Nguyên nhân máy bay Malaysia chở 239 người gặp nạn?

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia hàng không cho rằng, lý do biến mất không một dấu vết của máy bay Malaysia có thể do sự cố động cơ, thời tiết hoặc thậm chí bị phá hoại.

Cựu Tổng thanh tra của Cục Giao thông vận tải Mỹ là Mary Schiavo nhận định:  Máy bay Malaysia đã bị rơi ở một khu vực không có tín hiệu và không thể liên lạc được.
Chuyên gia hàng không Ấn Độ Harsh Vardhan đồng quan điểm: Với khoảng trống thời gian từ khi máy bay Boeing 777 của Malaysia bị mất tích cho đến giờ phút này, vẫn không hề có bất cứ tín hiệu hay dấu vết nào, thì rất có thể nó đã bị rơi tại một địa điểm vô danh, chưa được biết tới. 
Ông Harsh Vardhan dự đoán, nguyên nhân dẫn đến việc chiếc máy bay rơi có thể là do sự cố động cơ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc thậm chí, không loại trừ khả năng, nó bị phá hoại.
 Một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia.
Nhiều chuyên gia hàng không tỏ ra ngạc nhiên về việc chiếc máy bay đột ngột mất liên lạc bởi trên thực tế, Boeing 777 được đánh giá là một trong những loại máy bay có an toàn nhất thế giới.
Chuyên gia tư vấn an toàn hàng không Mohan Ranganathan của Ủy ban Tư vấn An toàn Hàng không dân dụng Ấn Độ cho biết, “rất, rất hiếm có” một chiếc máy bay mất liên lạc hoàn toàn, mà không để lại bất cứ dấu vết nào cũng như dấu hiệu nào để dự đoán về sự cố mà nó gặp phải như chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia. Ông này nhận định, chiếc máy bay Boeing 777 đã đạt độ cao 10.700 m. Nhưng theo các dữ liệu bay trực tuyến, chiếc máy bay dường như đã đột ngột mất độ cao và bị đổi hướng bay.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty tư vấn các giải pháp chiến lược hàng không Neil Hansford - cũng là một cựu giám đốc điều hành của một hãng hàng không vận tải - nhấn mạnh: Boeing 777 là một trong những chiếc máy bay an toàn nhất trong lịch sử hàng không.
Theo ông Neil Hansford, hơn 1.000 chiếc Boeing 777 đã được sản xuất và đưa vào hoạt động nhưng ước tính mới xảy ra 60 sự cố liên quan đến loại máy bay này. Vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan đến loại máy bay này xảy ra năm ngoái khi một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Asiana Airlines gặp sự cố khi hạ cánh xuống sân bay San Francisco (Mỹ) khiến 3 người trong số 307 hành khách thiệt mạng. Tuy nhiên, một nạn nhân trong số này thiệt mạng do bị xe cứu thương đâm. Còn những sự cố khác nhẹ hơn, chỉ làm một số hành khách bị thương nhẹ.
Do đó, chuyên gia này dự đoán, khả năng cả 2 động cơ của chiếc máy bay đều gặp trục trặc là rất thấp. “Nếu chiếc máy bay bị trục trặc một động cơ, nó cũng không bị rơi xuống”, ông Hansford nhấn mạnh.
Boeing 777 có khả năng bay gần 3 giờ với một động cơ duy nhất trong trường hợp khẩn cấp. Loại máy bay này được sử dụng phổ biến bởi các hãng hàng không trên khắp thế giới vì nó có khả năng bay một chặng rất dài với thời gian bay lên tới 16 giờ nhờ 2 động cơ khổng lồ. Chẳng hạn, Boeing 777 cho phép hành khách bay thẳng từ New York đến Hong Kong mà không cần phải quá cảnh ở bất cứ sân bay nào. Trong khi, chuyến bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc) được dự kiến mất 5 tiếng rưỡi.
 Người thân các nạn nhân xấu số trên chiếc máy bay Malaysia mất tích ngóng tin người thân ở sân bay Bắc Kinh.
Về việc một số người suy đoán, chiếc máy bay có thể đã bị phá hoại hoặc bị đánh bom, ông Hansford nhấn mạnh, những khả năng này còn thấp hơn và thực tế không có bất cứ một manh mối hay dấu vết nào để suy đoán về điều đó.
Trong khi đó, nhận định về bí ẩn xung quanh sự biến mất không tung tích của chiếc máy bay mang số hiệu MH 370 của hãng hàng không Malaysia, chuyên gia hàng không Richard Quest nhấn mạnh: “Thời điểm chiếc Boeing 777 mất tích là khi nó bay được khoảng 2 giờ. Đây là thời điểm an toàn nhất trong cả chuyến bay”.
Ngoài ra, điều tra viên của Ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) tại Mỹ Greg Feith tỏ ra băn khoăn, lẽ ra các phi công đã có khả năng thông báo tình hình của họ, ngay cả khi năng lượng của chiếc máy bay cạn kiệt.
“Chiếc máy bay được chứng nhận có năng lượng dự phòng. Do đó, phi công vẫn có khả năng điều khiển các thiết bị trên máy bay cũng như các phương tiện thông tin, truyền thông, phát tín hiệu trong trường hợp khẩn cấp để hoàn thành chuyến bay an tòan. Phi công có thể đóng tất cả máy phát điện, tắt các động cơ bởi vì còn có năng lượng dự trữ. Nó được tạo ra cho các tình huống khẩn cấp”, ông Greg Feith nhấn mạnh.
Theo ông Greg Feith, có khả năng, chiếc máy bay Malaysia đã gặp sự cố liên quan đến hệ thống điều áp.
“Nếu gặp sự cố về vấn đề điều áp ở trên không, thời gian ý thức hữu ích (thời gian một phi công có thể hoạt động với một nguồn cung cấp oxy không đủ) ở độ cao từ 9.000 đến 10.000 m chỉ là một vài giây”, ông Greg Feith khẳng định.
Trong trường hợp này, theo ông Greg Feith, chiếc máy bay khó có khả năng hạ cánh khẩn cấp.
Bạch Dương (tổng hợp)

Bình luận(0)