Đề án ASIAD 18 với 150 triệu USD được “vẽ” như thế nào?

Google News

Cho tới bây giờ kế hoạch tổ chức ASIAD 18 với 150 triệu USD do Bộ Văn hóa-Thể Thao & Du lịch cùng Tổng cục TDTT được coi là không có tính khả thi. 

Siêu tiết kiệm để kéo ASIAD 18 về bằng được
Đề án đăng cai ASIAD 18 đã được Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT lập ra, đưa lên Bộ VH-TT&DL để xin Chính phủ về mặt chủ trương cho phép Việt Nam nộp đơn lên Hội đồng Olympic châu Á (OCA) ứng cử quyền tổ chức.
Người chấp bút chủ đạo cho đề án và “có công” đưa ASIAD 18 về Việt Nam là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á – OCA. Ngay sau khi Việt Nam được OCA trao quyền đăng cai ASIAD vào ngày 8.11.2012, báo chí thể thao bắt đầu tiếp cận được nội dung chi tiết của đề án tổ chức của Bộ VH-TT&DL.
Theo đề án, ASIAD 18 năm 2019 gồm 36 môn thi đấu với khoảng 13.000 VĐV và HLV tham dự. Địa điểm tổ chức chính là thành phố Hà Nội và 14 tỉnh thành khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương…
Về cơ sở tổ chức, Việt Nam tận dụng các cơ sở có sẵn hồi SEA Games 22 (2003) và Asian Indoor Games 3 (2009). Tại Hà Nội, có hai địa điểm chính tập trung thi đấu 12-14 môn là Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Từ Liêm), Khu liên hợp thể thao Hà Nội tại Xuân Trạch (Đông Anh).
Để giành quyền đăng cai ASIAD 18, Việt Nam phải tổ chức môn cưỡi ngựa (equestrian) như tại ASIAD 16 tại Quảng Châu năm 2010.
Tuy nhiên, vì ASIAD là Đại hội quy mô cấp châu lục với nhiều môn thể thao Olympic bắt buộc nên Việt Nam cần phải xây dựng thêm một loạt cơ sở thi đấu mới như: sân xe đạp lòng chảo trong nhà, nhà thi đấu đa năng sức chứa 10.000 chỗ, trường đua ngựa, sân bóng chày, hockey trên cỏ, bóng bầu dục, trường bắn súng, tổ hợp sân tennis, Làng vận động viên, trung tâm truyền thông… cùng rất nhiều thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu kèm theo.
Những hạng mục này hầu hết đều rất đắt tiền, chẳng hạn môn chảo xe đạp trong nhà chỉ tính riêng phần sân đã 200 triệu USD, nhà thi đấu đa năng 100 triệu USD, Làng VĐV với 12.000 người cũng có giá 100 triệu USD…
Kế hoạch ban đầu của Đề án không phải là 150 triệu USD (3000 tỷ đồng) mà là 5.155 tỷ đồng (255 triệu USD) và ngân sách nhà nước góp 4.979 tỷ đồng (96%) được Bộ VH-TT&DL trình sang cho Văn phòng Chính phủ vào đầu năm 2011 để xin đăng cai ASIAD. Đề án này đã bị Bộ Tài chính có công văn phản hồi và ngày 9.4.2011 cho biết 4.979 tỷ đồng từ ngân sách là “gánh nặng với nhà nước”.
Vì Bộ tài chính tỏ ý không đồng tình với việc tổ chức ASIAD bằng ngân sách nhà nước nên Bộ VH-TT&DL phải viết lại đề án. Đến giữa năm 2012, đề án mới của Bộ VH-T&DL giảm số kinh phí tổ xuống còn 3.000 tỷ đồng và ngân sách đóng góp 28%, còn lại 72% là vốn xã hội hóa.
