Vẫn chưa thấy vật lạ nghi của máy bay Malaysia ở Thổ Chu

Google News

(Kiến Thức) - Tới 5h sáng 10/3, hai tàu của Việt nam tiếp cận vật lạ tại tọa độ mà thủy phi cơ xác định nhưng vẫn chưa phát hiện ra bất kỳ manh mối nào.

Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: 22h30 tối qua, tàu CSB 2003 và tàu kiểm ngư KN 774 đã tiếp cận tọa độ có vị trí 8 độ 47 phút 32 giây vĩ bắc, 103 độ 22 phút 26 giây độ kinh đông, cách đảo Thổ Chu 80 km và triển khai tìm kiếm mảnh vỡ tới 5h sáng nay (10/3), nhưng vẫn chưa thu được kết quả gì.
Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia Datuk Azharuddin Abdul Rahman.
Ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman, Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Malaysia (DCA) cũng cho biết: Đội tìm kiếm của Singapore đã phát hiện được mảnh vỡ ở địa điểm cách đảo Thổ Chu của Việt Nam khoảng 100 km về phía tây nam. Tuy nhiên, mảnh vỡ này không phải là của chiếc Boeing 777 chở theo 239 hành khách đang mất tích. 
Ngoài ra, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman cũng cho biết, dù vết dầu loang đã được tìm thấy nhưng hiện vẫn chưa được xác nhận liệu có phải của chiếc máy bay mất tích hay không.
“Vết dầu loang đã được tìm thấy nhưng chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác minh xem liệu vết dầu này có phải của chiếc máy bay mất tích hay không. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo xác nhận”, ông Datuk Azharuddin Abdul Rahman tuyên bố.
Vết dầu loang lớn được Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) phát hiện sáng nay cách Tok Bali, Kelantan khoảng 100 hải lý.
Theo ông Azharuddin, tại thời điểm này, 9 quốc gia đang tham gia tìm kiếm cứu nạn với 40 tàu và 34 máy bay. Tuy nhiên, đang tiếc các đội tìm kiếm không tìm thấy bất cứ dấu hiệu cụ thể nào liên quan đến chiếc máy bay mất tích.
Mảnh vỡ nghi cửa sổ máy bay Malaysia được thủy phi cơ DHC6 phát hiện.
Sau khi không tìm thấy vật thể lạ theo thông tin từ phía Singapore, vào 18h50, thủy phi cơ DHC6 mang số hiệu VNT – 777 của cảnh sát biển Việt Nam bay ở tầm thấp, đã phát hiện được vật thể nghi là mảnh vỡ cửa sổ chiếc máy bay bị mất tích, ở tọa độ có vị trí 8 độ 47 phút 32 giây vĩ bắc, 103 độ 22 phút 26 giây độ kinh đông, cách đảo Thổ Chu 80 km.
Cũng tại tọa độ này, chiều nay, lực lượng cứu hộ cứu nạn phát hiện vật lạ màu vàng. Ngoài ra, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cho biết, còn có một thanh ngang giống với thanh thăng bằng của đuôi máy bay. Dự kiến, tối nay, tàu cứu hộ sẽ được điều ra trục vớt hiện vật khả nghi.
 Vị trí thủy phi cơ Việt Nam phát hiện vật thể nghi bộ phận máy bay (vòng tròn đỏ), và vị trí vật thể lạ do máy bay Singapore phát hiện (vòng tròn xanh). Ảnh: Tiền Phong
Trong một diễn biến mới, Cơ quan hàng không Malaysia vừa cho biết, máy bay Boeing B777-200 bị rơi trên hải phận nước này, cách ranh giới biển giữa Việt Nam - Malaysia 25 hải lý. Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng khẳng định thông tin này.
Vào 18h30, máy bay An26 đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất kết thúc ngày thứ 2 tìm kiếm cùng nhiều phương tiện máy bay, tàu chiến trong nước và các quốc gia khác.
Trong suốt thời gian bay cùng tổ tìm kiếm trên máy bay An26 thuộc Lữ đoàn 918 Quân chủng Phòng không Không quân, Đại tá Nguyễn Đình Tuyến, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn yêu cầu: "Máy bay đang ở độ cao 1200m và yêu cầu tất cả mọi người trên máy bay tập trung quan sát dưới biển. Nếu phát hiện bất cứ vật gì đều báo cáo ngay cho tổ cứu hộ cứu nạn".
