“Chiêu” trốn án tử của Dương Chí Dũng

Google News

(Kiến Thức) - Nếu Dương Chí Dũng trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã tham ô, hội đồng xét xử có thể sẽ xem xét giảm mức án tử của Dương Chí Dũng

Tuy nhiên, theo LS Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa, mặc dù vậy thì khả năng thoát án tử của Dương Chí Dũng là rất thấp.
Kêu oan, nhưng lại xin bồi thường
- Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn, bị cáo Dương Chí Dũng đã làm đơn kháng án. Người nhà bị cáo Dương Chí Dũng mong muốn trả lại tiền tham ô để mong giảm án theo tinh thần của Nghị quyết 01 Hội đồng thẩm phán TANDTC. Cụ thể, Nghị quyết này là thế nào thưa ông?
- Hội đồng thẩm phán TANDTC có rất nhiều nghị quyết để hướng dẫn thi hành luật.  Nghị quyết 01 ngày 15/3/2001 nói trên hướng dẫn áp dụng hình phạt trong quá trình xét xử tội tham ô. Mục đích của xét xử tội danh này là ngoài việc trừng trị kẻ phạm tội còn nhằm thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt. Về lý thuyết thì nếu bồi thường được một phần hoặc toàn bộ thiệt hại sẽ là yếu tố để xem xét áp dụng điểm B khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. 
Đối với vụ án Dương Chí Dũng có những điểm khác biệt, số tiền tham ô lớn, thiệt hại gây ra càng quá lớn. Không đơn giản đánh giá số tiền chỉ là mười tỷ, mà cần đánh giá để chiếm đoạt khoản tiền đó bị cáo đã cố tình làm trái các quy định của nhà nước gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản nhà nước. Anh ta bất chấp tất cả chỉ để được hưởng lợi. Nên những yếu tố giảm án này dù theo quy định là có nhưng khó mà áp dụng được.
- Nghĩa là ở phiên phúc thẩm tới đây, hội đồng xét xử sẽ có thể xem xét giảm án hoặc không, mà không phụ thuộc vào việc bồi thường, trả lại tài sản tham ô theo như người nhà bị cáo Dương Chí Dũng nói là 5 tỷ đồng?
- Nguyên tắc ở phiên phúc thẩm là chỉ xử lại các điểm có kháng cáo. Bị cáo Dương Chí Dũng kháng cáo hai vấn đề: Một là kêu oan về tội tham ô. Bị cáo khẳng định không tham ô 10 tỷ đồng như tòa sơ thẩm kết luận. Thứ hai là mức án nặng. Nếu bị cáo không có hành vi tham ô thì việc bồi thường tài sản tham ô để mong giảm án là vô lý. Chính bị cáo Dương Chí Dũng và người nhà đã mâu thuẫn trong khoản đó. 
- Nếu mong muốn được áp dụng Nghị quyết 01 thì bị cáo Dương Chí Dũng phải nhận tội, không kháng cáo kêu oan tội tham ô?
- Đúng thế. Luật cũng quy định trong phiên phúc thẩm, bị cáo có quyền thay đổi nội dung kháng án. Nếu trong phiên phúc thẩm, bị cáo nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt thì là tình tiết để xem xét vận dụng điểm p khoản 1 điều 46 là thật thà khai báo. Mặc dù Nghị quyết nói nếu bồi thường trả lại thì xem xét giảm án, nhưng đó chỉ là "có thể" chứ không phải là "bắt buộc" giảm án. 
- Theo nhận định cá nhân của ông trong vụ án này thì kết quả phúc thẩm sắp tới sẽ thế nào?
- Tôi vẫn cho là tình tiết trả lại tiền tham ô chỉ là yếu tố "có thể" xem xét giảm án. Với tình hình đấu tranh chống tham nhũng như hiện nay, sự quan tâm của dư luận đến vụ án, những thiệt hại to lớn mà bị cáo Dương Chí Dũng gây ra thì khó mà có thể xem xét giảm nhẹ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tố xét xử của tôi thì vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, điểm p khoản 1 điều 46 (nếu bị cáo bồi thường và khai báo thành khẩn) nhưng không thể giảm án mà để việc đó cho chủ tích nước ân giảm án tử hình - nếu bị cáo có yêu cầu.
“Chieu” trón an tu của Duong Chi Dung
LS Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa nói về việc người nhà Dương Chí Dũng muốn trả lại tiền tham ô để mong giảm án. 
