Bán đi... lãi 12 tỷ so với giá trị thực mua
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bộ này có ý kiến với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc dừng thẩm định giá trị hiện tại của ụ nổi 83M, đưa ụ nổi này ra khỏi danh sách vật chứng của vụ án cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines. Đặc biệt, Vinalines đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn Vinalines các bước cần thiết để thanh lý, nhượng bán ụ nổi 83M nhằm thu hồi vốn đã đầu tư, giảm thiểu thiệt hại liên quan đến chi phí quản lý, bảo vệ ụ nổi 83M.
Vậy, nếu đề nghị trên của Vinalines được Bộ GTVT đồng ý thì ụ nổi 83M này bán đi sẽ có giá bao nhiêu và bán bằng cách nào?
Tại phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ đại án kinh tế xảy ra tại Vinalines chiều 25/4/2014, trong nội dung thẩm vấn thêm, dư luận khá bất ngờ, băn khoăn về thông tin đại diện nguyên đơn dân sự trong vụ án – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đưa ra khi đánh giá giá trị ụ nổi 83M hiện nay. Theo trình bày của ông này, phương án xử lý xấu nhất với ụ nổi này là phá dỡ để bán sắt phế liệu thì mỗi kg sắt phế liệu tàu thuyền hiện được tính giá 70.000 đồng. Như vậy, ụ nổi 83M với sức nâng 25.000 tấn tính ra có giá… 49 tỷ đồng. Giá này đã là mức thấp nhất có thể, đã đối trừ cả tiền công phá dỡ, chỉ tính nguyên tiền thu về.
|
Ụ nổi 83M. |
Tuy nhiên, vì Vinalines đã phải đầu tư rất nhiều tiền sửa chữa ụ nổi này nên phương án bán sắt phế liệu “chắc sẽ không tính tới” mà tổng công ty tính chờ thêm cho qua thời điểm khó khăn của ngành hàng hải rồi mới rao bán.
Nếu đúng theo tính toán của đại diện nguyên đơn dân sự, giá trị bán phế liệu của cục sắt cũ nát khổng lồ này còn cao hơn giá trị thực tế Vinalines bỏ ra mua ụ nổi tại Nga 12 tỷ đồng (giá trị thực tế Vinalines bỏ ra mua ụ nổi 83M là 2,3 triệu USD, tương đương 37 tỷ đồng).
Tuy nhiên, dù chưa có thông tin đối chứng về giá sắt phế liệu tàu thuyền nhưng thực tế, giá sắt phế liệu được mua bán trên thị trường hiện nay chỉ vài nghìn tới hơn 10.000 đồng/kg.
Lãi... vẫn không đủ bù khoản ngốn tiền "nằm bờ"
Cũng theo trình bày của đại diện Vinalines – nguyên đơn dân sự trong vụ án, chi phí hàng tháng cho ụ nổi này đang giảm đi. Theo tài liệu Vinalines nộp cho tòa, mỗi tháng ụ nổi 83M ngốn khoảng 1,1 tỷ đồng cho tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ. Tuy nhiên, do nguồn tài chính đã cạn kiệt, gần đây đơn vị quản lý bến bãi neo đậu, bảo vệ phòng tránh sự cố đã thông báo cắt hợp đồng bảo vệ. Chi phí neo đậu, theo đó chỉ còn khoảng 600 – 800 triệu đồng/tháng.
Ngày 28/5/2008, ụ nổi 83M được vận chuyển từ cảng Nakhodka (Liên bang Nga) về Việt Nam bằng tàu nâng nặng của công ty Dock Wisi (Hà Lan). Ngày 6/6/2008, ụ nổi này được đưa về cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và được Chi cục hải quan Vân Phong Cục hải quan Khánh Hòa làm thủ tục thông quan, nhập khẩu. Sau đó, ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD tiếp tục được kéo về sông Thị Vải neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Long An. Hiện ụ nổi này vẫn còn nằm phơi nắng phơi mưa tại cảng Gò Dầu B từ sau khi vụ việc tham ô của Dương Chí Dũng và đồng bọn bị vỡ lở.
Đại diện cảng Gò Dầu B (thuộc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai) cho biết: “Ụ nổi 83M được đưa về cảng cách đây khoảng năm năm. Trước đó, phía Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines hợp đồng với Công ty Dịch vụ hàng hải Đồng Nai để thuê bến phao tại cảng, đồng thời thuê tàu lai trực cảnh giới nhưng đến nay giữa hai bên đã chấm dứt hợp đồng”.
Theo cảng Gò Dầu B, ụ bỏ xó, thiếu người trông coi, dây neo bị mục, dễ dẫn đến đứt dây neo và trôi dạt, nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải rất lớn. Phía cảng nhiều lần gửi công văn cho Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines để nhắc nhở nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất cứ động tĩnh nào về việc sửa chữa ụ nổi.
“Công ty có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng hải VN di dời ụ 83M ra khỏi cảng Gò Dầu B nhưng đến nay họ không trả lời. Họ chỉ nói ụ này đang là tang vật của vụ án nên chưa thể di dời”, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho biết.
Theo bà Mai, ụ này nằm ở cảng nhiều năm, gây thiệt hại cho cảng rất nhiều. Nơi ụ đang neo đậu nằm sát bến tàu, khiến cảng không thể khai thác được vùng nước và đảm bảo an toàn hàng hải.
Tham dự phiên tòa xét xử nhóm bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm với tư cách là bị hại, ông Lê Triêu Thanh, đại diện Vinalines cho biết, chi phí bảo vệ, trông coi, đảm bảo an toàn cho ụ nổi 83M tại cảng Gò Dầu B hiện tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Còn tổng số tiền chi phí thì ông Thanh nói chưa tính được. Ông Thanh cũng cho biết thêm, hiện đã báo cáo thực trạng của ụ nổi cho cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, các phương án sửa chữa, khai thác ụ nổi không còn khả thi. “Chúng tôi đang xin phép thanh lý để giảm thiệt hại, những chưa được cho phép”, ông Thanh nói thêm.
Như vậy, nếu chi phí bảo vệ, trông coi, đảm bảo an toàn cho ụ nổi 83M tại cảng Gò Dầu B hiện tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng/tháng, tương đương 12 tỷ đồng/năm, thì từ khi neo đậu ở cảng Gò Dầu B là khoảng giữa năm 2008 đến nay là tròn 6 năm, ụ nổi này đã tiêu tốn hết 72 tỷ đồng tiền chi phí nằm bờ. Vậy, ụ nổi này nếu có được phá dỡ ra để bán sắt vụn với cái giá không thể tin được 70.000 đồng/kg như vị đại diện Vinalines nói ở trên thì tiền lời cũng chỉ thu về khoảng 12 tỷ đồng, không đủ bù cho chi phí trông coi, bảo vệ ụ nổi trong từng ấy năm. Và ở đây cũng xin nhắc rõ: nếu tính cả giá trị mua thực tế thì... quả là cục sắt đang ngốn quá nhiều tiền!