 PV Kiến Thức có mặt trên chuyến bay An26 ra hiện trường tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Theo quan sát của PV Kiến Thức, có rất nhiều tàu của các nước tham gia tìm kiếm tại vùng biển này. Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ tìm kiếm, bằng mắt thường, tất cả cũng chỉ ghi nhận được có nhiều vết loang (chưa xác định có phải dầu hay không) kéo dài cả một vùng rộng lớn trên biển.
Khoảng 18h, các máy bay tìm kiếm gần như đã trở về đất liền. Việt Nam còn 01 An26, Mỹ - 01 máy bay và Malaysia là 2 chiếc.
 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các bên về việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
17h chiều nay, tại văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bắt đầu chủ trì cuộc họp với các bên về việc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Cùng thời điểm này, lực lượng tìm kiếm của Mỹ thông tin rằng, sau khi nhận được thông tin về vật lạ từ phía Singapore, máy bay Mỹ đã hạ thấp độ cao, tiếp cận hiện trường và xác minh vật thể khả nghi không liên quan đến máy bay Malaysia mất tích.
Vào khoảng 16h, báo New Straits Times của Malaysia đưa tin, trong chiến dịch tìm kiếm ở ngoài khơi Kelantan, nơi máy bay Malaysia xuất hiện lần cuối, lực lượng cứu hộ hàng hải nước này đã tìm thấy mẩu vải bạt - được cho là áo phao. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định vật thể này có liên quan tới Boeing B777-200 chở 239 hành khách bặt tin từ rạng sáng qua.
Lúc 14h40, Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông tin từ phía Singgapore cho biết, máy bay tìm kiếm của nước này phát hiện có đồ dùng nghi của máy bay Malaysia mất tích, trôi trên biển tại tọa độ 08 độ 21''36' E - 103 độ 13''30N, cách đảo Thổ Chu 100km về phía Nam Tây Nam; đồng thời đề nghị Việt Nam có trực thăng hoặc tàu biển gần đó lập tức ra giúp đỡ.
Hiện, trực thăng Mi 171 và tàu cảnh sát biển 2003 đã được điều đến tọa độ trên để kiểm tra. Dự kiến tàu 2003 sẽ tiếp cận khu vực này vào lúc 19h tối nay. Một tàu cứu nạn hàng hải cũng đã xuất phát, dự kiến đến nơi nửa tiếng sau đó.
Vị trí máy bay Singapore phát hiện vật thể lạ. Ảnh: Tuổi Trẻ 
Tính tới thời điểm này, tham gia công tác tìm kiếm máy bay Malaysia gặp nạn, Việt Nam có 3 máy bay, 6 tàu (số lượng có thể tăng); phía Malaysia đã có 6 máy bay và 6 tàu; Trung Quốc điều 2 máy bay và 14 tàu; Philippine điều 1 máy bay, 3 tàu; Singapore có 1 máy bay cùng tham gia tìm kiếm trên khu vực rộng và Mỹ điều P-3C Orion từ căn cứ Kadena (Nhật) cùng tàu khu trục USS Pinckney (DDG-91) cùng 2 trực thăng MH-60R.
Thông tin về việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay Malaysia mất tích, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Qúy Tiêu nhận định: Từ khi nhận được thông tin về chiếc máy bay của bạn có sự cố trên vùng giáp ranh với Việt Nam đến bây giờ, chúng ta loại trừ những thông tin nào có vận may, kể cả vấn đề an ninh an toàn, đánh giá về mặt kỹ thuật. 
"Hiện chúng ta tập trung vào công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. May mắn xảy ra với máy bay này là khó xảy ra, chúng ta không nên đánh giá và cần tập trung vào xử lý sự cố, nguyên nhân tai nạn cần có sự tham khảo của nhà chức trách nước sở tại", Thứ trưởng Tiêu cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT loại trừ khả năng may mắn của máy bay Malaysia mất tích. 
Theo ghi nhận của Kiến Thức đến thời điểm 11h trưa nay, sau khi các máy bay và tàu cứu hộ tiếp cận khu vực có vệt nước lạ - nghi là vết dầu loang liên quan máy bay Malaysia mất tích trên vùng biển tìm kiếm, thì vật chứng này đã lan theo hướng gió, lệch so với hôm qua khoảng 80 km, sang phía Tây, cụ thể là 7 độ 21 phút và 102 độ 55 phút 02 giây.
