Trình bày tại tòa trong ngày xét xử đầu tiên, ông bầu Nguyễn Đức Kiên, cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, đề nghị HĐXX cho phép gặp gia đình và kiến nghị không cùm chân, tay, từ chối mặc đồng phục tại tòa, thay vào đó là bộ sơ mi “đóng thùng”. Biện hộ cho vấn đề này, luật sư của ông Kiên cho rằng, ông với nhân thân là doanh nhân, không phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn thì việc xích chân là không cần thiết.
Trong suốt quá trình xét xử, bầu Kiên có đôi mắt sắc và lạnh lùng trả lời chất vấn. Ông Kiên và các bị cáo trong vụ án bầu Kiên đã đồng loại kêu oan, cho rằng cáo trạng truy tố không thỏa đáng, không đúng luật, bản thân không làm gì trái luật...
Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ ra sắc sảo, am hiểm các quy định của pháp luật về kinh doanh. Trước các câu hỏi của tòa, bầu Kiên trả lời ngắn gọn “đúng” hoặc “chính xác”. Ngoài ra, bị cáo còn viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật để chứng minh bị cáo không kinh doanh trái phép. Thậm chí, ông còn đề nghị HĐXX không được ngắt lời khi bị cáo đang nói và phải viện dẫn cụ thể bị cáo kinh doanh trái phép dựa trên các điều luật nào.
|
Bầu Kiên trả lời tòa với thái độ tự tin, ánh mắt sắc lạnh. |
Qua gần 4 ngày xét xử tại TAND Hà Nội, bầu Kiên lần lượt trả lời thẩm vấn của HĐXX các hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kinh doanh trái phép, Trốn thuế. Trước mỗi cáo buộc, ông Kiên đều bình tĩnh đối đáp, viện dẫn các quy định để chứng minh vô tội.
Về hành vi kinh doanh trái phép thông qua 6 công ty, trước toà, bầu Kiên cho rằng, việc kinh doanh “đúng như trong giấy phép đăng ký, đúng với hoạt động của luật doanh nghiệp, đầu tư và chứng khoán”. “VKSND Tối cao năm 1995 không có quy định thành lập công ty phải có đại diện theo pháp luật. Vì thế tôi không phải là người đại diện theo pháp luật nhưng các văn bản là do tôi ký”, bầu Kiên trình bày.
Theo quy kết với vai trò chủ tịch HĐQT, bầu Kiên đã lợi dụng để kinh doanh trái phép vàng, tài chính, cổ phiếu. Để làm rõ việc này, bầu Kiên kiến nghị triệu tập đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Phạm Chi Lan (nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, người tham gia soạn thảo luật doanh nghiệp) tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng. Bầu Kiên trình bày: “Vụ án này không liên quan đến một mình tôi mà liên quan đến hàng trăm ngàn lãnh đạo doanh nghiệp. Các cơ quan mà tòa triệu tập không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi của tòa”.
Về hành vi đặt lệnh mua bán vàng không đúng với giấy phép kinh doanh, trong phần đối đáp ở khâu đặt lệnh qua hệ thống ghi âm tự động của ngân hàng ACB, bầu Kiên trình bày, chỉ nhân viên ACB mới nhận ra giọng nói của bị cáo nên ông được uỷ quyền để thông báo với ngân hàng này. “Anh Trung có gọi điện đến một số lần nhưng không thành nên tôi là người đặt lệnh”, bị cáo nói và cho biết giọng nói của ông bất kể nhân viên ACB khi nghe đều nhận diện được.
Trước các câu hỏi thẩm vấn xung quanh việc đặt lệnh và ký lệnh mua bán vàng trạng thái của công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung làm giám đốc, bầu Kiên trình bày: “Tôi là đàn ông, không đùn đẩy trách nhiệm cho ai dù hình sự hay dân sự, nhất là đối với người đã mất như anh Trung”. “Ở đây VKSND tối cao và cơ quan điều tra đã cố tình khoác cho tôi cái áo vi phạm pháp luật”, bị cáo nói.
Trong phần đối đáp với toà, bầu Kiên khẳng định không có việc mua và bán vàng. “Đây không phải là hoạt động kinh doanh vàng, không có quy định nào về việc chuyển giao trạng thái vàng là kinh doanh. Công ty đầu tư vào giá vàng chứ không kinh doanh vàng và vàng trạng thái”.
Bầu Kiên luôn khẳng định: “Tôi kinh doanh như đúng trong giấy phép. Trong công ty không có khái niệm chỉ đạo, không có ai có quyền chỉ đạo, tôi thực hiện theo nghị quyết của HĐQT”.
