Liên quan xe đầu kéo siêu “khủng” biển số 51C-17899 kéo theo rơmooc biển số 51R-05797 chở trạm biến áp hơn trăm tấn của Điện lực TP HCM do Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ XNK Anh Phương chịu trách vận chuyển, đã lưu thông thoát qua hàng loạt trạm cân từ Hà Nội vào đến Bình Thuận... mới bị phát hiện, lập biên bản. Hiện, dư luận có nhiều luồng ý kiến băn khoăn tại sao xe siêu trọng trên có thể lọt qua hàng loạt trạm cân, trường hợp xe có giấy phép lưu hành đặc biệt thì sẽ xử lý như thế nào? Chủ xe - công ty chịu trách nhiệm vận chuyển Anh Phương hay chủ hàng - Tổng công ty Điện lực TP HCM phải chịu trách nhiệm gì?
|
Xe siêu trọng chở máy biến áp hàng trăm tấn qua mặt nhiều lực lượng chức năng. |
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Cao Sang, văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật.
Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết, theo quy định tại Điều 76, Luật Giao thông đường bộ quy định về việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng: 1.Hàng siêu trường, siêu trọng là hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời ra được; 2. Việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải sử dụng xe vận tải phù hợp với loại hàng và phải có giấy phép sử dụng đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; 3. Xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải chạy với tốc độ quy định trong giấy phép và phải có báo hiệu kích thước của hàng, trường hợp cần thiết phải bố trí người chỉ dẫn giao thông để bảo đảm an toàn giao thông; 4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Như vậy, máy biến áp này là mặt hàng có kích thước và trọng lượng vượt quá giới hạn quy định nhưng không thể tháo rời ra.
Theo như thông tin mà các bài báo cung cấp thì khi vận chuyển máy biến áp này đã được cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt do Cục Quản lý đường bộ 4 cấp cho chiếc xe này với nội dung xe đầu kéo có tải trọng 14 tấn, rơmooc 38 tấn và chỉ chở tối đa 41,7 tấn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định: “Thực chất máy biến áp đã qua sử dụng này chỉ còn là khung máy nặng hơn 60 tấn; các thiết bị, chi tiết khác đã được tháo rời, đóng kiện vận chuyển riêng. Do khung máy này nguyên chiếc không thể tháo rời để hạ tải được và hoàn toàn không nặng hpn trăm tấn như những thông tin trong nhiều ngày qua”.
Luật sư Hoàng Cao Sang nhìn nhận: “Nếu đúng như lời ông Anh nói thì chiếc xe này đã chở quá trọng tải cho phép được cấp là 18,3 tấn, do đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 25 Nghị định 171/2013 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đồng bộ đường sắt, ngoài việc phạt tiền thì người điều khiển xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”, Luật sư Sang cho biết.
Cụ thể, Điều 25. Xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định;
b) Không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng theo quy định;
b) Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng, kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng;
b) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng.
4. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này nếu gây hư hại cầu, đường còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Việc ông Nguyễn Hoàng Anh, người đại diện của công ty vận tải Anh Phương cho biết: "Do tài xế có kinh nghiệm đối phó tìm cách trốn tránh. Khi nghe báo phía trước có lực lượng TTGT, CSGT thì tài xế tìm cây xăng, quán cơm ẩn núp; lúc lực lượng rút, thay ca hoặc ban đêm thì tìm đường vòng chạy tránh”, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, lái xe siêu tải tránh trốn tránh lực lượng chức năng thì liệu có bị xử lý và nếu bị xử lý sẽ xử phạt ra sao?
Về vấn đề này, Luật sư Sang cho biết, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, thì người điều khiển xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các lỗi khác trong quá trình vận chuyển máy biến áp này trên đường như chạy quá tốc độ cho phép, lái xe không có giấy phép lái xe, có giấy phép lưu hành nhưng giấy phép đã hết hạn, dừng đỗ xe không đúng vị trí... Tùy từng lỗi vi phạm mà người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào Luật giao thông đường bộ, Nghị định 171/ 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt để lập biên bản và ra quyết định xử phạt cho đúng quy định của pháp luật.
|
Luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật. |
Về trách nhiệm của chủ hàng khi lái xe chở quá tải vi phạm luật giao thông đường bộ, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng nên xem xét trách nhiệm của chủ xe và cả chủ hàng. Bởi chính chủ hàng đã tạo áp lực để lái xe biết là phạm luật nhưng vẫn phải chở quá tải và tìm cách trốn tránh lực lượng chức năng.
Nhận định về vụ việc trên, Thượng tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm CSGT Ba Hàng, Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, việc xe quá tải, xe siêu tải vượt mặt cơ quan chức năng hàng trăm km như trên lỗi một phần là do giải quyết, xử lý từ ngọn như việc đặt trạm cân lưu động.
“Việc xe chở đúng tải sẽ mang lại nhiều lợi ích như công trình giao thông không xuống cấp, tuổi bền của phương tiện được nâng lên, quá trình vận hành xử lý khi điều khiển phương tiện sẽ an toàn, giảm tai nạn giao thông. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, trong điều kiện chưa thể hạ tải, muốn làm triệt để phải xử lý tận gốc, tại nơi bốc xếp hàng. Bộ GTVT cần có văn bản chính thống đề nghị chủ xe, lái xe phải xếp hàng hóa đúng trọng tải xe từ nơi lấy hàng. Giải quyết từ gốc thì sẽ không còn tình trạng xe quá tải lách luật để lưu thông”, Thượng tá Phạm Văn Lưu nhìn nhận.