“Siêu dự án” trên sông Hồng dự kiến bao gồm tuyến đường thủy Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có công suất 400-600 tấn, 6 đập dâng nước và âu tàu kết hợp 6 công trình thủy điện có công suất lắp máy khoảng 228 MW, xây dựng 7 cảng thủy dọc tuyến.
Dự án "khủng" trên sông Hồng sẽ nạo vét một đoạn sông dài 288 km từ Việt Trì lên Lào Cai. Đây là một dự án theo hình thức xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) với tổng chi phí ước khoảng 24.500 tỉ đồng, tương đương 1.1 tỉ USD theo tỉ giá hiện nay) do công ty TNHH Xuân Thiện, tập đoàn Xuân Thành đề xuất.
|
Tàu thuyền vận tải trên sông Hồng, đoạn chảy qua cầu Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Hoài Linh. |
Dựa vào kinh nghiệm phản biện các
dự án ngăn dòng chảy ở các con sông tại Việt Nam và trong khu vực Mê Công, VRN đề nghị loại bỏ dự án này vì các lý do như: Hiệu quả điện năng từ dự án này mang lại quá nhỏ (228 MW, tương đương với 912 triệu KW/năm), đóng góp lượng điện chưa đến 1% tổng điện năng quốc gia trong khi dự án có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường khi làm thủy điện bậc thang.
Bên cạnh đó, dự án này không nằm trong qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020 theo các quyết định của thủ tướng Chính phủ trước đó.
Ngoài ra, việc làm các đập thủy điện và nạo vét dòng chảy trên sông Hồng phục vụ giao thông thủy sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy, gây ra sạt lở bờ sông, chặn lượng phù sa tại các hồ chứa và đặc biệt gây ra các hệ lụy ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước phục vụ nông nghiệp trực tiếp cho 8 tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng. Từ đó gây nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn sinh kế cũng như văn hóa của hàng triệu người dân đồng bằng sông Hồng.
Kế đến, dự án sẽ làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học toàn vùng sông Hồng.
Và cuối cùng là dự án sẽ mang đến hệ lụy và rủi ro trong việc giao quyền sở hữu dòng sông cho một công ty tư nhân quản lý.
Theo VNR lý giải, không thể áp dụng tư duy quản lý xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO) hoặc xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) của quản lý đường bộ và đường sông bởi đường bộ chỉ phục vụ chức năng giao thông, trong khi sông ngòi còn nhiều chức năng quan trọng khác như đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, thoát lũ, duy trì và cân bằng hệ sinh thái.
Do đó việc dự án được giao cho doanh nghiệp tư nhân triển khai, quản lý và khai thác, rõ ràng mục tiêu quản lý của nhà nước về tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển dân sinh sẽ khó đảm bảo thực thi và bị phụ thuộc mục tiêu chạy theo lợi nhuận của doanh nghiệp.
Từ những lý do trên, VNR kiến nghị Chính phủ nên loại bỏ dự án này ngay từ đầu để tránh các hệ lụy về kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng đáng tiếc có thể xảy ra.