Những cái chết không đợi... già
Thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, Thạch Thành, Thanh Hóa nằm khuất sau cánh đồng mía bạt ngàn đang chờ thu hoạch. Cơn mưa phùn rả rích đủ làm con đường đất dẫn vào thôn nhầy nhụa, phải khéo léo lắm người bạn đồng hành của tôi mới điều khiển được chiếc xe máy không bị trượt ngã. Những ngôi nhà lúp xúp ẩn mình giữa màu xanh ngút ngát của mía, của ngô gợi lên cảm giác yên bình. Thế nhưng, dưới những mái nhà ấy là sự bất an, lo lắng căn bệnh ung thư tai ác sẽ ập xuống bất cứ lúc nào.
Ngôi nhà của ông Trương Thanh Luyến, Phó thôn nằm ở cuối làng. Với hơn 3 năm làm cán bộ nhưng đã gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ, chứng kiến thăng trầm của làng, ông Luyến hiểu rõ về nơi này như chính đường chỉ trong lòng bàn tay - theo lời ông tự nhận.
Ông cho biết, gần 700 nhân khẩu của làng sống dựa vào cây mía là chính. Mấy năm trước, làm mía còn có lãi. Gần đây, giá phân bón, giá thuê nhân công tăng cao, thành ra khi hạch toán kinh phí sau mỗi vụ thu hoạch mà "hòa vốn đã là may". Dù cây mía đã không còn là "cứu tinh" cho vùng đất nghèo này nhưng người Mỹ Lợi vẫn "chưa có ý định từ bỏ nó", ông Luyến xác nhận.
Cả thôn hiện còn 63 hộ nghèo trong tổng số 149 hộ, chiếm chừng 40%. Tuy nhiên, điều người Mỹ Lợi lo lắng hơn cả không phải ở chuyện lo đủ cơm ăn ngày ba bữa mà là những "án tử" từ căn bệnh ung thư có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Các nhà khoa học thì bảo ung thư chưa phải là hết, nhưng dường như nó chỉ ứng với người giàu, hoặc chí ít là với những người may mắn được phát hiện sớm.
Còn với người Mỹ Lợi, nếu đã cầm trên tay kết quả khám sức khoẻ có gắn chữ "K" (ung thư) thì cũng đồng nghĩa với "án tử" đã cận kề. Bởi "làm gì có tiền mà đi khám sức khoẻ định kỳ. Chỉ khi nào đau quá không chịu nổi, vào bệnh viện khám thì đã là giai đoạn cuối, bị bệnh viện trả về. Người may mắn thì trụ được cả năm. Có người từ lúc biết kết quả đến lúc mất chỉ có chừng hai tuần", ông Luyến thở dài.
Bấm đốt ngón tay thống kê số người chết vì ung thư trong làng, ông Luyến nhẩm tính: Bố mẹ ông Tam, hai anh em nhà Thanh Lẹ, bố mẹ ông Hiếu, ông Thực, anh Tới, ông Thiệu Hóa, bà Lan... Chỉ một loáng, số người chết vì ung thư đã lên tới 26. Tuy nhiên, ông Luyến cũng thừa nhận con số đó không phải là cuối cùng vì "tức thời chưa nhớ ra".
Cũng theo ông Luyến, trong số những người chết vì ung thư ấy thì đại đa số trong độ tuổi 30 - 50, như anh Tới mất năm 32 tuổi, anh trai và em trai ông Bí thư chi bộ thôn mất khi mới trên dưới 40...
Những cái chết vì ung thư thì ở đâu cũng có. Nhưng ở Mỹ Lợi, số người chết vì ung thư tăng lên theo các năm nên làng bị gán cho cái tên "làng ung thư" hay "làng chết". Điều đó đủ khiến dân làng hoang mang, sợ sệt. Họ cùng nhau lật lại vấn đề để truy nguyên nguồn cơn của tai họa.
|
Đường vào thôn Mỹ Lợi. |
Bị ung thư vì hậu quả thuốc DDT?
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng thôn Mỹ Lợi thì địa bàn thôn thuộc vườn ươm luồng của Lâm trường Thạch Thành trước đây. Khoảng những năm 1976 - 1978, vườn ươm bùng phát dịch châu chấu ăn lá luồng. Lâm trường phải phun thuốc trừ sâu DDT để trừ dịch. Ông Luyến xác nhận: Hồi ấy, người ta dùng những chiếc máy có thể phun thuốc lên tận ngọn luồng cao chừng 15 - 20m. Khi phun, lá phủ một lớp màu trắng, còn xác châu chấu rơi la liệt. Thời điểm ấy, loại thuốc này vẫn được coi là hữu hiệu để diệt trừ sâu bọ, côn trùng phá hoại cây trồng. Sau này, nhận ra tác hại của nó thì người ta cũng hạn chế sử dụng dần.
