Quản lý công chức: Quy định bất khả thi, Bộ Nội vụ bất lực

Google News

(Kiến Thức) - Dự thảo quản lý công chức của Bộ Nội vụ cho thấy, Bộ này đã bất lực trong việc quản lý công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ được giao.

Việc Bộ Nội vụ ban hành dự thảo quy định cấm công chức lãng phí thời gian vào những việc vô ích, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân là một việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định này rất thiếu tính khả thi; bởi nước ta có đến hàng trăm nghìn công viên chức, khó mà quản lý được tất cả những việc làm của họ trong giờ hành chính. Nhiều ý kiến quan ngại, nếu không áp dụng được vào thực tiễn, thì sẽ có thêm một quy định nữa “chưa chào đời đã chết yểu”.
Quản lý công chức bằng quy định cấm, khó khả thi (Ảnh minh hoạ)
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhận định, thực tế, để thực thi được qui định trên là việc rất khó khăn, vì nó chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người, hoặc mọi người nhắc nhở nhau cùng tự giác thực hiện. 
Chủ tịch hội đồng khen thưởng, kỷ luật, Đoàn luật sư Hà Nội, LS Nguyễn Hoàng Tiến.
Là một chuyên gia nghiên cứu nhân học, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho hay, dự thảo trên của Bộ Nội vụ cho thấy một tình trạng đáng lo ngại hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước đã bất lực trong việc quản lý công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ được giao. 
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc công chức bỏ bê làm việc, PGS.TS Tiệp nhìn nhận, ở nước ta, phần đông công viên chức đồng lương không đảm bảo cuộc sống. Để mưu sinh, họ phải làm thêm những công việc khác nên đến muộn, về sớm hay bỏ việc giữa giờ cũng là điều dễ hiểu, kể cả việc kiếm sống trên đối tượng phục vụ của mình là người dân bằng cách làm khó họ để người dân đến cơ quan công quyền phải có tiền lót tay, bôi trơn mới được việc. Để làm công việc này giữa cơ quan nhà nước là không nên.
Vì thế, họ phải tìm chỗ khác để thực hiện những giao dịch dân sự như quán cà phê, quán ăn, thậm chí tại nhà riêng để thực hiện những quan hệ dân sự. Nên việc cấm cán bộ ngổi quán cà phê, quán ăn, bỏ việc cơ quan là điều khó mà thực hiện được, vì liên quan đến túi tiền của họ. Tiêu cực phát sinh từ đó và nhân lên ngày một phình to ra khó có cách cứu chữa.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp.
“Một nghịch lý khác ở Việt Nam, công chức, viên chức nhà nước đồng lương không đủ sống nhưng có rất nhiều người vẫn tìm đủ mọi cách để được làm “cán bộ nhà nước”, để “chính danh”, có vị thế xã hội nhất định, có một số quyền hạn nhất định được nhà nước ban cho nên họ dựa dẫm vào đó để kiếm sống, không có quyền hạn đó họ không dễ gì sống được. Vì thế nhiều người mất cả đến hàng trăm triệu đồng để được làm "cán bộ nhà nước".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới có một phát biểu rất hay là “Tiến sĩ giấy chỉ làm việc được trong cơ quan nhà nước”. Tham những cũng từ đó phát sinh, từ nhu cầu của những người này. Luật công chức hiện nay buông lỏng cơ chế tuyển dụng cán bộ, nên một số người có chức có quyền tự nghĩ ra một quy trình rất lạ, cứ tuyển dụng người ồ ạt rồi “từ người suy ra việc chứ không phải từ việc sinh ra người”, PGS.TS Tiệp nhìn nhận.Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, giải quyết vấn đề này không giản đơn chỉ bằng giải pháp hành chính và giáo dục. Chừng nào chưa cải cách thể chế thì cải cách hành chính dù có làm trước cũng khó mà thực hiện được. Việc đổi mới cải cách hành chính hiện nay phải tiến hành một cách tổng thể từ pháp lệnh công chức, chế độ tiền lương, các chính sách kèm theo cũng như cơ chế quản lý hành chính cán bộ công chức, viên chức, chính sách đào tạo, tuyển chọn cán bộ…
PGS.TS Tiệp cho rằng, phải theo quy trình ngược lại là "từ việc để tìm người" theo phương thức khoán việc, bao nhiêu việc cần bấy nhiêu người mà là người làm được việc, bộ máy công quyền sẽ tinh giản, đồng lương được tăng lên đủ sống thì tiêu cực xã hội sẽ giảm theo. Cơ quan nhà nước sẽ lôi kéo được những người "có tâm, có tầm" vào làm việc, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám từ cơ quan nhà nước ra bên ngoài. Đồng thời, thay đổi thể chế từ vĩ mô đến vi mô, một cách tổng thể, toàn diện và căn bản, phải có tầm nhìn mới và giải pháp mới mang tính đột phá nhằm giải thể cấu trúc hệ thống hành chính hiện hành vốn lạc hậu không giống ai thì mới thực thi được cải cánh hành chính hiện nay. Cải cách thể chế trong đó có cải cách hành chính là đòi hỏi cấp bách không thể đặng đừng trong tình thế hiện nay để giải tỏa những lo âu phiền muộn không đáng có của người dân trong trạng thái quẫn bức.
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã ra dự thảo văn bản yêu cầu công chức, viên chức trong giờ hành chính không làm việc riêng, không đi muộn về sớm, không đi uống cà phê, la cà quán xá, chơi điện tử, xem video, nghiêm cấm uống rượu, bia, kể cả trong giờ nghỉ trưa và ngày trực. 
Hải Ninh

Bình luận(0)