Từ tỷ lệ vốn xã hội hóa chỉ có 4% theo đề án ban đầu đã được Bộ VH-TT&DL thổi lên thành 72% một cách ngoạn mục với quyết tâm kéo bằng được ASIAD 18 về Việt Nam.
Đếm cua trong lỗ nhưng là… lỗ không
Để giải trình vì sao ASIAD 18 lại có giá “siêu tiết kiệm”, Bộ VH-TT&DL đã lập một loạt các dự toán theo kiểu “đếm cua trong lỗ”. Hạng mục đầu tiên nặng ký nhất là Tổ hợp sân lòng chảo xe đạp trị giá hơn 10 ngàn tỷ đồng (500 triệu USD) do Tập đoàn KSPO của Hàn Quốc đầu tư chính, còn Việt Nam góp 30% là đất.
150 triệu USD từ ngân sách thì 100 triệu USD dùng để xây Nhà thi đấu đa năng 1 vạn chỗ ngồi + nhà thi đấu phụ. 50 triệu USD còn lại được dùng để sửa sang các cơ sở sẵn có và mua sắm vật dụng, thiết bị phục vụ thi đấu cho nhiều môn khác nhau.
Một loạt công trình nặng ký tại khu đất rộng 245 héc-ta của Khu liên hợp thể thao Hà Nội tại Xuân Trạch (Đông Anh) gồm: cụm tổ hợp sân tennis, sân đua ngựa, sân bóng chày, sân bóng bầu dục, sân hockey, sân thi đấu 5 môn phối hợp (modern penthalon); theo giải thích Bộ VH-TT&DL lấy nguồn vốn xã hội hóa hoặc đã nằm trong đề án quy hoạch tổng thể của Nhà nước đã có từ trước mà việc tổ chức ASIAD chỉ “ăn theo”.
Làng VĐV có sức chứa 12.000 người sẽ nằm ở khu vực Đặng Xá – Long Biên và công trình này được dự toán do thành phố Hà Nội liên kết với nhà đầu tư xây dựng và sau Đại hội bán lại cho người dân để ở.
Cung điền kinh trong nhà 554 tỷ đồng xây để phục vụ Asian Indoor Games 2009 giờ phải "trùm mền" thì trong Đề án tổ chức ASIAD 18, Việt Nam xây mới NTĐ đa năng 10.000 chỗ với trị giá 100 triệu USD (ảnh: Tuổi Trẻ).
Tất cả các giải trình về số tiền tổ chức ASIAD của “kiến trúc sư” Hoàng Vĩnh Giang cùng phía Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL đều rất gọn gàng y chang kiểu “thò tay trong túi lấy đồ”, song đến càng gần với thực tiễn tổ chức hầu hết đều… mờ mờ ảo ảo.
Tổ hợp sân lòng chảo xe đạp do phía KSPO đến giờ bị ách lại vì những điều kiện ưu đãi thuế và thí điểm cá cược thể thao chưa được Chính phủ thông qua. Làng VĐV chưa thấy nhà đầu tư nào dám “rờ” vào khi thị trường BĐS đóng băng cứng ngắc như hiện nay.
Một loạt công trình tại Khu liên hợp thể thao Xuân Trạch đến giờ chưa biết Bộ H-&DL lấy vốn xã hội hóa từ đâu và ngân sách nhà nước lẫn thành phố Hà Nội trong tình trạng hiện nay chưa biết khi nào mới có tiền đầu tư dù quy hoạch đã có. Ngay cả công trình mà Bộ VH-TT&DL dự tính sử dụng vốn ngân sách 100% để xây là Nhà thi đấu đa năng tại Mỹ Đình cũng chưa được các cơ quan chức năng, Chính phủ thông qua.
Việt Nam sẽ tổ chức ASIAD 18 bằng cách nào đây khi Đề án đăng cai siêu tiết kiệm của Bộ VH-TT&DL bây giờ đã lộ rõ tính bất khả thi và câu hỏi là: ngành TDTT đã đâm lao, vậy ai phải theo lao ?
Theo một thế giới

Bình luận(0)