Nhiều khuất tất trong vụ chìm tàu thảm khốc ở Cần Giờ

Google News

(Kiến Thức) - Trước diễn biến phức tạp của vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo lập tổ điều tra đặc biệt để cùng các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân.

Tàu của Bộ đội Biên phòng, ai tự ý cho mượn?
Theo thông tin ban đầu từ sau khi xảy ra vụ tai nạn, chiếc canô mang ký hiệu H29-BP thuộc quản lý của Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đơn vị này đã giao phương tiện cho Công ty cổ phần công nghệ Việt-Séc bảo dưỡng định kỳ. Tuy nhiên sau đó công ty này (Việt-Séc) lại để nhân viên của Công ty du lịch Vũng Tàu Marina sử dụng chở thuê số nhân viên của Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam từ tỉnh Tiền Giang đi du lịch Vũng Tàu và gặp thảm nạn làm 9 người chết và 21 người bị thương.
Chiếc canô H29-BP của Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu đang trong thời gian bảo dưỡng tại Việt-Séc nhưng không hiểu sao công ty này lại cho đối tác "mượn" và để xảy ra thảm nạn. 
Theo ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt-Séc thì ông hoàn toàn không biết gì về việc cho mượn phương tiện này. Qua báo cáo lại vụ việc từ các bên liên quan, bước đầu xác định là do nhân viên của công ty ông Đảo là Tạ Thanh Sơn có mối quan hệ cá nhân với ông Đinh Văn Quyết (Giám đốc Marina) nên khi nhân viên của ông Quyết là Phạm Duy Phúc (người lái chiếc canô trong vụ tai nạn đã tử vong) cầm giấy viết tay đưa Sơn và người này đã đồng ý cho mượn canô đi Tiền Giang ngay trong chiều ngày 2/8 để đón 28 công nhân Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí.
 
