Chuyện lạ như đùa mà nghẹn đắng này đang diễn ra ở địa bàn cánh đồng nằm giữa xóm 8 và xóm 10 thuộc xã Bình Hòa (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Cánh đồng rộng lớn, từng là bờ xôi ruộng mật trước đây được những hộ dân tận dụng hết công suất thì nay nhiều ruộng lúa bị bỏ hoang hóa. Theo người dân cho biết, họ bỏ ruộng không phải vì lúa năng suất kém mà là do ngay giữa cánh đồng này người ta đã xây dựng một hố đào lớn có diện tích lên đến hàng nghìn m2 để chôn hàng nghìn tấn hóa chất độc hại xuống đó.
|
Những thùng nghi chứa hóa chất được chôn trong hố đào giữa cánh đồng. |
Dẫn PV Kiến Thức ra hố đào, nhiều người dân địa phương cho biết, năm 2013, tại cánh đồng này, để xây dựng bãi rác thải sinh hoạt, chính quyền đào một cái hố lớn rộng 3.200 m2, sau đó họ chia làm 4 hố nhỏ nhưng không phải xử lý rác thải mà để chôn hàng ngàn khối hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc. Người dân cho rằng đó là “kho thuốc độc giữa cánh đồng”.
|
Bể chôn tồn dư hóa chất BVTV rộng 3200 m2 được chia làm bốn hố nhỏ đã chôn đầy 2 hố... |
Ông Lại Văn Thông, người dân xóm 8 cho biết, trước đây, khi xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiến mỗi hộ 30m2 đất để xây dựng bãi rác thải sinh hoạt, tuy nhiên, sau đó, trên diện tích ấy mọc lên một cái hố lớn, bê tông cốt thép diện tích 3.200m2, chia làm 4 hố nhỏ mỗi hố chứa khoảng 800 khối.
“Sau đó, họ vận chuyển hóa chất BVTV độc hại ở xã Hoàng Sơn sang chôn. Quá trình chôn hóa chất vừa lấp đầy một trong 4 hố và chuẩn bị sang hố thứ 2 thì người dân phát hiện. Do khi đó, mùi khí lạ, gây khó thở, tức ngực cho người dân lan trên diện rộng. Khi người dân phản ứng thì toàn bộ đất nhiễm độc, các can nhựa, bao bì đã được lấp xuống hai hố, hai hố còn lại đã được chủ đầu tư cho đổ đất sạch vào để bịt kín. Tại sao các đơn vị đầu tư nói là xây dựng bãi rác thải sinh hoạt mà lại thành nơi chôn hóa chất bảo vệ thực vật?”, ông Lại Văn Thông bức xúc.
|
...Sau đó, được lấp bằng lớp bê tông và ngập chìm trong nước. |
Anh Lại Văn Thanh, người dân xóm 8 cho rằng, ruộng đất là sự sống còn của người nông dân khu vực. Tuy nhiên, vì lo sợ nên nhiều người đã bỏ canh tác. Những người khác khi tiếp tục trồng lúa vẫn thấp thỏm lo âu.
“Dù có hồ sơ thiết kế thi công nhưng đơn vị thi công họ làm rất sơ sài. Trong quá trình chôn lấp, hàng loạt chất độc hại tràn ra ngoài, người dân chúng tôi lo lắng dòng nước và ruộng lúa bị nhiễm độc. Bởi người dân biết, hóa chất chôn xuống là chất bảo vệ thực vật tồn đọng. Ngay cả khi những hố hóa chất này được chôn lấp, nhiều đàn vịt bỗng nhiên chết không rõ nguyên nhân. Ngày 12/6/2013, trong quá trình xử lý chất độc, một luồng khí màu bạc trắng bay lên rất cao. Không hiểu đó là chất gì nhưng hầu hết các hộ dân ở xa hàng trăm mét đều cảm thấy rất tức ngực, khó thở, mùi khét và hăng hắc rất khó chịu. Tuy nhiên sau đó, các đơn vị nói là hóa chất không gây độc hại gì. Nhưng những gì đã xảy ra khiến người dân lo lắng, nhiều người bỏ ruộng cũng vì sợ hãi”, anh Lại Văn Thanh cho biết.
Không chỉ ông Thông, anh Thanh mà hàng trăm người dân có cùng tâm trạng, họ cho rằng, tác động của số hóa chất được chôn dưới cánh đồng kia sớm muộn cũng đến và khi đó hậu quả đều đổ lên đầu người dân.
|
Dù các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cho rằng, việc xử lý tồn dư hóa chất BVTV đúng quy định và không gây hại nhưng người dân vẫn vô cùng lo lắng. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, những hố đào hàng nghìn m2 mà người dân cho rằng chôn hóa chất dẫn đến một số hộ dân bỏ ruộng nằm trong dự án “Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy” theo Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 1/8/2011 của UBND tỉnh Nam Định, do Sở TN-MT tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Giải thích về nỗi lo lắng của người dân, Công văn số 1004/STNMT-CCMT của Sở TNMT Nam Định gửi UBND huyện Giao Thủy và xã Bình Hòa nêu rõ, những chiếc hố này trong Dự án, xử lý triệt để ô nhiểm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy. UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản số 90/UBND ký ngày 21/2/2011 giao Sở TN&MT lập dự án, xử lý các điểm tồn lưu. Sở TNMT đã phối hợp với các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, xây dựng bể xử lý trên diện tích đất đã thu hồi, quy hoạch tại bãi chôn lấp, xử lý rác thải xã Bình Hòa để xử lý đất ô nhiểm hóa chất BVTV.
|
Nhiều người dân vì sợ hãi tác động của hố chôn hóa chất nên đã bỏ ruộng không canh tác, dù đó là bờ xôi ruộng mật. |
Theo Sở TNMT Nam Định giải thích cho người dân, khối lượng đất cần xử lý tại bể xử lý xã Bình Hòa khoảng 1.600m3, theo kết quả phân tích nồng độ tồn lưu hóa chất BVTV nằm trong giới hạn và cho phép xử lý. Các dung dịch khử trùng các loại vi khuẩn, nấm, xạ khuẩn và xử lý các chất độc hại trong hóa chất BVTV còn tồn lưu trong đất, không phát tán ra ngoài môi trường.
Tuy vậy, nỗi lo lắng của người dân vẫn hiện hữu và có cơ sở khi ngay giữa cánh đồng canh tác của họ, là một hố hóa chất hàng nghìn tấn…