Bật mí thú vị về “vua tiền cổ” lớn nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong ngôi nhà ba tầng ở Bắc Ninh, với la liệt chum tiền cổ các thời đại, ông Nguyễn Văn Thạo xứng đáng là “vua tiền cổ” mà giới sưu tầm phong tặng.

Vàng cân, bạc tạ đã là giàu. Đằng này, tổng số tiền xu mà ông Thạo có được đã lên tới hàng tấn. Mà không phải chỉ một vài tấn nhỏ nhẹ, con số ấy đã lên tới 6 tấn có lẻ. Đó là chưa kể tới số lượng khổng lồ tiền giấy cổ và la liệt tem phiếu thời bao cấp, cũng như tem thư thời chiến.
Hiện nay, ông Thạo có đến 6 tấn tiền xu cổ. 
Từ sưu tầm bút
Là người gốc Hải Dương, nhưng định cư ở phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh, ông Thạo hiện là một trong những nhà sưu tầm cổ vật có tiếng của xứ Kinh Bắc. Cơ duyên đưa ông Thạo từ một cán bộ thủy lợi sang công việc sưu tầm cũng lắm thú vị.
“Ngay từ thời còn là học sinh, tôi đã rất thích những thứ cũ kỹ. Thuở ấy, tôi chưa có hình dung về đồ cổ, cũng chưa có ý thức lần tìm những cổ vật giá trị. Vì còn đang đi học nên có thói quen nhặt những chiếc bút hỏng bị vứt ở đâu đó đem về nhà chơi. Thế mà, thời học sinh tôi là người sưu tầm được nhiều bút nhất, đầy cả một thùng lương khô, nhưng chẳng cái nào ăn nhập cái nào”, ông Thạo nhớ lại.
Sau những buổi học, cậu bé Thạo lại giúp cha mẹ làm ruộng. Khu phần trăm nhà Thạo gần một con mương nước, phía bên kia là gò đất cao, mỗi lần tát nước, khu gò cao ấy lại bật ra vài ba mảnh sành. Cậu bé Thạo nhặt lấy ngắm nhìn, chỉ biết đấy là đồ cổ, thế rồi mê đắm từ đó.
“Có đận làng tôi thi nhau đem cuốc, xẻng ra cái gò đất cao ấy đào đồ cổ. Thi thoảng họ lại đào được những đồng xu, hay cái hũ đất gì đó. Vì còn nhỏ, lại không biết chữ Hán nên những đồng xu đó chỉ để chơi, không phục vụ được gì. Một thời gian sau thì tôi quên béng đi những kỷ vật thời thơ ấu ấy”, ông Thạo chia sẻ. 
Sau này, khi làm cán bộ Công ty Thủy lợi 1 – Bộ Thủy lợi, ông Thạo khơi dậy thú vui với đồ cổ. Nhưng tuổi trẻ, có khi ham chơi hơn tất cả mọi thứ nên công việc sưu tầm không mấy hiệu quả. Mãi đến năm 1992, khi lập gia đình ông mới bắt đầu chuyên sâu về tiền cổ.
Từ đồng tiền đầu tiên thời Đinh đến đồng xu cuối cùng thời Bảo Đại đều được ông Thạo sưu tầm đầy đủ. 
Đến sưu tầm tiền
“Khi có gia đình thì mình phải lo toan tất cả mọi thứ nên tự nhiên bị cuốn vào một guồng quay. Mình phải gặp gỡ nhiều người hơn và tình cờ khi đến một cơ sở thu mua phế liệu thấy ở đấy có một số lượng lớn tiền xu. Hỏi ra mới biết, số tiền xu này sẽ được trộn với đồng để bán sang Trung Quốc”, ông Thạo cho biết.
Cứ ngẫm nghĩ tiền cổ bị bán sang nước ngoài mà tiếc nên có bao nhiêu tiền trong người, ông Thạo dốc sạch mua tất cả những tiền xu cổ mà cơ sở phế liệu đang có. Ông còn dặn các cơ sở khác hễ có tiền xu thì bán lại cho ông với giá cao. Có đận, ông Thạo đã phải bán tất cả những gì có giá trị chỉ để mua những đồng tiền xu cũ kỹ.
Thậm chí, dăm lần bảy lượt ông phải cắm sổ đỏ để mua cho bằng được những đồng tiền quý. “Lần tôi thu mua nhiều nhất là được 2 tạ tiền xu ở Yên Thế (Bắc Giang). Họ đào sân và phát hiện ra những chum tiền cổ rất có giá trị. Nếu mình không nhanh chóng thu mua thì chắc chắn số tiền cổ này sẽ “chảy máu” sang Trung Quốc”, ông Thạo tiết lộ.