“HĐXX cần có phiếu lệnh trước mặt bàn, trong đó không có bất kỳ lệnh mua bán nào”, bầu Kiên trình bày và cho rằng, trước năm 2012 đây là sản phẩm đầu tư tài chính. "Không có luật nào quy định về việc đầu tư trạng thái giá vàng là trái phép".
HĐXX sau đó công bố tài liệu điều tra cho thấy Kiên đặt nhiều lệnh mua vàng. “Tôi thừa nhận các số liệu nhưng không thừa nhận đó là việc mua bán vàng”, Kiên nói.
Bị quy kết chiếm đoạt 264 tỷ đồng qua hình thức chuyển nhượng cổ phần đã được thế chấp, bầu Kiên trần tình trước tòa, vốn có quan hệ thân thiết với chủ tịch tập đoàn Hoà Phát từ hơn 10 năm nay. Hai người từng sang châu Âu xem bóng đá, ăn cơm và đi du lịch.
Khi ra trước toà, trước lời khai của ông Long về việc không biết số cổ phần muốn mua đã được thế chấp, bầu Kiên phủ nhận cho rằng, đương nhiên chủ tịch tập đoàn Thép Hoà Phát phải biết. “Theo tôi, anh Long cần phải nhớ lại việc trước đó cô Yến có báo cáo vụ việc và tôi đã gặp anh Long, về việc cổ phiếu đã thế chấp. Tôi không đổ tội cho ai, vì họ đều là bạn bè lâu năm”, bầu Kiên trình bày.
Về việc không họp HĐQT nhưng vẫn có biên bản và nghị quyết chuyển nhượng cổ phần cho Hoà Phát, ông Kiên khẳng định: “Chúng tôi có cuộc họp bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản theo đúng nghị quyết của công ty và luật doanh nghiệp”.
Theo cáo buộc, sau ký kết hợp đồng chuyển nhượng, Công ty Thép Hoà Phát đã chuyển 264 tỷ đồng. “Số tiền này không chuyển tiền cá nhân tôi mà chuyển cho công ty ACBI. Bị cáo cũng không chỉ đạo xử lý số tiền này sau khi nhận tiền”, bầu Kiên phủ nhận cáo buộc mình đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong phi vụ này.
"Tôi không quan tâm nhiều đến việc thanh toán. Tôi với anh Long là bạn bè, chúng tôi là 2 Chủ tịch của 2 tập đoàn rất lớn. Uy tín của chúng tôi không nằm ở 264 tỉ đồng. Lời nói của chúng tôi bằng hàng ngàn chữ ký”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Trong phiên tòa xử bầu Kiên ngày thứ 5 hôm 23/5, tham gia vào phần xét hỏi, luật sư Vũ Xuân Nam – bảo vệ quyền lợi cho "bầu" Kiên đưa ra hàng loạt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước như: Người dân đi gửi tiền cho Ngân hàng có phải là lĩnh vực liên quan đến ngân hàng không?; Người dân đi gửi có phải được Ngân hàng cho phép không, cấp giấy phép cho người dân đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...
Đại diện NHNN liên tiếp từ chối trả lời câu hỏi của luật sư với lý do, không thuộc lĩnh vực mình quản lý, không nhớ hết, đã được trả lời rồi.
Tiếp đó, luật sư Vũ Xuân Nam đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Vietinbank: “Khi người dân gửi tiền vào tài khoản, họ có nghĩa vụ quản lý số tiền trong tài khoản không?”
Đại diện Ngân hàng Vietinbank trả lời: “Chủ tài khoản là người có toàn quyền quyết định số dư. Đây chính là tài sản của khách hàng. Trách nhiệm quản lý số dư thuộc về chủ tài khoản”.
Luật sư đề cập một số tình tiết liên quan đến vụ án "Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như: “Người dân là chủ tài khoản không thực hiện việc rút tiền hay chuyển khoản số dư, mà các việc đó do nhân viên NH thực hiện thì khi đó, ai là người sử dụng tài khoản?”
Trước câu hỏi này, vị đại diện Ngân hàng Vietinbank cho biết: “Những nội dung liên quan đến vụ án Huyền Như đã được tòa án xét xử trong một vụ án khác, luật sư không nên đưa vào vụ án này”.
Liên quan đến vấn đề này, bị cáo Nguyễn Đức Kiên phản bác lại: “Về quá trình chuyển tiền của nhân viên Ngân hàng ACB hoàn toàn được thông qua hệ thống giao dịch điện tử sang Ngân hàng Vietinbank. Đó là do hiện nay NHNN quyết định sử dụng hệ thống công nghệ cao để sử dụng trong các giao dịch trực tiếp. Việc giao dịch này hiện vẫn lưu trên hệ thống quản lý công nghệ của NHNN”, Kiên nói.