Vụ TNGT sà lan tông sập cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) xảy ra vào lúc 11h35 ngày 20/3 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý đường thủy hiện nay còn lỏng lẻo là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ TNĐT như trên. Bởi đây, không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Trước đó, vào hồi 18h ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 tải trọng trên 3.000 tấn lưu thông trên sông An Thái hướng từ Hải Dương tới Hải Phòng khi đi qua cầu An Thái đã đâm va khiến cây cầu bị nứt gãy dầm, gây nên những thiệt hại nặng nề.
|
Hiện trường vụ sà lan đâm gãy cầu Ghềnh. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá, việc quản lý phương tiện đường thủy hiện nay còn lỏng lẻo cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đường thủy trên.
“Việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh xảy ra trưa ngày 20/3 không phải là vụ tai nạn đường thủy đầu tiên, trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ tương tự. Thực tế, thời gian qua, Bộ GTVT chỉ tập trung nhiều vào đường bộ còn đường thủy chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Có một thực tế trong quá trình quản lý đường thủy hiện nay rất lỏng lẻo như kiểm định phương tiện chưa đầy đủ, người lái tàu, lái sà lan thường chưa có tập huấn sát hạch theo đúng quy định”, ông Bùi Danh Liên nhìn nhận.
Ý kiến của Chủ tịch HHVT Hà Nội đúng thực tế bởi theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, đến hết năm 2015, mới chỉ có 62% phương tiện thuộc diện phải đăng kiểm thực hiện đăng kiểm, còn trên 37% phương tiện thuộc diện đăng kiểm nhưng chưa đến kiểm tra, đăng kiểm theo quy định. Hơn nữa, người tham gia giao thông đường thủy chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm, nhiều trường hợp điều khiển phương tiện không bằng, chứng chỉ chuyên môn...
Theo Chủ tịch HHVT Hà Nội, Bùi Danh Liên, hiện nay hoạt động đường thủy khó quản lý do nhiều phương tiện hoạt động theo kiểu tự do, không có luồng tuyến và các cơ quan chức năng không thể giám sát được lộ trình. Thậm chí người điều khiển phương tiện thủy còn chưa quen luồng lạch tuyến sông.
“Trong các bất cấp trên, trách nhiệm của cá nhân là chủ yếu. Hệ thống cảnh báo đường thủy đã có, thậm chí là đầy đủ nhưng những người điều khiển phương tiện thủy không quan sát”, ông Bùi Danh Liên nhận định.
“Theo tôi, phải quản lý trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải thủy, bởi những chiếc sà lan lớn, tàu lớn gây tai nạn như vừa qua đa số của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, cần xem lại việc quản lý cấp phép đường thủy vì hiện nay việc cấp phép này chưa được chặt chẽ. Ngay cả hệ thống tuần tra, kiểm soát đường thủy hiện nay cũng rất mỏng như khai thác cát trái phép trên sông cũng không ai biết. Những vụ tai nạn trên rõ ràng là bài học lớn trong công tác quản lý phương tiện đường thủy”, ông Bùi Danh Liên cho biết.
|
Nguyên nhân một phần do công tác quản lý phương tiện thủy lỏng lẻo. |
“Điều đáng quan tâm, hiện nay hệ thống văn bản quy đinh pháp luật về đường thủy nội địa là khá đầy đủ nhưng việc quán triệt, phổ biến lại hạn chế như ở ngay Hà Nội với bao nhiêu con sông lớn nhưng chỉ có một phòng vận tải đường thủy lại rất ít người”, ông Liên cho hay.
Theo ông Bùi Danh Liên, để hạn chế các vụ tai nạn đường thủy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tổ chức tập huấn cho những người điều khiển phương tiện thủy.
“Trên đường bộ lái xe mà không có bằng lái thì phạt ngay. Tuy nhiên, việc xử phạt với người điều khiển phương tiện thủy thời gian qua chưa nghiêm khắc nên vẫn xảy ra những vụ tai nạn mà lỗi chủ yếu do người điều khiển phương tiện thủy gây nên”, ông Liên đánh giá.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ GTVT, vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh xảy ra vào lúc 11h35 ngày 20/3/2016. Vào thời điểm đó, tàu kéo sà lan (chưa biết số hiệu) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu. Vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1; sà lan bị lật úp trên sông. Hiện chưa xác định được thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
>>> Clip hiện trường sà lan đâm gãy cầu Ghềnh:
Tại Hải Dương, vào hồi 18h ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 HP 3016 tải trọng gần trên 3.000 tấn lưu thông trên sông An Thái hướng từ Hải Dương tới Hải Phòng khi đi qua cầu An Thái do tàu quá cao trong khi nước thủy triều lên, cabin tàu đã đâm vào cầu. Hậu quả, tàu này đã kẹt cứng dưới dầm giữa của cầu An Thái và khiến một dầm cầu bị nứt gây thiệt hại lớn và làm ảnh hưởng đến quá trình đi lại của người dân. Đến 3h15 ngày 17/3, các cơ quan chức năng mới đưa tàu HP 3016 ra khỏi gầm cầu An Thái.
Ngoài ra, theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2015, toàn quốc xảy ra 91 vụ TNGT đường thủy, làm chết 71 người, bị thương 13 người. So với năm 2014, tăng 28% về số vụ, tăng 20% về số người chết và 44% về số người bị thương.
Đó thực sự là những con số đáng báo động trong việc quản lý phương tiện đường thủy hiện nay.