Trạm quan trắc môi trường tự động của Tổng cục Môi trường gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Đặc biệt, trạm quan trắc này còn ghi nhận được sự xuất hiện của thuỷ ngân trong không khí.
Dù mới chỉ phát hiện ở một vài khu vực song các chuyên gia môi trường cho rằng, việc xuất hiện thuỷ ngân trong không khí Hà Nội là rất nguy hiểm bởi thuỷ ngân là chất cực độc, nếu hít phải có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Chưa thể khẳng định Hà Nội ô nhiễm thuỷ ngân
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, thuỷ ngân rất độc hại, thậm chí còn độc hại hơn chì. Ở Nhật Bản đã từng có 3000 người nhiễm độc và bị chết bởi thuỷ ngân. Tuy nhiên, số liệu quan trắc thuỷ ngân lần này mới chỉ có tính chất cục bộ và nhất thời chứ không phải chỉ số trung bình ngày hay tháng.
“Nếu mới chỉ quan trắc một lần phát hiện thấy thuỷ ngân đã nói ô nhiễm thuỷ ngân là không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo để các cơ quan quản lí tăng cường quan trắc để xem có ô nhiễm thuỷ ngân hay không. Không phải chỗ nào cũng có thể xuất hiện thuỷ ngân. Thông thường, thuỷ ngân thường được dùng trong các cơ sở phân tách vàng sa khoáng, đèn huỳnh quang, trong các thiết bị y tế như nhiệt kế, trong các thiết bị điện (điện cực). Ngay lúc này, cơ quan quản lí cần phải điều tra xem nguồn thuỷ ngân phát ra từ đâu. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng những ngày gần đây, việc phát tán ô nhiễm trong không khí sẽ ngày càng lớn” – GS Đăng nói.
Thuỷ ngân là chất kim loại nặng rất độc hại. Nếu hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính. Thủy ngân trong không khí là thủy ngân nhiệt, rất dễ ứ đọng trong khí quản, tạo ra hiện tượng tắc nghẽn tế bào phổi. Không chỉ vậy, thuỷ ngân còn có thể gây ngộ độc thần kinh bởi khi tác động trực tiếp vào các lớp tế bào sẽ ảnh hưởng tới các hệ thống dây thần kinh, đầu tiên là hệ thống dây thần kinh ngoại biên, thần kinh sọ não…Trẻ em hít phải thủy ngân có thể gây mất trí nhớ, viêm miệng, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp tiếp xúc với lượng thuỷ ngân nhiều có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường” xác nhận có một điểm quan trắc ghi nhận được sự xuất hiện của thuỷ ngân. Tuy nhiên, vị này cho rằng đây mới là kết quả quan trắc bước đầu tại một điểm, cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng mới có thể đưa ra kết luận.
“Thuỷ ngân có thể bay rất xa, từ Trung Quốc sang Mỹ, nên cần phải xác định xem Hà Nội có thuỷ ngân hay không, nếu có thì xuất phát từ đâu. Việc quan trắc, phân tích thuỷ ngân rất phức tạp” – ông Tùng nhấn mạnh.
|
Bụi ở Hà Nội cao gấp 1,5 lần mức cho phép. |
Ô nhiễm không khí ở mức báo động
Theo số liệu quan trắc của trung tâm quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường), trong các ngày từ 8-14/4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội ở mức 54-140. Cá biệt, cuối tháng 2, đầu tháng 3, chỉ số này dao dộng ở mức 122-178. Theo thang đánh giá chất lượng không khí tiêu chuẩn quốc tế, AQI mức độ tốt là dưới 50, từ 51-100 thuộc nhóm trung bình, từ 101-151 thuộc mức kém. Đối chiếu với thang đánh giá này, có thời điểm, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức kém.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội có sự liên quan mật thiết với việc gia tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy. Hiện thống kê có khoảng hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 chiếc ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mỗi năm, số lượng xe máy được dự báo tăng 11%, ô tô tăng 17%. Ước tính, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy.
Ông Tùng cũng nói thêm, vấn đề đáng lưu tâm không kém của Hà Nội là ô nhiễm bụi. Bụi ở Hà Nội rất cao, gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép đối với bụi PM2,5. Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng thì cho rằng, hai vấn đề bức xúc nhất hiện nay đối với môi trường không khí Hà Nội là bụi và khói xăng dầu. Kết quả quan trắc cho thấy, 100% các điểm quan trắc đều bị ô nhiễm khí xăng dầu.