Trong khi câu chuyện giàn khoan đang khiến dư luận trong nước và quốc tế ồn ào, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hành động phi pháp khác, như: động thổ cho xây dựng trường học và các công trình trên đảo “Vĩnh Hưng” (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam); hay tiếp tục kéo thêm 4 giàn khoan vào Biển Đông... Điều này càng cho thấy rõ dã tâm cụ thể hóa âm mưu ấp ủ nhiều năm của láng giềng, mà giới học giả Việt Nam đã nhìn thấu từ lâu. Chuyên mục Cafe đầu tuần này của Kiến Thức là cuộc trao đổi, đối thoại của nhiều tri thức về vấn đề này.
GS Trần Ngọc Vương: Đằng sau chuyện giàn khoan chứa những âm mưu khủng khiếp!
Là một chuyên gia văn học Trung đại tại Việt Nam, vì công việc chuyên môn, GS Trần Ngọc Vương bắt tay nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa Trung Quốc hơn 40 năm. GS Trần Ngọc Vương nhiều lần khẳng định: Mục tiêu của Trung Quốc không phải là giàn khoan. Mục tiêu của Trung Quốc là chứng minh sức mạnh mình là một đế chế biển. Và Trung Quốc lần này bằng mọi cách muốn trổ một lối ra Thái Bình Dương.
|
GS Trần Ngọc Vương, người nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trung Quốc hơn 40 năm. |
Từ thế kỷ 15, 16 trở lại đây, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các cường quốc tư bản chủ nghĩa trở thành đế quốc chủ nghĩa lớn lên được là nhờ biển. Các đế chế hình thành được trong thời đại tư bản chủ nghĩa, đế quốc chủ nghĩa đều là đế chế biển. Nhưng, truyền thống của Trung Quốc mấy nghìn năm qua là đế chế lục địa.
Bởi thế, cần lưu ý, chúng ta cứ ồn ào về giàn khoan, không biết chừng Trung Quốc sẽ lẳng lặng làm nhiều việc trên lãnh thổ của chúng ta. Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ chỉ làm ầm lên câu chuyện này chừng một tháng nữa. Những chuyện trước mắt có ý nghĩa thực, nhưng đằng sau nó chứa những âm mưu khủng khiếp hơn rất nhiều.
Tướng Lê Mã Lương: Điểm nhắm đến của Trung Quốc là eo biển Malaca
Năm 1988 Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma và một số bãi đá trên quần đảo Hoàng Sa. Tại sao Trung Quốc bằng mọi cách chiếm đảo này? Bởi Gạc Ma là một cái đinh, một điểm chốt, mà muốn ra biển Đông, muốn ra Hoàng Sa, từ Gạc Ma có thể đi đến những đảo khác. Mất Gạc Ma, chúng ta muốn ra Hoàng Sa phải đi đường vòng.
|
Tướng Lê Mã Lương. |
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điểm nhắm đến của Trung Quốc là eo biển Malaca, chứ không đơn giản là một số hòn đảo, quần đảo như chúng ta thấy trên thực địa hiện nay. Nhưng có cách nào chống lại âm mưu đó không? Tôi cho rằng có nhiều cách. Chỉ cần các nước Asean đoàn kết lại, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trên biển Đông. Nếu hình thành được trục Mỹ - Nhật và Việt Nam - Philipines thì Trung Quốc không thể tung tác trên Biển Đông.
GS Nguyễn Trung: Đã đến lúc phải dấn thân
|
GS Nguyễn Trung. |
Việc bảo vệ độc lập chủ quyền chưa bao giờ đặt ra cấp thiết như hiện tại. Nhưng tôi muốn chúng ta hiểu thấu đáo rằng, việc bảo vệ độc lập chủ quyền chúng ta cần phải dấn thân, chứ không thể trông chờ vào một người bạn láng giềng nào. Chúng ta trước hết phải giữ nhà mới tạo ra được sự ủng hộ của các lực lượng bên ngoài.
Lúc này, chúng ta phải thấy rõ ý đồ bá quyền của Trung Quốc, phải thấy rõ nguy cơ của dân tộc. Từ đó xác định những bước đi chính xác và cương quyết!