  Lực lượng cứu hộ các nước đang sục tung khu vực nghi vết dầu loang, tìm máy bay Malaysia
Phân tích về việc mất liên lạc đột của máy bay Malaysia trong cuộc họp báo sáng nay, ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng ban an toàn chất lượng an ninh, giáo viên dạy bay 77, người có thâm niên điều khiển máy bay B777 nhận định: "Khi máy bay rơi, thời tiết hoàn toàn tốt, nên nhiều khả năng bị hở bụng khí. Theo ước lượng, khi rơi, máy bay rơi xuống từ độ cao 10.000 feet. Như vậy, sẽ có khoảng 5 phút để liên lạc lại với trung tâm...
... Trường hợp thứ hai, máy bay có thể chết một lúc cả 2 động cơ, với điều kiện thời tiết thuận lợi, máy bay vẫn có thể “lướt” thêm 20 phút, đầy đủ thời gian cho tổ lái liên lạc về trung tâm báo cáo tình hình. Trường hợp khác, có thể bị kẹt động cơ nhưng theo thống kê của hãng máy bay Boeing, chỉ có 9% gặp nạn động cơ. Hơn nữa, máy bay B777 có động cơ độc lập nên khó xảy ra trường hợp này. Một trường hợp nữa cháy trong buồng lái nên phải xuống nhanh, hoặc khói trong buồng lái nhưng vẫn đủ thời gian để thông báo về trung tâm".
Theo ông Tuấn, nếu ngay một lúc lại mất liên lạc hoàn toàn, vừa mất liên lạc thông tin, vừa mất rada dưới mặt đất, thì chỉ có trường hợp có người cố tình can thiệp tắt hệ thống trên máy bay đi mới có thể mất cùng một lúc.
Các khu vực tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích gồm:
1. Khu vực tìm kiếm của Việt Nam:
A: 09o30’00’’ N - 103030’00’’ E;
B: 09o30’00’’ N - 104030’00’’ E;
C: 08o00’00’’ N - 104030’00’ E;
D: 08o00’00’’N - 103030’00’’ E;
2. Khu vực tìm kiếm của Malaysia:
A: 05o51’00’’ N - 103000’00’’ E;
B: 07o27’00’’ N - 102013’00’’ E;
C: 08o10’00’’ N - 103047’00’’ E;
D: 06o50’ 00’’N - 104029’00’’ E;
3. Khu vực tìm kiếm của Singapore:
A: 08o41’26’’ N - 102058’18’’ E;
B: 08o14’26’’ N - 103045’26’’ E;
C: 07o36’22’’ N - 103023’16’’ E;
D: 08o03’ 20’’N - 102036’06’’ E;
4. Khu vực tìm kiếm của Mỹ: R208 từ IGARI vào đất liền Malaysia.
Trong thông cáo mới nhất, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Sáng 9/3, AN26 số hiệu 286 cất cánh lúc 06h52, AN26 số hiệu 261 cất cánh lúc 7h23, AN26 số hiệu 287 làm nhiệm vụ chỉ huy. AN26 số hiệu 261 tiến hành tìm kiếm từ độ cao 2.100m trở lên, AN26 số hiệu 286 từ độ cao 2.400m trở lên. 
Lực lượng tàu bay Việt Nam sẵn sàng mở rộng khu vực tìm kiếm, để tránh chồng lấn với vùng tìm kiếm của Singapore. Lực lượng tìm kiếm của Malaysia có tàu bay trực thăng CL41-RES101 bắt đầu tìm kiếm từ lúc 7h13, độ cao từ 600m trở lên; BE200-RES33 từ lúc 7h15 tìm kiếm từ 750m trở lên; BE200-RES65 cất cánh lúc 8h20 - tìm kiếm từ 1.500m trở lên. Một tàu bay P3 của Không quân Mỹ sẽ tăng cường lúc 11h49 để tìm kiếm từ IGARI theo đường R208 về phía Malaysia. Dự kiến có thêm 2 tàu bay của Trung Quốc và 1 tàu bay của Philippines.