Không thể lấy tiền tham ô chuộc tội tham ô
- Tại sao lại không nên áp dụng các điều kiện giảm án trong vụ này?
- Bởi thiệt hại kinh khủng quá. Bị cáo chỉ vì một chút quyền lợi của bản thân mà gây ra biết bao nhiêu thiệt hại cho nhà nước. Tôi nghĩ phiên phúc thẩm tới đây, Dương Chí Dũng khó mà thoát án tử.
- Khi đó thì quyền cuối cùng là của Chủ tịch Nước?
- Đây là quyền đặc biệt của Chủ tịch Nước. Theo quy định của pháp luật, sau khi án có hiệu lực pháp luật chánh án tòa án nhân dân tối cáo; viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cáo theo quyền hạn của mình phải có báo cáo với Chủ tịch Nước có kháng nghị giám đốc thẩm hay không và chủ tịch nước sẽ xem xét có ân giảm hay không. 
- Có người lập luận rằng, tiền của Dương Chí Dũng suy cho cùng đều là tiền tham ô tham nhũng mà có. Giờ lại lấy tiền đó để hắn thoát án tử hình thì thật là buồn cười quá?
- Vừa rồi tôi có theo dõi thông tin trên một số báo nói rằng, gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đang khó khăn lắm, ngay cả tiền đi thuê luật sư cũng không có, tôi không tin. Tôi thì cho rằng họ có nhiều tiền lắm. Tiền đó về bản chất là tiền tham ô, giờ bị cáo trả lại. Đây là mối quan hệ hình sự chứ không phải dân sự. Khi đã tham ô, cùng với việc trả lại tiền thì vẫn phải nhận các hình thức xét xử thích đáng. Hơn nữa, không thể lấy tiền tham ô để chuộc tội tham ô.
Cứ bồi thường là giảm án thì chết!
- Cũng có người bảo, tham nhũng thì đầy ra, chẳng qua đây là án điểm, thu hút nhiều sự chú ý nên người ta mới phải xử nghiêm?
- Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn. Bị cáo còn phạm tội cố ý làm trái gây thất thoát nhiều tài sản của nhà nước nhưng chỉ chịu trách nhiệm hình sự mà không bồi thường là không bình thường. Cấp phúc thẩm sẽ ghi nhận thái độ khắc phục sai sót của bị cáo nhưng không thể thay đổi giảm nhẹ bản án do tính chất nghiêm trọng của nó. Chứ còn cứ bồi thường là giảm án thì chết, còn đâu tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật nữa.
- Trong vụ án này, nếu bị cáo Dương Chí Dũng vẫn một mực kêu oan thì việc ân giảm có được tiến hành nhanh hơn?
- Nếu bị cáo thành thực nhận lỗi và cùng gia đình khắc phục hậu quả thì sẽ là cơ sở để ân giảm án. Đây là cách làm hợp lý nhất. Các cấp phúc thẩm không nên giảm án cho bị cáo, không phải vì sợ dư luận nhưng công tác chống tham nhũng cần phải làm quyết liệt. Nếu giảm án thì hiệu quả công tác chống tham nhũng sẽ thấp. Người ta sẽ nghĩ ngay rằng là cứ bỏ tiền ra là được giảm án, nên cứ tham nhũng đi. Người ta bị kết tội tham nhũng 10 tỷ đồng, nhưng số tiền thực tế biết bao nhiêu tỷ đồng ấy thì ai biết thế nào. Khi đó tính răn đe của pháp luật sẽ yếu đi.
- Nghĩa là nếu Dương Chí Dũng thoát án tử hình thì niềm tin vào pháp luật của người dân sẽ ít đi?
- Mục đích của hình phạt phải là trừng trị và giáo dục. Thông qua việc trừng trị người này thì giáo dục, răn đe người khác để ai đó định làm gì thì phải nhìn vào việc đó. Không phải là câu chuyện của cá nhân nào.
- Xin cảm ơn ông!
Sáng 7/1/2014, TAND TP Hà Nội sẽ mở tòa xét xử theo trình tự sơ thẩm đối với cựu đại tá Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, cùng 6 đồng phạm về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Theo cáo buộc của Viện KSND Tối cao, Dương Tự Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho thuộc cấp Vũ Tiến Sơn cùng các đối tượng khác tổ chức cho anh trai - Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ông Trọng bị truy tố theo Khoản 3 Điều 275 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 2 ngày. 
Tô Hội (Thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)