Sống mòn ở “làng chết”: Người sống “ngồi trên lửa”

Google News

(Kiến Thức) - Những cái chết vì ung thư không ngừng tăng, có gia đình hai – ba người cùng mắc phải khiến người Mỹ Lợi (xã Thành Vinh, Thạch Thành, Thanh Hóa) hoang mang. 

“Cây cổ thụ ngã xuống rồi”
Có chồng và con trai cùng mất vì căn bệnh ung thư, bà Nguyễn Thị Tình hiểu hơn ai hết nỗi bất hạnh do căn bệnh này gây ra. Dù bây giờ, mộ chồng, con đều xanh cỏ, nỗi đau cũng nguôi dần vì bên bà vẫn còn người con dâu thảo hiền, hai đứa cháu nội chăm ngoan song khi nhắc lại chuyện cũ, bà vẫn sụt sùi, nước mắt ngắn dài.
Bà bảo, “trẻ cậy cha, già cậy con”, chồng mất sớm nên bao nhiêu hy vọng bà gửi gắm vào đứa con trai, những mong nương tựa khi về già. Thế mà năm 2012, niềm hy vọng của bà – anh Lê Văn Tới, mới ở tuổi 32 ngã bệnh. Tưởng chỉ ốm thông thường, gia đình nhờ người chở anh đi khám. Kết quả anh bị ung thư gan giai đoạn cuối khiến bà Tình thắt từng khúc ruột. 15 ngày sau thì anh Tới qua đời, nhường lại vị trí trụ cột gia đình cho người vợ mới bước sang tuổi 28.
Nhìn cô con dâu trĩu trịt hai thùng nước xin từ nhà hàng xóm cách đó cả trăm mét về, vì giếng đã cạn nước từ cả tháng nay, bà Tình thở dài: “Người đàn ông trong nhà như cây cổ thụ trên rừng ấy. Cái cây cổ thụ ngã xuống rồi, bão giông có đổ xuống thì cây non, cây yếu phải dựa vào nhau mà sống thôi, mà lấp chỗ cây cổ thụ thôi”.
Bà Tình bên bàn thờ chồng và con trai mất vì bệnh ung thư. 
Mua thịt trâu ăn mừng vì... “bình thường”
Theo TS Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ thực vật thì thuốc DDT khó phân hủy trong lòng đất, thậm chí sau 100 năm nó vẫn còn nguyên vẹn cấu trúc như ban đầu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư. 

 

