Sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Những điều chưa tiết lộ

Google News

(Kiến Thức) - “Nếu hôm qua không được giải cứu thì có khả năng hôm nay hầm sẽ bị sập vì nước dâng lên cao... Chỉ cần chậm 1 ngày là chết tất cả".

Chậm 1 ngày nữa là có thể chết cả
Tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Quang (20 tuổi), quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh bình tĩnh kể lại thời gian sống chung với tử thần bên trong hầm thủy điện bị sập.
 Anh Nguyễn Văn Quang
“Nếu hôm qua không được giải cứu ra ngoài, thì có khả năng hôm nay hầm sẽ bị sập vì nước dâng lên cao. Lúc chúng tôi được giải cứu ra ngoài, khoảng 30m hầm bên trong đang có hiện tượng bị sập. Chỉ cần chậm 1 ngày nữa thôi là có thể tất cả mọi người khó có ai sống sót khi đường hầm bị sập” – anh Quang nói.
Cũng theo anh Quang, sau khi kết nối được với bên ngoài bằng một đường ống nhỏ, cứ mỗi lần nghe tiếng hú thì mọi người bên trong lại thay phiên nhau cầm mũ lội qua nước sang hứng cháo, nước uống. Trước sự sống và cái chết, mọi người trong hầm đều rất đoàn kết, không còn e ngại gì nữa, mọi hoạt động vệ sinh của mỗi người được thực hiện một cách tự nhiên kề đó.
 Khoảnh khắc nạn nhân được giải cứu
Đến thời điểm này, sức khỏe anh Quang đã bình phục gần như hoàn toàn nhưng vẫn còn một vết thương trên đầu. Anh Quang dí dỏm nói, mong chỗ đó (chỗ bị thương) để lại một vết sẹo thật to mà nhớ cái vụ tai nạn kinh hoàng này đến hết đời. Vết sẹo trên đầu là hậu quả của việc quá mệt mỏi, ngủ gục rồi bị rơi từ trên xe bơm bê tông xuống lòng hầm ở độ cao 2m. “Xe bơm bê tông rộng khoảng 1m, dài chưa đầy 2m nhưng có tới 12 người ngồi, trong lúc quá mệt mỏi tôi đã ngủ gục rồi rơi xuống đất”.
Giây phút hoảng loạn trong đường hầm
Vào tối ngày thứ 3 bị mắt kẹt trong đường hầm, trong lúc tất cả mọi người tinh thần đền hết sức bế tắc, một sự cố tiếp tục ập đến đó là anh Hoàng Đình Thịnh (18 tuổi), quê Nam Định lại lên cơn hen suyễn do thiếu ô xy.
Anh Quang cho biết, lúc tất cả mọi người đang thu mình trên chiếc xe bơm bê tông trong sự tuyệt vong, anh Thịnh vội vã lội nước tới ống thông khí áp miệng vào ngửi rồi hét lớn, trông rất hoảng loạn làm tăng thêm sự hoang mang tột cùng trong các nạn nhân.
 Anh Hoàng Đình Thịnh
Tiếp đó, anh Thịnh bọt mép, nước miệng chảy ra thành dòng, sức khỏe cạn kiệt nhanh chóng. Biết có chuyện chẳng lành, mọi người liền vượt nước lao tới đỡ anh Thịnh. Lập tức anh Phạm Viết Nam (38 tuổi), quê Nghệ An áp miệng vào ống sắt hét lớn “bơm ô xy vào, gấp lắm!...”. Ít phút sau khí ô xy được đẩy vào, anh Thịnh được dìu đứng ngay ống để hít khí ô xy.
Khoảng vài chục phút sau, sức khỏe anh Thịnh trở lại bình thường.
Khoảnh khắc biết mình sẽ sống
Anh Nguyễn Văn Quang kể lúc tiếp cận với lực lượng bên ngoài là khoảnh khắc hạnh phúc nhất từ trước tới nay mà tất cả mọi người chưa bao giờ có. Như thường lệ, khi mọi người bên trong cứ nghe tiếng bên ngoài hú thì lại thay phiên nhau cầm mũ ra hứng cháo, hoặc nước uống.
 Tăng cường cung cấp ô xy cho nạn nhân khi vừa đưa ra khỏi hầm
“Lúc đó anh Tuấn cầm mũ bơi ra trước, tôi theo sau, khi ra tới nơi thì phát hiện một lỗ rất nhỏ dưới lòng đất có ánh sáng léo lên, tôi bơi quay lại reo hò thông rồi, ra chân nhanh lên. Mọi người quên hết mệt nhọc, suy nhược cơ thể sau 4 ngày kẹt trong lòng đất lao nhanh ra ngoài. Chúng tôi lần lượt bước xuống một đường hầm nhỏ, ở phía dưới có rất nhiều người mặc áo bộ đội nằm dạt sang một bên cho chúng tôi chui qua. Khi ra đến đường hầm lớn tất cả mọi người được cõng, dìu ra ngoài”.
Anh Quang cũng cho biết, lúc trong hầm sức khỏe mọi người đang rất tốt, có thể tự đi ra nhưng khi được đưa ra khỏi đường hầm, trước cảnh choáng ngợp bởi hàng nghìn người, nhiều máy móc, các lán trại cắm xung quanh mới thấy được công việc giải cứu rất gian nan thì mọi người bị sốc, cơ thể bỗng nhiên lả đi, không bước được nữa.
 Nữ nạn nhân duy nhất đến sáng ngày 20/12 sức khỏe đã ổn định
Bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết, sức khỏe của các nạn nhân đều tiến trên rất tốt, chỉ cần nghỉ ngơi một hai ngày nữa là có thể cho xuất viện. Hiện bệnh viện vẫn đang điều trị cho các nạn nhân bằng một số loại thuốc để ổn định tinh thần, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa một số loại bệnh có thể mác phải khi ở trong lòng đất.
Liên quan đến vụ giải cứu, sáng ngày 20/12, tại TP Đà Lạt, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tủy ủy Lâm Đồng, đã thay mặt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng, trao quà, hoa và 30 triệu đồng cho lực lượng công binh đã bất chấp những nguy hiểm đã giải cứu thành công 12 nạn nhân của vụ sập hầm thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo.
Khắc Lịch

Bình luận(0)