Tại sao Việt Nam chưa kiện Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Việt Nam chắc chắn thắng kiện Trung Quốc nhưng thắng lợi chỉ mang ý nghĩa chính trị, công lý chứ không cưỡng chế, buộc họ phải đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa nước ta...”.

 Với hành vi ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và gia tăng gây hấn ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế.
Để làm rõ nguyên nhân Việt Nam chưa khởi kiện hành vi đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Hà Nội.
- Thưa luật sư, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, buộc Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Luật biển và tòa án Công lý quốc tế, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý chứng minh vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan là đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là sai trái. Nếu kiện Trung Quốc, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng bởi chúng ta có lẽ phải, có sự ủng hộ của quốc tế.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế là cần thiết; thể hiện chúng ta là nước tôn trọng và hành xử theo luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Khởi kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế, chúng ta sẽ có cơ hội chứng minh cho thế giới biết chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp đấu tranh pháp lý, tránh đối đầu về quân sự, thể hiện tinh thần hòa bình. Chúng ta sẽ thắng bởi chúng ta có chính nghĩa.
- Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động gây hấn nhưng Việt Nam vẫn chưa kiện, vì sao lại thế thưa luật sư?
Việc khởi kiện một quốc gia khác vi phạm luật Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ra toà án quốc tế là một việc làm khó khăn và hết sức mất công sức, thời gian. Việc trước tiên là phải được các cơ quan đứng đầu Quốc gia đồng ý như Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ chính trị... Tất cả đồng thuận là khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về luật biển.
Sau đó, Bộ ngoại giao phải kết hợp với các Bộ , các địa phương thu thập tài liệu chứng cứ liên quan (như Philippines đến nay hồ sơ đã lên trên 4.000 tập rồi) là một việc làm chuyên nghiệp, chuyên sâu và rất mất công, mất thời gian, còn việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam mới có hơn chục ngày thì làm sao kịp được. Nói tóm lại, ta chỉ tiến hành khởi kiện khi không còn biện pháp nào nữa và đi kèm là thời gian để chuẩn bị rất công phu rất lâu.
- Dù chúng ta có đủ căn cứ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến dè dặt như kiện Trung Quốc sẽ rất khó vì ràng buộc nhiều yếu tố theo điều 74, Trung Quốc có chân trong HĐBA sẽ phủ quyết, Trung Quốc sẽ không chấp nhận thẩm quyền của tòa án, không chấp nhận đưa ra tòa án Luật biển, những quan ngại đó có phải là lý do để chúng ta chưa khởi kiện?
Việc lo ngại đến những phiền toái bất lợi là có, nên việc quyết định có khởi kiện hay không là một việc làm hết sức thận trọng. Việc ta thắng kiện Trung Quốc là có nhiều cơ sở chứng lý chắc chắn, nhưng thắng lợi chỉ mang ý nghĩa chính trị, công lý chứ không có cơ sở cưỡng chế Trung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa nước ta.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến. 
- Trung Quốc lấy Hoàng Sa làm “một đảo có người ở” để giành vùng đặc quyền kinh tế 200 km, để tự vỗ ngực “TQ có đủ bằng chứng để chứng minh quyền chủ quyền, quyền tài phán” là một toan tính chủ quan. Trung Quốc cậy thế nước lớn, dùng tàu quân sự làm càn, nhưng thực tế rất sợ bị kiện vì khi đó sẽ rất bẽ mặt. Đây chính là “gót chân Asin” của họ trên mặt trận pháp lý. Trung Quốc rất sợ kiện ra tòa quốc tế về Hoàng Sa vì họ không có gì cả, ngoài cái việc dựng nên chuyện khảo cổ ở Hoàng Sa có dấu tích người của họ nhưng bộ quy tắc Luật Biển có cơ chế phân tích, chứ không dễ dàng đánh lừa tài phán quốc tế. Việc kiện này có thể cắt “gót chân Asin” của Trung Quốc không thưa luật sư?
Theo đánh giá chủ quan của tôi thì nhiều khả năng Chính phủ ta sẽ khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về luật biển. Nếu việc này trở thành hiện thực, phần thắng sẽ nghiêng về phía chúng ta. Lúc đó, Trung Quốc sẽ lộ rõ những cơ sở phi pháp, vô lý mà dựa vào đó, họ thành lập cái gọi là Tam Sa. Đây thực chất là Hoàng Sa của Việt Nam.
Cảm ơn Luật sư về cuộc đối thoại này!

Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên biển Đông hiện nay; song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để “nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Việt Nam đang cân nhắc các phương án để tự vệ, kể cả phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Phát biểu của Thủ tướng được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi chủ quyền trên đất liền, trên biển và trên không là quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc, bất khả xâm phạm đã được nhiều Công ước quốc tế công nhận. Việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) tới vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đường cơ sở của bờ biển nước ta 130 hải lý về phía đông là hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tính từ đường cơ sở) của nước ta mà Luật biển quốc tế năm 1982 quy định. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kiện Trung Quốc ra tòa án Luật Biển và tòa án Công lý Quốc tế nhưng đến thời điểm hiện nay, khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng hoạt động gây hấn trên biển Đông, chúng ta chưa khởi kiện.
Hải Ninh

Bình luận(0)