 Lúc 10h10, Quân chủng Hải Quân đã điều động thủy phi cơ DHC6 từ Cam Ranh bay vào sân bay Tân Sơn Nhất, rồi tới khu vực vết dầu loang, phối hợp tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia VN, xác nhận: Lúc 10h10, Quân chủng Hải Quân đã điều động thủy phi cơ DHC6 từ Cam Ranh bay vào sân bay Tân Sơn Nhất, rồi tới khu vực vết dầu loang, phối hợp tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.
Lúc 8h30 sáng nay (9/3), 5 tàu cứu hộ của Việt Nam đã có mặt ở khu vực nghi ngờ máy bay Malaysia mất tích, gồm 2 tàu hải quân và 3 tàu của cảnh sát biển.
Trong sáng nay, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Sư đoàn Không quân 370 và Lữ đoàn Không quân 918 tiếp tục điều 3 chiếc máy bay An-26 ra khu vực vùng biển đảo Thổ Chu để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing B777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích rạng sáng 8/3. Và như vậy, hiện phía Việt Nam đang có 5 máy bay tham gia vào hành trình tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ máy bay Malaysia mất tích.
Không dừng ở đó, tại Sở chỉ huy Sư đoàn Không quân 370, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thọ-Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ cho biết: "Chúng tôi đã quyết định điều thêm 2 chiếc máy bay Casa 212 từ sân bay Gia Lâm vào miền Nam để tham gia tìm kiếm, cứu nạn máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines".
Trước đó, v
ào khoảng 7h, 2 máy bay vận tải An-26 (có thể là 2 chiếc mang số hiệu 261 và 281) tiếp tục cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp tục hành trình tìm kiếm tại khu vực biển nghi ngờ máy bay Malaysia gặp nạn.
Lộ trình bay 2 chiếc An-26 là sẽ bay qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bay ra khu vực biển nghi ngờ máy bay gặp nạn để thực hiện việc tìm kiếm trong bán kính 500km2, độ cao bay 2.000m. Trên máy bay có sẵn các phao và thiết bị cứu nạn để sẵn sàng thực hiện các phương án cứu hộ nhanh nếu phát hiện người bị nạn trên máy bay Malaysia.
Lúc 5h sáng, phía Singapore và Malaysia đã hay đổi vùng tìm kiếm rộng hơn, hướng về phía đảo Thổ Chu. Thủ tướng Malaysia, ông Datuk Seri Najib Razak cho biết, có 15 máy bay và 9 tàu của nước này tham gia tìm kiếm và mở rộng khu vực tìm kiếm.
 Chiến hạm USS Pinckney (DDG-91) của Hải quân Mỹ có thể chở theo đến 2 trực thăng vận tải đa năng rất phù hợp cho hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. 
Máy bay của Mỹ cũng tham gia bay dọc theo vùng tìm kiếm R208-IGARI (thuộc vùng FIR của cả Malaysia và Singapore). Thêm nữa, tối qua (8/3 - theo giờ VN), Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa USS Pinckney (DDG-91) lên đường tới vùng biển phía Nam Việt Nam cùng tham gia hoạt động tìm kiếm máy bay Boeing 777-200ER của Hãng Hàng không Malaysia bị mất tích.
Theo Hải quân Mỹ, USS Pinckney (DDG-91) sẽ tới vùng biển máy bay gặp nạn trong vòng 24 giờ tới với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Tàu chiến Mỹ có phù hợp để tìm kiếm máy bay Malaysia?
Cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác định khu vực máy bay Malaysia mất tích.
Theo kế hoạch, trong sáng 9/3, các tàu và máy bay cứu hộ dàn hàng ngang, dùng các phương tiện kỹ thuật để tìm kiếm máy bay Malaysia bị nạn trong phạm vi rộng 130 km2 - Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4, thông tin.
Đại tá Lê Dũng Anh, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, cũng cho biết: “Đến 3h ngày 9/3, tàu CSB2001 của Việt Nam là chiếc tàu cứu hộ cứ nạn đầu tiên có măt tại hiện trường để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay mất tích ở khu vực trên. Ngay sau khi tàu CSB2001 tới nơi, tàu CSB2003 cũng đã đến ranh giới biển giữa Maylaysia và Việt Nam. Công tác tìm kiếm bằng máy bay và tàu được triển khai tích cực”.
