Ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Cục Hải sự Trung Quốc còn nhiều lần thông báo giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) sẽ hoạt động 3 tháng ở biển Đông, bất chấp phản ứng gay gắt của Việt Nam và thế giới. Hiện, nhiều người đặt nghi vấn liệu đến ngày 15/8, Trung Quốc có rút giàn khoan như đã nói hay lại có âm mưu gì khác? Nếu như Trung Quốc không rút giàn khoan vào thời điểm trên thì Việt Nam cần triển khai những phương án gì để bảo vệ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc?
|
Giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc không có quyền tuyên bố về thời gian đặt giàn khoan này mà hãy đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển mà họ xâm lấn trái phép ngay. |
Trao đổi với Kiến Thức, Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, cho rằng tuyên bố đó không có ý nghĩa gì đối với Việt Nam.
“Nơi Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đó là nhà mình chứ không phải của họ. Đừng hi vọng họ sẽ dỡ giàn khoan đi bởi việc họ vào là xâm chiếm. Nếu họ không rút đi thì mình sẽ phải đấu tranh đến cùng. Không thể để họ vào ra như nhà họ. Lần này, họ vào rồi họ rút, lần sau họ lại vào, giờ họ vào chỗ này, lần sau họ sẽ vào chỗ khác. Chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta mà luật pháp quốc tế đã công nhận. Chúng ta không quan trọng tuyên bố đặt giàn khoan 3 tháng của họ và càng không tin họ sẽ rút đi. Nếu có rút đi thì có khi chỉ ngay sau đó, lại có mưu đồ mới, vẫn là ngang ngược xâm lấn vùng biển chủ quyền của Việt Nam và thậm chí cả các nước khác trên biển Đông”, Luật sư Hoàng Ngọc Giao cho biết.
|
Luật sư, TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển. |
“Khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì đã bộc lộ rõ ý đồ xâm chiếm. Hành vi đưa giàn khoan và đưa các tàu quân sự, hải giám… vào gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta đã bộc lộ rõ điều đó. Khác gì trước đây họ dùng vũ lực để chiếm đảo Gạc Ma...”, Luật sư Hoàng Ngọc Giao nhận định.
Nói về việc đấu tranh để Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng, Việt Nam chủ trương đấu tranh hoà bình, nhưng đây không còn là câu chuyện để đàm phán nữa. "Đây là câu chuyện về quyền và quyền chủ quyền trên vùng biển đã được xác định là của Việt Nam. Những hành động sai trái của Trung Quốc diễn ra nhiều lần, liên tiếp, nghiêm trọng. Đây là những chứng cứ rõ rệt, chứ không còn là hành vi mang tính hành chính đơn phương như tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá, đánh bắt thuỷ sản. Việt Nam phải khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện Trung Quốc ra các toà án quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục, kiên quyết đấu tranh trên các mặt trận như ngoại giao, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, tỉnh táo chống lại mọi chiêu trò của Trung Quốc tại biển Đông. Tất cả vẫn phải kiên trì. Nếu cần có thể dừng các mối quan hệ về kinh tế…", Luật sư Giao bày tỏ quan điểm.