phòng ở, để giết thời gian và cân bằng cuộc sống".

Tôi hỏi đùa: Cân bằng được rồi, vậy có ý định vào bờ không, Huyền thẳng thắn: "Thực sự, bọn em muốn vào bờ lắm rồi. Em nghĩ, khi trẻ thì mình đi để cống hiến và trải nghiệm. Gần 2 năm qua bọn em đã cống hiến và trải nghiệm đủ rồi".
 
Rồi Huyền nhỏ giọng: "Em còn chưa lập gia đình. Cứ ở đây mãi, có khi già mất!". Nói vậy, nhưng khi chúng tôi ra về, Huyền kéo tay lại bảo: "Còn ngày nào ở đây bọn em vẫn xác định là bám biển, bám lớp. Những đứa trẻ ở đây yêu lắm. Chúng coi cô giáo như thần tượng".
Nguyễn Văn Hùng: Cháu muốn được đi họp tiếp.
Nguyễn Văn Hùng: Cháu muốn được đi họp tiếp.
Sướng hơn học sinh thành phố

Lúc tôi đến, đang có một lớp học về giáo dục môi trường rất sôi nổi. Cô giáo hỏi: "Vịnh Hạ Long có tầm quan trọng như thế nào". Nhiều cánh tay đưa lên, em thì bảo, biển cho em nhiều cá nhiều tôm. Em khác lại trả lời, biển giúp nuôi sống gia đình em...

Các cô giáo cho biết, ngoài chương trình học kiến thức ở đây các em còn có những bài học tìm hiểu về môi trường. Chương trình học này nằm trong một dự án bảo vệ môi trường do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Tại đây, học sinh sẽ được tìm hiểu về biển, về vịnh Hạ Long, học sinh còn được học cách phân loại rác tại nguồn. Rồi học sinh còn được học cách thả thiết bị để đo độ ô nhiễm của nước biển...

Vừa chỉ cho chúng tôi xem đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ, em Phạm Văn Phụng, học sinh lớp 4 hồn nhiên bảo: "Chúng cháu sướng hơn các bạn học sinh thành phố. Các bạn ấy đâu có được học về phân loại rác tại nguồn, đâu có được đi đo nước biển. Đâu có được đi vớt rác trên sông".

Cô Nguyễn Thu Huyền cho hay: "Nhiều người bảo chúng tôi viển vông, dạy kiến thức còn không xong, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường làm gì. Nhưng chúng tôi lại cho rằng, biển là của các em. Bảo vệ được biển hay không là từ chính các em.
 
Giờ học sinh của chúng tôi không vứt rác xuống biển, thấy rác trôi trên biển là nhặt lên, về nhà biết đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ. Chúng tôi biết việc này không dễ dàng. Nhưng cứ thắp một đốm lửa. Biết đâu nó sẽ bùng lên thành ngọn lửa lớn".

Cô Nguyễn Bích Thủy, Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Hùng Thắng cho biết, điểm trường Cửa Vạn được thành lập từ năm 2000, thuộc quản lý của Trường Tiểu học và THCS Hùng Thắng (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long). Chính quyền địa phương rất tạo điều kiện cho học sinh làng chài vào bờ. Song, vào bờ không có nhà cửa, không có họ hàng thân thích, nên người dân không yên tâm để con mình đi. Vậy là bỏ. Tiếc lắm. Ở đây có nhiều em ham học. Có em đã thi đỗ thủ khoa vào một trường công lập.
Lan Hoa
[links()]

Bình luận(0)