Hình ảnh canô H29-BP sau khi gặp nạn làm 9 người chết được lai dắt vào bờ.
Ông Đảo khẳng định việc nhân viên Sơn cho mượn phương tiện của Bộ đội Biên phòng là không đúng; đồng thời trong quá trình vận chuyển vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường thủy như thiếu trang thiết bị bảo hộ, chở quá số người… đang được cơ quan điều tra làm rõ để truy trách nhiệm.
Suốt 6 giờ lực lượng cứu nạn mới đến hiện trường
Dù vụ thảm nạn xảy ra đã nhiều ngày qua, tuy nhiên hiện tại những nạn nhân sống sót trong chuyến đi định mệnh vẫn còn sống trong nỗi ám ảnh.
Anh Nguyễn Văn Dương (thợ máy) tiếc nuối: "Giá như được cứu nạn kịp thời thì số người chết sẽ không quá kinh khủng!". 
Anh Nguyễn Văn Dương, thợ máy chiếc canô bị chìm, gương mặt vẫn còn nguyên vẻ kinh hoàng kể lại toàn bộ hải trình và suốt sáu giờ vật lộn với sóng dữ trong đêm tối.
“Phải chi chúng tôi được cứu nạn kịp thời thì chắc số người chết không quá kinh khủng như thế”, anh Dương tiếc nuối.
Theo đó ngay sau khi tai nạn xảy ra, hàng chục người bu bám nhau xung quanh chiếc canô để tìm cho mình con đường sống. Nhiều người không thể chịu đựng nỗi những đợt sóng to liên tục đánh vào nên đã bị văng ra và cuốn trôi trong bóng đêm trong sự bất lực của những người đồng nghiệp. Thấy anh Nguyễn Văn Cương còn giữ được chiếc điện thoại, ai cũng mừng rỡ và vây quanh bảo vệ để Cương gọi điện báo tin ứng cứu.
 Nỗi đau đớn của người thân nạn nhân gặp nạn.
Ông Hà Ngọc Phước (Giám đốc Nhà máy Sản xuất ống thép dầu khí thuộc PV Pipe), người đi trên chiếc canô khác trong chuyến du lịch tường trình: Nhận được điện thoại của Cương, ông Phước lập tức báo về cho đại diện Việt-Séc và ông Quyết, anh Sơn (Vũng Tàu Marina). Những người có trách nhiệm nói trên trấn an rằng tàu cứu hộ đang từ Vũng Tàu ra cứu nạn.
Gần 2 giờ sau, ông Phước tiếp tục nhận được tin nhắn của anh Cương và cho biết có chiếc canô chạy qua nhưng không vào cứu. Theo ông Phước, sau này xác định đúng là có canô chạy qua định vào cứu nhưng do địa hình phức tạp, nguy cơ bị nhấn chìm nên không thể vào cứu được. Lúc này ông Phước yêu cầu người lái canô ông đang đi quay lại cứu người nhưng tài công này đã từ chối với lý do “rất nguy hiểm”!
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp cứu nạn tìm kiếm khu vực 3 khẳng định: Khoảng 21h ngày 2/8, trung tâm mới nhận được điện báo của ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Vũng Tàu Marina). Sau khi xác minh thông tin chính xác, lúc 22h10 cùng ngày trung tâm đã điều tàu cứu nạn SAR 272 ra hiện trường.
Suốt 6 giờ chống chọi với sóng biển trong đêm tối, những người gặp nạn mới được lực lượng cứu nạn tìm thấy đưa vào bờ chuyển đi cấp cứu. 
Tuy nhiên mãi đến 1 giờ 8 phút sáng hôm sau (tức sau 6 giờ chiếc canô gặp nạn), phương tiện cứu nạn mới tiếp cận và cứu người trên chiếc canô gặp nạn.
Theo báo cáo của Cục Hàng hải, dù nhận được tin canô bị nạn lúc 20h, tuy nhiên do vào thời điểm vùng biển Cần Giờ thời tiết diễn biến bất lợi vì ảnh hưởng gió mùa tây nam khiến tầm nhìn bị hạn chế và gây khó khăn cho việc cứu hộ nên đến nhiều giờ sau mới tiếp cận được khu vực canô gặp nạn.
Bộ GTVT lập tổ điều tra đặc biệt
Trước diễn biến phức tạp của vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quyết định thành lập tổ điều tra đặc biệt do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công làm tổ trưởng để phối hợp với các đơn vị như Cục Hàng hải VN, Cục Đăng kiểm, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải… cùng các chuyên gia kinh nghiệm để làm rõ trách nhiệm, cung cấp đầy đủ thông tin điều tra vụ tai nạn. Bộ GTVT cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của 2 lái tàu cùng xuất bến hành trình với chiếc canô gặp nạn nhưng khi phát hiện canô này (H29-BP) báo hiệu mà không dừng lại ứng cứu.
Vụ tai nạn thảm khốc trên biển làm 9 người thiệt mạng gây bàng hoàng người dân cả nước. 
Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM cho biết, đã xác định được 2 lái tàu liên quan đến chuyến đi là Lục Văn Bảo (24 tuổi) và Lê Văn Hiếu (25 tuổi). Cảng vụ TP.HCM đã đề nghị Ban giám đốc Việt-Séc yêu cầu 2 nhân viên này đến làm việc để làm rõ có hay không 2 tài công Hiếu và Bảo thấy canô bị nạn nhưng không ứng cứu. Tuy nhiên phía công ty Việt-Séc đã thông báo 2 tài công nói trên đang bị bệnh nên chưa thể làm việc được.
Cảng vụ TP.HCM đã phối hợp cùng cảng vụ Vũng Tàu ra công văn triệu tập 2 tài công này đến làm việc với Cảng vụ TPHCM. Nếu cả 2 vẫn không hợp tác, Cảng vụ TPHCM sẽ đề nghị cơ quan Công an hỗ trợ.
Diễn biến vụ tai nạn thảm khốc trên biển làm 9 người chết

17h ngày 2/8, 3 canô được nhân viên Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí VN thuê của Vũng Tàu Marine về KCN dầu khí Soài Rạp (Gò Công Đông, Tiền Giang) để chở hơn 60 nhân viên ra Vũng Tàu du lịch và dự đám cưới.
19h: Một trong 3 canô mang số hiệu H29-BP (phương tiện của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giao cho công ty Việt-Séc bảo dưỡng) do tài công Phạm Duy Phúc điều khiển cùng thợ máy Nguyễn Văn Dương chở 28 nhân viên công ty đến khu vực biển xã Long Hòa (huyện Cần Giờ-TP.HCM) thì gặp nạn. Một nạn nhân đã cố giữ khô điện thoại để gọi ứng cứu.
21h: Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu nhận tin báo có tàu gặp nạn.
1h ngày 3/8: Lực lượng cứu hộ, cứu nạn mới tiếp cận được hiện trường và đưa 21 người (có 2 chuyên gia quốc tịch Mỹ) đến các bệnh viện huyện Cần Giờ (TP.HCM), Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) cấp cứu.
Sáng và cả ngày 3/8, 2 máy bay của Sư đoàn 370 cùng nhiều tàu, thuyền của lực lượng cứu nạn đã mở rộng vùng tìm kiếm và tìm được thi thể 2 nạn nhân đầu tiên.
Ngày 4/8: Lực lượng cứu nạn tìm được thêm 5 thi thể nạn nhân.
Rạng sáng ngày 5/8: Thi thể 2 người gặp nạn cuối cùng được tìm thấy.
Vũ Sơn

Bình luận(0)