“Ung thư” đã trở thành nỗi ám ảnh với người Mỹ Lợi. Đến nỗi, “đi đâu, người ta cũng gọi làng tôi là làng ung thư”, ông Trương Thanh Luyến, Phó thôn thở dài ngao ngán.
Dù chưa có kết luận chính thức nào song người Mỹ Lợi vẫn đinh ninh chính thuốc trừ sâu DDT được sử dụng từ hồi lâm trường trồng luồng còn hoạt động là nguyên nhân gây ra ung thư cho dân làng. Bởi “bệnh cũng chỉ bắt đầu xuất hiện từ khoảng giữa những năm 90, khu vực chịu ảnh hưởng nhất nằm ở giữa làng là nơi dân gốc của làng sinh sống”, ông Luyến cho hay. Đã có gia đình sợ quá mà phải chuyển đi nơi khác sinh sống, theo xác nhận của ông Phó thôn. Còn lại, họ vẫn tiếp tục bám lấy mảnh đất này, vì “thứ nhất là không có tiền mua nhà ở nơi khác. Thứ hai là ở đây quen rồi, đi nơi khác chắc gì đã tốt hơn”, ông Doãn Quốc Lầu phân bua.
Chuyện đi khám sức khoẻ cũng được người Mỹ Lợi lưu tâm hơn, dù “khám cũng sợ mà không khám cũng sợ, nhưng thà biết sớm còn hơn biết muộn”, ông Luyến bảo. Thế nên, việc đi khám bệnh mà biết mình khoẻ mạnh thật sự là hạnh phúc với người dân nơi đây.
Ông Luyến thật thà kể: “Năm ngoái, tôi cùng một chú em đi xuống Bệnh viện Đa khoa Thạch Thành khám sức khoẻ. Kết quả là sức khoẻ bình thường, tôi với chú ấy mừng quá nên mua thịt trâu về ăn mừng rồi”.
Lâm trường trồng luồng xưa giờ đã là những vườn mía xanh tốt. 
Thôn nói “đột biến”, xã bảo “không”
Con số thống kê của cán bộ thôn cho thấy, số người chết vì ung thư trong làng ở mức “đột biến”, “đáng kể” – theo cách dùng từ của ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Trường. Thế nhưng, số liệu của Trạm Y tế xã Thành Vinh, tính từ năm 2008 đến nay thì Mỹ Lợi chỉ có 8 người chết vì ung thư trong tổng số 48 trường hợp trên toàn xã.
Ông Phạm Văn Minh, Trưởng trạm khăng khăng: Số người chết vì ung thư ở Mỹ Lợi “không có gì đột biến”, là “hoàn toàn bình thường”, “so với ngoài này (các thôn khác - PV) thì chết ung thư còn nhiều hơn trong đó”. Tuy nhiên, từ ông Bí thư chi bộ Bùi Đăng Kỳ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Trường đến Phó thôn Trương Thanh Luyến đều bác bỏ khi cho rằng, con số thống kê của xã mới tính từ năm 2008. Còn rất nhiều trường hợp chết vì ung thư trước đó lại chưa được tính vào. Và con số đó chắc chắn lớn hơn nhiều. Hỏi chuyện những người dân Mỹ Lợi, họ cũng xác nhận rằng số người chết vì ung thư trong thôn chắc chắn không dưới chục người.
Như để tăng sự thuyết phục cho lời nói của mình, ông Kỳ đã dùng đến số năm tham gia công tác như một bảo chứng: Tôi có 14 – 15 năm làm Bí thư chi bộ. Chuyện trong thôn có số người chết vì ung thư nhiều là đúng. Ngay cả gia đình tôi có anh trai và em trai lần lượt mất vào năm 2004, 2005 khi mới 41 và 31 tuổi. Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên xã từ khoảng năm 2002 – 2003 phản ánh về tình trạng dân làng bị ung thư rồi. 
 Ông Phạm Văn Minh, Trưởng trạm Y tế xã cho rằng số người chết vì ung thư ở Mỹ Lợi là “hoàn toàn bình thường”.
“Chỉ biết cầu trời”
Tôi đem câu chuyện thôn Mỹ Lợi có nhiều người chết vì ung thư lên gặp ông Hoàng Anh Xuân, Chủ tịch UBND xã để xác minh. Ông Xuân xác nhận chuyện người ta đồn thổi “làng ung thư” là có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân bị ung thư có phải do thuốc DDT tồn dư hay không thì cần phải điều tra, nghiên cứu thêm.
Đoạn, ông giở cho tôi xem kết quả phân tích chất lượng môi trường tại khu vực thôn Mỹ Lợi của Sở Tài nguyên & Môi trường (ngày 27/1/2014). Theo đó, trong tổng số 4 mẫu đất được kiểm tra thì hàm lượng DDT vượt quy chuẩn cho phép (QCCP) từ 7 – 44 lần; Endosulfan (thuốc trừ sâu có độc tính cao, có thể gây chết người nếu thấm vào da hay đi vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa) vượt từ 2,3 – 4 lần; Aldrin vượt 2 – 2,6 lần; Lindane vượt hơn 2 lần (các thuốc này nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng ở Việt Nam). 
Báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ rõ, “mặc dù các chỉ tiêu thuốc trừ sâu DDT, Lindane, Endosulfan đều vượt QCCP, song cũng chưa thể khẳng định việc gây bệnh ung thư là do khu vực này nghi nhiễm hóa chất thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trước đây. Việc kết luận nguyên nhân gây ung thư đối với người dân thôn Mỹ Lợi đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cơ quan y tế và các ngành chức năng liên quan”.
Ông Xuân tiết lộ, đã có cán bộ của Sở Y tế về địa phương làm việc. Chính quyền xã cũng đang triển khai đề nghị các cấp cao hơn có giải pháp nhằm hạn chế tác hại của những chất trên. Và trong khi chờ các cơ quan chức năng, chuyên môn đưa ra được kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ung thư ở Mỹ Lợi thì những người như bà Tình, ông Lầu, ông Luyến, ông Kỳ cùng hàng chục người dân Mỹ Lợi đang mòn mỏi sống trong nỗi thấp thỏm, sợ hãi, chờ đợi và hy vọng. 
Bà Tình hỏi tôi như động viên chính mình: “Chắc Nhà nước cũng có thuốc để xử lý đất ô nhiễm ở làng chứ cô?”. Còn ông Luyến, tay đu nhẹ chiếc võng ru đứa cháu nội hơn 5 tháng tuổi và ước ao: “Giờ tôi già rồi, có thế nào cũng chịu. Nhưng con cháu tôi còn trẻ, sống mãi ở đất này cũng lo lắm. Chỉ còn biết cầu trời để chúng bình an thôi”.
“Có nhiều phương pháp để xử lý DDT như đốt, thủy phân, trộn phân chuồng, chôn lấp, trồng các loại cây như bí đỏ nhưng chúng tôi không dám phổ biến vì rất nguy hiểm nếu sử dụng làm thực phẩm. Ở ta hiện dùng phương pháp chôn lấp và đốt, tuy nhiên chi phí rất tốn kém. Chúng tôi tham gia xử lý 2 kho DDT ở Bắc Ninh phải cần đến 19 – 20 tỷ đồng”.
TS Nguyễn Thị Nhung 
Thanh Thủy

Bình luận(0)