Đại tá Doãn Bảo Quyết, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4 xác nhận: tối 8/3, tàu cứu hộ 2001 đã tiếp cận được khu vực được cho là máy bay của Malaysia rơi, nhưng chưa tìm thấy gì cả. Vùng Cảnh sát biển 4 đã điều thêm tàu CSB 2003 và CSB 2004 đến vùng máy bay bị nạn.
Theo danh sách mà Malaysia Airlines công bố có tên Luigi Maraldi, quốc tịch Italy. Ảnh: CCTV
Tính tới thời điểm sáng nay (9/3), theo danh sách hành khách trên chuyến bay Boeing B777-200, mà hãng hàng không Malaysia Airlines công bố, Reuters và CNN dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Italia và Áo cho biết, một công dân Italia và Áo được cho là hành khách trên chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines mất tích ngày 8/3, đều bình an vô sự bởi vì passport của họ đã bị đánh cắp.
Cụ thể, Luigi Maraldi, 37 tuổi, ghi là quốc tịch Italia, theo báo Corriere Della Sera, hộ chiếu của Maraldi đã bị mất ở Thái Lan hồi tháng 8/2013. Ông này đã gọi điện cho gia đình vào báo tin vẫn sống khoẻ ở Thái Lan - hãng thông tấn Italy ANSA cho biết.
Tương tự, passport của công dân Áo là Christian Kozel, 30 tuổi, cũng bị đánh cắp năm 2012 trong một chuyến đi đến Thái Lan và người này đang ở Áo bình an vô sự.
Hiện, báo chí tại Italy đưa ra nghi vấn về việc một người đã mạo danh một công dân nước này để lên chiếc máy bay bị nạn nói trên và không loại trừ khả năng bị khủng bố. Tuy nhiên, người phát ngôn Malaysia Airlines cho biết hãng này không nhận được thông tin gì về ông Maraldi.
Có bằng chứng máy bay Malaysia bị khủng bố?
Vệt nghi dầu loang tìm thấy nằm ở góc trên bên trái vùng Việt Nam khoanh vùng nghi vấn máy bay rơi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết: Trong trường hợp máy bay rơi ở Việt Nam, Việt Nam sẽ phải thành lập Uỷ ban điều tra Quốc gia, nếu máy bay rơi ở hải phận Malaysia, Việt Nam sẽ phối hợp cùng nước bạn tiến hành tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ.
Ngày từ chiều tối qua (8/3), với 2 vệt dầu loang và cột khói phát hiện ở khu vực tìm kiếm tại toạ độ 0755N - 1031852E và 070725 - 1032320, nghi ngờ là bằng chứng mất tích của máy bay Boeing B777-200, lực lượng tìm kiếm cứu hộ Việt Nam đang nhanh chóng triển khai tiếp cận hiện trường, khoảng 23h đêm qua, đã tới nơi.
Vào khoảng 16h30 chiều nay, một máy bay AN 26 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã báo về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không rằng, phát hiện một vệt như là dầu loang trên biển. Vệt này dài 20km, tại toạ độ 0755N - 1031852E, trong vùng FIR của Việt Nam.
Tiếp đó, lúc 17h5, máy bay khảo sát Việt Nam tiếp tục phát hiện cột khói tại tọa độ 070725 - 1032320, nhưng chưa xác định của tàu thủy hay của vật gì. Phía Việt Nam đã báo cho phía Malaysia để điều trực thăng đến xác định cụ thể.
Do trời tối, khoảng 18h, hai máy bay tìm kiếm của Việt Nam bay về đất liền. 

Trước đó, lúc 15h chiều nay (8/3), trao đổi với Kiến Thức, Cục trưởng Cục Hàng không, ông Lại Văn Thanh cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng của Quân chủng Phòng không Không quân, Quân chủng Hải quân và Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đang triển khai phương án phối hợp tìm kiếm tại khu vực giáp ranh giữa vùng chuyển giao kiểm soát (FIR) Hồ Chí Minh và FIR Kuala Lumpur (Malaysia), nơi tàu bay mất liên lạcvà kiểm soát ra đa.
Ông Lại Văn Thanh nhấn mạnh: Một tàu bay AN26 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm lúc 14h30 chiều nay. Tàu Hải quân và tàu tìm kiếm cứu nạn Hàng Hải đang tiếp cận khu vực tìm kiếm. Hai tàu bay AN26 và một trực thăng MI171 chuẩn bị sẵn sàng tại Sân bay Tân Sơn Nhất lên đường làm nhiệm vụ.
Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Các bên liên quan của Hàng không dân dụng, Hàng hải và Quân sự Việt Nam, hàng không dân dụng của Malaysia và Singapore đều đã vào cuộc. Sở chỉ huy cũng đã báo cáo Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, Quân chủng phòng không không quân làm thủ tục cho tàu bay của Malaysia và Singapore vào phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn 
Người nhà của các hành khách Trung Quốc có mặt trên chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng khôngMalaysia Airlines hoang mang, lo lắng ngóng tin người thân tại sân bay Bắc Kinh ngày 8/3. (>>

Người nhà nạn nhân máy bay Malaysia rơi gào khóc tại sân bay)

Nhận định về nguyên nhân máy bay Malaysia chở 239 hành khách bị rơi, chuyên gia hàng không Ấn Độ Harsh Vardhan nhận định: Với khoảng trống thời gian từ khi máy bay Boeing 777 của Malaysia bị mất tích cho đến giờ phút này, vẫn không hề có bất cứ tín hiệu hay dấu vết nào, thì rất có thể nó đã bị rơi tại một địa điểm vô danh, chưa được biết tới.
Ông Harsh Vardhan dự đoán, nguyên nhân dẫn đến việc chiếc máy bay rơi có thể là do sự cố động cơ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc thậm chí, không loại trừ khả năng, nó bị phá hoại.
Chủ tịch Công ty tư vấn các giải pháp chiến lược hàng không Neil Hansford dự đoán, khả năng cả 2 động cơ của chiếc máy bay đều gặp trục trặc là rất thấp. “Nếu chiếc máy bay bị trục trặc một động cơ, nó cũng không bị rơi xuống”, ông Hansford nhấn mạnh.
Điều tra viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) tại Mỹ Greg Feith cho rằng, có khả năng, chiếc máy bay Malaysia đã gặp sự cố liên quan đến hệ thống điều áp.
“Nếu gặp sự cố về vấn đề điều áp ở trên không, thời gian ý thức hữu ích (thời gian một phi công có thể hoạt động với một nguồn cung cấp oxy không đủ) ở độ cao từ 9.000 đến 10.000 m chỉ là một vài giây”, ông Greg Feith khẳng định.
Máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh tham gia tìm kiếm máy bay Boeing B777-200 mất tích (ảnh minh họa).
Trước đó, về hành trình bay của Boeing B777-200 của hãng hàng không Malaysia, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Máy bay dân dụng Boeing 777-300 ER của Hãng hàng không Malaysia Airlines cất cánh lúc 16h42 (giờ GMT) ngày 7/3, dự kiến chuyển giao cho FIR TP HCM lúc 17h22 (giờ GMT) cùng ngày. Lúc máy bay bị mất tín hiệu kiểm soát thì chưa được chuyển giao và trước khi vào vùng kiểm soát không lưu của Việt Nam khoảng 1 phút thì mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu rada.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), cũng cho biết: “Từ thời điểm cơ quan không lưu phía bạn thông báo chuyển giao cho Việt Nam, Trung tâm quản lý bay đường dài TP HCM đã không nhận được thông tin về chuyến bay, ACC TP HCM cũng chưa nhận quyền kiểm soát đã thông báo ngay cho phía bạn về tình trạng này”.
Như Kiến Thức đã đưa tin, vào lúc 0h20, máy bay Boeing B777-200 của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH370 rơi tại vùng biển cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (khoảng 300km), tiếp giáp giữa hải phận Việt Nam và Malaysia. Máy bay chở 239 hành khách và phi hành đoàn từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, bị mất liên lạc từ rạng sáng 8/3. Những hành khách trên chuyến bay đến từ các quốc gia: Trung Quốc (158 người, trong đó có 1 trẻ em), Malaysia (38 người ), Indonesia (12 người), 7 người Australia, 3 người Pháp, 3 người Mỹ có một trẻ em, 2 New Zealand, 2 Ukraine và Nga, Đài Loan, Italy, Hà Lan, Áo mỗi quốc gia có 1 hành khách. 
Hiện, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu đang có mặt tại Sở Chỉ huy tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không, liên tục báo cáo thông tin tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc tìm kiếm máy bay Boeing B777-200 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn, nghi ở khu vực cách đảo Thổ Chu 300km.

Nhóm PV

Bình luận(0)