Khoảng cuối những năm 80, lâm trường giải thể. Người dân lên vườn ươm san đất để trồng ngô, trồng sắn rồi dựng nhà dựng cửa, lập khu đầu làng và cuối làng. Còn khu giữa làng là những gia đình sống ở đó lâu năm. "Có thông tin cho rằng trước khi giải thể, công nhân lâm trường đã chôn thuốc trừ sâu ở khu vực vườn ươm. Nhưng chôn với khối lượng bao nhiêu, ở vị trí nào thì tôi cũng không rõ", ông Luyến tiết lộ.
Việc lâm trường phun thuốc DDT có lẽ sẽ chẳng còn được ai nhắc đến, nếu không có những cái chết vì ung thư bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu những năm 90, lại phân bố tập trung ở khu giữa làng. Người đầu tiên mắc bệnh ung thư - theo trí nhớ của ông Luyến là ông Thiệu. Đến nay, cả thôn đã có ít nhất 26 người chết vì ung thư, theo con số thống kê của ông Phó thôn. Trong đó, nhiều gia đình có tới 2, 3 người chết vì ung thư như bố mẹ ông Hiếu, bố mẹ ông Tam, chồng và con trai bà Nguyễn Thị Tình, ba mẹ con bà Loan... Đến nỗi, ông Tuấn, con trai bà Loan sợ quá đã phải bỏ vào Nam sinh sống, những mong thoát khỏi oan nghiệt ở nơi chôn nhau cắt rốn. Chắp nối các sự việc, lại xem tivi, nghe đài, người Mỹ Lợi tin rằng chính thuốc trừ sâu DDT mà lâm trường từng sử dụng là thủ phạm gây ra căn bệnh tai ác này.
|
Ông Doãn Quốc Lầu bên vị trí bể đào được 7 bịch thuốc trừ sâu. |
Làm vườn, đào được 7 bịch thuốc trừ sâu
Những ca bệnh ung thư ở Mỹ Lợi có liên quan đến thuốc trừ sâu DDT hay không thì cần có sự xác minh của các cơ quan chức năng, chuyên môn. Chuyện lâm trường có chôn mấy chục kg thuốc trừ sâu trước khi giải thể cũng vẫn là một ẩn số. Nhưng việc ông Doãn Quốc Lầu, 52 tuổi, đào được 7 bịch thuốc trừ sâu khi làm vườn thì có thật.
Nơi gia đình ông Lầu sinh sống được cho là nằm trên khu vực xử lý vườn ươm luồng của lâm trường trước đây. Năm 1990, ông Lầu đưa gia đình dọn về sống trên khu đất này rồi làm nhà cửa kiên cố. Chỉ cho tôi xem mép gạch cũ ngăn cách giữa sân nhà với vườn mía, ông Lầu bảo đó là bể chứa thuốc của lâm trường. Ông kể, năm 1990, gia đình ông chuyển về đây. Lúc phá hai cái bể chứa thuốc trừ sâu của lâm trường để lấp đất làm vườn, ông Lầu đã tìm thấy 7 bịch thuốc như bịch muối, màu vàng. "Do sơ ý, tôi làm bục mất một bịch, mùi rất hăng và hôi. Tôi liền đem hết số thuốc này vứt vào trong núi đá", ông nhớ lại.
Hơn hai chục năm đến ở đất này, thế nhưng ông Lầu vẫn chưa thể quen được cái mùi hăng hăng, hôi nồng bốc lên vào những ngày mưa xuống nắng lên. "Mùi y như cái ngày tôi làm bục bịch thuốc. Ngửi vào thấy nhức đầu lắm. Vợ tôi đã phải mất 4 năm để chữa bệnh về đường hô hấp do hít phải thuốc này", ông thở dài.
Thế nhưng, hỏi ông có ý định chuyển đi nơi khác, ông xua tay: "Không ở đây thì còn biết ở đâu được".
(còn nữa)
"Đúng là địa phận thôn Mỹ Lợi thuộc đất lâm trường trước đây. Ngày ấy, lâm trường trồng và ươm luồng. Dịch châu chấu, lâm trường đã phải phun thuốc DDT trừ dịch. Nhưng nói rằng nó có phải nguyên nhân gây ung thư hay không thì còn phải chờ các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, phân tích".
Ông Hoàng Anh Xuân (Chủ tịch UBND xã Thành Vinh)