Tuy nhiên, cái khó nhất lúc này của ông Thạo không phải là việc tìm tiền cổ. Mà có tiền cổ trong tay rồi lại không biết đó là thời nào. Mày mò mãi, cuối cùng ông Thạo mới tìm được những tài liệu về tiền xu các thời đại. Vì trên mặt tiền xu có ghi niên hiệu các triều vua nên ông Thạo lại tìm những cuốn sách chữ Hán để tự học, tự tìm hiểu mặt chữ.
Đến năm 2006, ông Thạo cùng một nhóm các nhà sưu tầm tham gia biên soạn, phát hành cuốn “Kho báu tiền cổ Đại Việt” gây được tiếng vang lớn. Lúc này, nhiều người mới ngỡ ngàng về cậu bé Thạo ngày nào với thú vui nhặt bút hỏng, giờ thành một nhà sưu tầm tiền cổ lớn nhất nhì Việt Nam.
Một đồng tiền xu thời Nguyễn Nhạc.
Quý chưa hẳn đã hiếm
Có trong tay số lượng tiền cổ khổng lồ, nhưng ông Thạo cũng thành thật rằng: “Nhiều người cứ bảo tiền cổ là quý, nhưng giá trị của tiền cổ không nằm riêng ở sự quý mà còn phải hiếm nữa. Cái gì hiếm thì mới quý, có những cái quý chưa hẳn đã hiếm”.
Ông Thạo đưa ra ví dụ, tiền xu các triều đại Việt Nam được tính theo số lượng phát hành. Có những ông vua tại vị lâu, tiền đúc ra nhiều nên dù sau này có thay đổi triều đại thì trong dân gian vẫn tồn tại nhiều về những đồng tiền ấy. Cho nên, dù tiền xu ấy qua nhiều niên đại, nhưng chưa hẳn đã hiếm.
Có những đồng tiền xu dù chỉ cách đây vài ba trăm năm nhưng lại cực quý và cực hiếm. Như vua Hiệp Hòa mới chỉ lên ngôi 3 ngày thì mất, phôi tiền mới chỉ đúc xong, số lượng chưa nhiều nên rất khó để sưu tầm được loại tiền thời này. Giá trị cổ vật cũng từ sự hiếm này mà thành quý.
Thế nên khi chúng tôi xuýt xoa về kho tiền cổ được bóc tách từ những cái chum ra, ông Thạo bảo: “Số lượng tiền trong chum qua thời gian phong hóa dính chặt với nhau thành khối. Số tiền ấy số nhiều là từ một thời kỳ nên không có nhiều giá trị về lịch sử”.
Khối tiền cổ này đã dính vào nhau do được chôn dưới đất lâu ngày. 
6 tấn tiền cổ
Có thể khẳng định, ở Việt Nam chưa có một nhà sưu tầm tiền cổ nào đạt được số lượng 6 tấn. Tuy nhiên, ông Thạo cho hay, điều mà ông tâm đắc và thích thú nhất là ông có khá đầy đủ số lượng tiền xu của các thời đại. Trong số đó, đồng tiền “Thái Bình Hưng Bảo” thời vua Đinh Tiên Hoàng được ông Thạo giữ gìn cẩn mật nhất.
Để có được đồng tiền quý hiếm này, ông Thạo đã phải mất hàng chục năm ròng đi khắp trong Nam ngoài Bắc dò hỏi. Khi thấy được tiền cổ này rồi, ông lại phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để mua lại. Với ông, đồng tiền đó như một báu vật vô giá mà không phải ai cũng có được.
Thậm chí, tiền xu từ các triều đại khác Đinh, Lê, Lý, Trần cũng được ông Thạo sưu tầm đầy đủ, kể cả đồng xu “Bảo Đại Thông Bảo” - đơn vị tiền tệ cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Bộ sưu tập của ông Thạo tiếp tục được mở ra với các đồng tiền giấy của nước Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh. 
Những hóa đơn tem phiếu thời bao cấp cũng được ông Thạo in ép cẩn thận. Trong đó, đặc biệt quý và khó tìm là tem phiếu mua hàng cưới. Những tem thư ở vĩ tuyến 17 cũng được ông Thạo sưu tầm. Nhiều người đến với ông Thạo để định giá thứ này, thứ kia. Nhưng ông Thạo bảo, đồng tiền không thể định giá được lịch sử. Chỉ có thời gian mới đủ để định giá những điều tuyệt vời ấy.
“Đến nay tôi đã tổ chức được 8 cuộc trưng bày để phục vụ nhân dân và du khách quốc tế. Hầu hết những người đến xem đều đánh giá cao giá trị lịch sử qua tiền cổ. Vì  dựa vào các niên hiệu trên đồng tiền, người ta có thể đoán định được sự tồn tại của các triều đại. Tiền đúc to, nhỏ, nặng, nhẹ, xấu, đẹp còn phản ánh được chính xác sự thịnh suy thời kỳ bấy giờ”.
Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Thạo
Trần Hòa

Bình luận(0)