Clip người chứng kiến kể lại toàn bộ sự việc:
Thực hiện: Thiên Dũng
Liên quan đến vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai khiến nhiều người rơi xuống sông mất tích xảy ra vào trưa nay (20/3). PV Kiến Thức đã tiếp cận được hiện trường vụ việc, đồng thời tìm gặp được người chứng kiến toàn bộ sự việc.
|
Chiếc cầu Ghềnh bị đâm sập nhìn từ xa. Ảnh: Thiên Dũng |
Theo anh Nguyễn Văn Quý (SN 1972, quê Tiền Giang) – thuyền trưởng chiếc tàu kéo sà lan SG 2827 cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chiếc tàu kéo do anh điều khiển đang chạy phía sau chiếc sà lan chở cát gặp nạn chừng 400 mét nên anh đã chứng kiến hết toàn bộ sự việc.
|
Anh Quý (áo xanh) đang thuật lại toàn bộ sự việc. Ảnh: Thiên Dũng |
Theo lời anh Quý, hơn 11h trưa 20/3, anh điều khiển chiếc sà lan lưu thông trên sông Đồng Nai, hướng từ TP HCM về Đồng Nai. Khi còn cách cầu Ghềnh khoảng 500 mét thì bất ngờ chiếc sà lan chạy phía trước anh đâm sập một móng cầu khiến 2 nhịp cầu rơi xuống nước.
“Tàu chúng tôi lúc đó chạy phía sau cách chiếc sà lan gặp nạn khoảng 400 mét thì bất ngờ nghe thấy một tiếng động rất mạnh. Chiếc sà lan bất ngờ đâm sập vào cầu rồi lật úp. Tôi thấy nhiều người trên cầu la hét hoảng loạn rồi sau đó cùng xe máy rơi xuống sông”, anh Quý cho biết.
|
Sau khi đâm sập cầu Ghềnh, chiếc sà lan bị lật úp. Ảnh: Thiên Dũng |
Khi phát hiện sự việc, anh Quý vội cho chiếc tàu kéo của mình tấp vào bờ, neo đậu an toàn rồi cùng một số người dân ở gần đó dùng ghe máy chạy ra phía giữa sông để cứu những người rơi xuống. Tuy nhiên, do nước sông lúc này chảy xiết khiến công tác ứng cứu bất thành.
Nhận tin báo, lực lượng thanh tra giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thủy cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ tỉnh Đồng Nai đã được tăng cường để tìm kiếm các nạn nhân.
Tại hiện trường, hai phía đầu cầu được phong toả nghiêm ngặt trong bán kính rộng. lực lượng dân phòng và cảnh sát khu vực đã dựng thanh chắn, phong tỏa khu vực. Ở đầu cầu Ghềnh phía thành phố Biên Hòa, hàng trăm người dân tụ tập theo dõi công tác cứu hộ.
Các nhân chứng cho biết vụ sập cầu diễn ra rất nhanh. Những người này khi đi đến chân cầu, thì bất ngờ nghe một tiếng ầm ở sau lưng và khi đó, nhịp giữa của cầu bị sập.
|
Ông Trần Văn Tư (đội mũ) - Phó Bí thư tỉnh Đồng Nai cùng ông Phạm Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà chỉ đạo tại hiện trường, Ảnh: Thiên Dũng |
Theo thông tin PV Kiến Thức nắm được, cho tới thời điểm này, các nhân chứng cho biết có ít nhất 4 xe máy và 3 người rớt xuống sông nhưng thoát nạn. Trong số này, có 2 người sau bị rớt xuống, do biết bơi nên không bị chìm và được ghe đánh cá vớt. Còn một phụ nữ rơi ở chỗ cạn nên tự bò lên được.
Sau khi nắm thông tin, ông Trần Văn Tư – Phó bí thư thường trực tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng ông Phạm Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hoà đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ.
Cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Ngày 6/2/2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng TP HCM - Hà Nội khi đến cầu Ghềnh đã đâm phải 6 ôtô làm 2 người chết, hàng chục người bị thương.
Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu chung giữa đường bộ và đường sắt. Tháng 4/2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã cấm tất cả ôtô hai chiều và xe 2 bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm TP Biên Hòa.
Từ đó cho đến nay, người dân vẫn được lưu thông bằng xe 2 bánh qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát một chiều hướng trung tâm TP Biên Hòa qua phường Bửu Hòa theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.