Diễn đàn Đổi mới toàn diện GD: Cần ghi tên người thẩm định

Google News

(Kiến Thức) - Vấn đề thẩm định sách phải đề cao tính công tâm, bởi không chỉ có đánh giá mà còn chọn lựa, thế nên cần ghi tên tất cả người thẩm định.

Tại Diễn đàn "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông: Thời cơ, thách thức và những giải pháp thực hiện" do Liên hiệp Các Hội KH&KT Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết.
 Ảnh minh họa.
GS Nguyễn Minh Thuyết đặt ra 4 câu hỏi khi đổi mới sách giáo khoa (SGK). Thứ nhất, nên thay đổi toàn bộ SGK hay chỉ thay đổi những quyển có nội dung không phù hợp? Thay đổi tức thì hay có lộ trình? Bộ GD&ĐT có nên viết SGK không? Câu trả lời của ông là không, vì không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của bộ. Nhưng liệu sẽ không có ai viết SGK mới hay không? Câu trả lời là Bộ GD&ĐT hãy giao cho một đơn vị trực thuộc như Nhà xuất bản Giáo dục. Việc giao cho đơn vị thuộc Bộ sẽ đảm bảo điều kiện công bằng, bởi Bộ không đủ tiền để làm, lúc đó đơn vị thuộc bộ phải bỏ tiền ra làm, thiếu có thể vay Nhà nước và bán sách để trả nợ. 
Từng có nhiều năm giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Nguyễn Khắc Phi cho biết, lâu nay chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào SGK mà chưa chú trọng đúng mức tới chương trình, do đó lần này xây dựng chương trình sẽ phức tạp gấp nhiều lần so với trước. Còn vấn đề thẩm định sách phải đề cao tính công tâm, bởi không chỉ có đánh giá mà còn chọn lựa. "Tôi đề nghị SGK lần này phải ghi tên tất cả những người thẩm định" GS Nguyễn Khắc Phi đề nghị.
Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch Hội Khoa học Giáo dục Nghệ An cho biết, khi nói tới làm SGK phải căn cứ vào 2 cơ sở, thứ nhất là điều kiện của đất nước và khoa học của việc làm sách. Vấn đề đặt ra ai sẽ là người biên soạn SGK phổ thông tốt nhất cho các trường? Đồng thời, cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế đất nước để giao cho ai làm sách, chứ tuyệt đối không thể giao theo diện cảm tính như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa khác.
GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam bày tỏ, chương trình là "linh hồn" định hướng cho quá trình dạy và học, do đó một chương trình là hợp lý. Để triển khai tốt thì khâu kế hoạch, tổ chức và quản lý là quan trọng nhất, đây đang là điểm yếu làm cho nhiều công việc không có kết quả. Làm sách cần tập trung trí tuệ, lực lượng, còn việc tập hợp như thế nào là tùy. Nhưng trước mắt phải xây dựng được một chương trình tốt.
Trái ngược quan điểm cần nhiều bộ SGK, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng: Chỉ cần một chương trình, một bộ sách thật chuẩn cập nhật những vấn đề của thời đại và kế thừa những điều chúng ta nuôi dưỡng từ bao đời nay. Điều này có nghĩa cần bộ sách có tính mở, phần mở là phần để phù hợp với những địa bàn, còn cốt lõi là theo cái chung chứ không nên để quá xa với trình độ dân tộc nói chung. Trên tinh thần như vậy, phải lập Ủy ban Quốc gia về biên tập SGK trong đó tập hợp những người có trí tuệ nhất để soạn bộ SGK chuẩn này. 
Hà Bình

Bình luận(0)