Trẻ mồ côi ở chùa được bảo vệ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Người nào đến xin nhận con ruột cũng phải xét nghiệm ADN đầy đủ...; nhận con nuôi nhà chùa cũng phải rất cẩn thận xem có đáng tin mới dám cho nhận"

Trưa ngày 21/4, bé Hoàng Duy (3 tháng tuổi, đang được nuôi dưỡng ở chùa Bửu Trì ở đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã bị bắt cóc; khiến nhiều người lo ngại.
Để hiểu rõ hơn về công tác an ninh ở các chùa trong Hà Nội, PV Báo Kiến Thức thị sát chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên và chùa Thái Ân, xã Tam Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội - nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ sơ sinh mồ côi.
Khu vực nuôi dưỡng các cháu nhỏ ở chùa Bồ Đề.
Điểm chung dễ thấy ở hai chùa kể trên là có rất nhiều người đến làm từ thiện, vui chơi với các cháu... không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả người nước ngoài.
Nhiều người nước ngoài tích cực làm từ thiện ở Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Bích (người trông giữ trẻ sơ sinh ở chùa Bồ Đề) chia sẻ: “Công tác quản lý ở chùa rất nghiêm ngặt, làm sao mà bắt được. Khi có người vào thăm nom nhiều lúc mình không kiểm soát được hết, nhưng mình luôn để ý cặn kẽ đến các cháu. Ở đây cứ 3 người trông khoảng 16 trẻ, người này giúp người kia bế các cháu, quan sát người ngoài vào. Nếu để người ngoài bế các cháu thì mình phải để ý không rời mắt.
Ở chùa này, từng có lần khách vào chơi, bế trẻ đi chơi xong rồi đi luôn. Chính vì vậy, chúng tôi rút kinh nghiệm, không để cho khách bế các cháu ra khỏi khu vực chùa cũng như khu vực chăm nom các cháu. Mấy lần trước các cháu bị bắt cóc nhưng công an và nhà chùa phối hợp tìm được trẻ bị bắt cóc mang về chùa. Nói chung công tác trông giữ trẻ ở đây khá tốt”, bà Bích khẳng định.
Nói về công tác bảo vệ, Trụ trì chùa Bồ Đề - Sư thầy Đàm Lan cho biết: “Công tác an ninh của chùa rất tốt, xung quanh chùa đã có 3 người bảo vệ an ninh, lúc nào cũng cảnh giác cao rất cao.
Trước đây, trong chùa từng xảy ra việc bắt cóc trẻ em nhưng bọn chúng không thoát được. Mình gọi công an đến bắt và dọa cho nó sợ. Hiện giờ, các thầy trong chùa chia ra từng bộ phận, từng khu thay nhau quản lý, luôn đề cao cảnh giác để đảm bảo an toàn”.
Khu vực chăm sóc trẻ nhỏ ở chùa Bồ Đề.
Còn ở chùa Thái Ân, xã Tam Hưng, người trông trẻ em Nhất Tâm cho biết: "Em thường xuyên để ý, không rời mắt các em nhỏ đặc biệt khi có người lạ tới. Lý do là sợ họ bắt cóc mất các em".
Nhất Tâm (áo nâu) trao đổi với phóng viên
Trụ trì Thích Đàm Thảo cho biết: "Nhà chùa đã đề phòng ngay từ cháu đầu tiên rồi. Không bao giờ chùa không có người trông cả. Kể cả người ngoài vào đây nhận trông hộ cũng phải là người thân quen mới dám cho trông. Khi tôi đi vắng, tôi phải nhờ mấy người thân trong làng gần chùa tới trông trẻ mới yên tâm đi công tác.
Người nào đến nhận con ruột cũng phải xét nghiệm ADN đầy đủ, xem có đúng là cha mẹ ruột hay không và nhận con nuôi nhà chùa cũng phải rất cẩn thận xem có đáng tin mới dám cho nhận".
Chùa Thái Ân, huyện Thanh Oai, nơi nuôi các trẻ mồ côi.
Nói về vấn đề an ninh tại chùa, Đại úy Đinh Xuân Hiếu, cảnh sát khu vực chùa Bồ Đề, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi là người trực tiếp quản lý chùa Bồ Đề. Từ năm 2010, khi chuyển công tác về đây, khi đó tôi nhận thấy chùa Bồ Đề có khá nhiều lỗ hỏng, tiềm ẩn nhiều thứ nguy hiểm. Chùa như là một xã hội thu nhỏ. Tuy nhiên, đến lúc này, công tác quản lý ở đây, đặc biệt là bảo vệ các cháu nhỏ đã khá chặt chẽ và ổn định hơn so với trước”.
Đại úy Hiếu phân tích: “Trong chùa Bồ Đề rất phức tạp, có 6 dạng người như trẻ mồ côi; trẻ em bị bỏ rơi; người già neo đơn khó khăn không nơi nương tựa; người trông giữ trẻ; các tăng ni; ngoài ra là những khách thập phương tới thăm chùa, nên rất phúc tạp.
Năm ngoái, chúng tôi đã bắt giữ một vụ bắt cóc trẻ em trong chùa. Hiểu rõ về tình hình phức tạp của chùa Bồ Đề - Trụ trì Đàm Lan đã tích cực phối hợp với chúng tôi hơn.
Việc nhận trẻ em, người già là việc của nhà chùa, chúng tôi không can thiệp, chúng tôi chỉ làm tốt, làm nghiêm công tác quản lý. Phía công an chúng tôi, làm tương đối chặt, khai thác, kiểm tra, xác minh hồ sơ của cả những người già, nhất là cả đối với người trông giữ trẻ vì lo ngại người trông trẻ ở đây móc ngoặc với những kẻ xấu để bắt cóc trẻ em.
Đôi lúc có biện pháp răn đe, thường xuyên làm việc trực tiếp với chùa, với người giúp việc trong chùa và yêu cầu bảo vệ những trường hợp đưa trẻ đi ra khỏi chùa, đặc biệt là những người bế trẻ nhỏ ra khỏi chùa thì phải có sự đồng ý của trụ trì.
Ít nhất 1 tuần tôi phải vào đấy 1 lần để thăm hỏi, kiểm tra công tác an ninh của chùa. Công tác tuyên truyền về bắc cóc trẻ em cũng thường xuyên được thực hiện. Những lúc chùa có giỗ, lễ là điều kiện để kẻ xấu bắt cóc trẻ em trong chùa. Khi đó chúng tôi phải có công tác đảm bảo an ninh cho chùa.
Đại úy Đinh Xuân Hiếu khẳng định an ninh tại chùa Bồ Đề được cải thiện nhiều.
Còn ông Nguyễn Bá Mỹ - Trưởng công an xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: "Công tác bảo vệ các cháu nhỏ ở chùa chúng tôi thường xuyên tuyên truyền. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn vận động các ban ngành vào cuộc bảo vệ các cháu.
Chính vì vậy, đến lúc này trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng bắt cóc các cháu nhỏ ở chùa. Không phải khi có thông tin cháu nhỏ bị bắt cóc ở chùa trong miền Nam, chúng tôi mới tuyên truyền bảo vệ mà có từ lâu rồi".
Tiến Dũng - Trà Đức

Bình luận(0)