Nhiều mưu đồ phía sau
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng Biển Đông thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam thể hiện sự bành trướng vô lối, bất chấp luật pháp của Trung Quốc. Là một người nghiên cứu về Biển Đông, quan điểm của ông thế nào?
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) đã vi phạm luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Họ đặt giàn khoan cách bờ biển của chúng ta chỉ 110 hải lý, vào sâu trong thềm lục địa thuộc vùng kinh tế đặc quyền của mình 80 hải lý. Sự sai phạm đó thể hiện rõ ràng, trắng trợn. Dư luận trong nước và quốc tế cần lên án mạnh mẽ hành vi sai trái này.
Theo ông thì mục đích đặt giàn khoan HD 981 của Trung Quốc tại vị trí này là gì?
Trung Quốc có rất nhiều mục đích khác nhau. Trung Quốc muốn khẳng định quyền của mình bằng đường chữ U họ tự vẽ ra. Họ ép Việt Nam để có những đàm phán đặc biệt về cửa biển Vịnh Bắc Bộ, đặt Việt Nam vào thế yếu hơn để có những đàm phán có lợi cho họ. Họ muốn dùng cái này để kích động dư luận không có lợi cho hòa bình ở Việt Nam, biểu hiện của những vụ việc vừa xảy ra là mình đã rơi vào bẫy của họ.
Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của Mỹ trong chính sách xoay lại trục châu Á sau khi Tổng thống Mỹ thăm châu Á và tuyên bố ủng hộ nước thuộc đồng minh của Mỹ. Biểu hiện là Mỹ đã tuyên bố bảo vệ đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc tìm lối thoát ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tìm cách đặt chủ quyền của mình trên đường ra các vùng biển khác trên thế giới.
Nghĩa là có rất nhiều âm mưu khác nhau, không đơn giản là khai thác dầu khí?
Âm mưu của Trung Quốc rất thâm độc. Họ muốn thực hiện ý đồ xây dựng cường quốc biển, đó chính là “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình, tiến hành thôn tính những phần lãnh thổ mà họ cho rằng thuộc chủ quyền của họ. Tôi cũng nghiên cứu về năng lượng ở Biển Đông, tại địa điểm đặt giàn khoan HD 981 thì khả năng có dầu khí là rất ít mà ẩn sau nó là ý đồ chính trị như tôi đã phân tích ở trên.
Rõ ràng hành động này đã được tính toán kỹ?
Các nhà khoa học Việt Nam đã nhiều lần họp bàn và dự đoán về khả năng này của Trung Quốc. Trước khi xảy ra vụ việc vài ngày, tôi có xuất bản cuốn sách “Chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc, tác động và ảnh hưởng” trong đó tôi có nói đến khả năng xảy ra sự việc này, Việt Nam cần có phương án chống Trung Quốc nếu họ đem giàn khoan vào lãnh thổ của mình.
|
TS Đỗ Minh Cao, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Viện Hàn lâm Khoa học & Xã hội Việt Nam. |
"Lý Tàu"
Hậu quả của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, chắc hẳn là cả hai nước đều phải gánh chịu?
Yếu tố năng lượng ở Biển Đông không cao bằng yếu tố các tài nguyên thiên nhiên khác như nguồn lợi thủy sản. Đó là nguồn tài nguyên vô tận, liên tục tái sản xuất, nó nuôi sống nhiều triệu người Việt Nam và Trung Quốc. Vậy nên Biển Đông là một loại tài nguyên vô cùng quý giá, vô tận. Dầu khí, băng cháy cũng có nhưng chỉ khai thác một thời gian cố định là sẽ hết.
So với những lần gây hấn trước đây thì lần này mức độ nghiêm trọng hơn, họ huy động cả tàu quân sự, tàu cá vào vùng biển của ta quấy nhiễu như thế, xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của ta. Trung Quốc có cái lý của họ mà người ta gọi là “lý Tàu”. Họ bảo Hoàng Sa là của họ, những người dân Trung Quốc không có hiểu biết sâu thì họ nghĩ rằng họ đã chiếm được Hoàng Sa rồi.
Giải pháp của Việt Nam lúc này sẽ là gì ạ?
Vừa rồi Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo đưa ra các giải pháp trong tình thế hiện nay. Chúng ta vẫn phải thực hiện chính sách hòa bình mềm mỏng, dựa vào luật pháp quốc tế chứ không có các giải pháp căng thẳng khác được. Việc này chưa thể dẫn đến những xung đột quân sự, nhưng khi cần vẫn phải dùng đến các biện pháp cứng rắn nhất. Chúng ta vẫn phải tiếp cận tàu Trung Quốc yêu cầu họ thực hiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Một số chuyên gia Nga nghiên cứu sâu về biển Đông đã đưa ra các giải pháp như Việt Nam có thể trình diễn sức mạnh quân sự trên biển để họ hiểu Việt Nam ghê gớm như thế nào.
Tình hình dùng dằng như hiện nay liệu sẽ kéo dài đến khi nào?
Kéo dài tình trạng này sẽ gây nên những thiệt hại rất lớn cho Việt Nam. Việt Nam phải điều các lực lượng ngăn cản, việc không ổn định này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi đầu tư. Còn đến khi nào kết thúc tình trạng này thì rất khó đoán, nhưng chúng ta vẫn phải kiên quyết cho đến ngày Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Hành động tiếp theo của Trung Quốc là gì?
Nghiên cứu về biển Đông, ông nhìn nhận các hành động tiếp theo của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông sẽ như thế nào?
Kịch bản xung đột cường độ thấp sẽ còn diễn ra nhiều. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để khẳng định quyền sử dụng biển Đông một cách vô lối của họ. Đến cả Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc cũng có những hành động ngang ngược. Trung Quốc sẽ dần dần, năm này qua năm khác thực hiện chiến dịch “tằm ăn rỗi” gặm dần gặm dần. Vài năm chiếm 1 đảo, vài năm sau chiếm đảo khác, vài năm lại mọc lên một số căn cứ khác.
Khả năng xảy ra chiến tranh quân sự trong thời điểm này thế nào thưa ông?
Theo tôi thì khó có khả năng này vì Trung Quốc thừa biết nếu xảy ra điều đó, chính sách luôn miệng tuyên bố thế giới chung sống hòa bình, châu Á hòa bình của họ sẽ bị phá sản hoàn toàn. Riêng việc này đã làm phá sản phần nào đó tuyên bố của Trung Quốc về hòa bình trên thế giới. Kịch bản xung đột thấp ở biển Đông vẫn có thể xảy ra, nhưng xung đột cao thì khó.
Và nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, sức mạnh của Việt Nam sẽ là gì?
Lịch sử đấu tranh cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc thắng Việt Nam, dù có hàng nghìn năm đô hộ. Việc bảo vệ chủ quyền là việc của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam. Yếu tố mấu chốt để làm nên chiến thắng chính là ký ức lòng dân. Lòng yêu nước có trong trái tim, nó như một thứ gen di truyền đời này sang đời khác. Trong hiểu biết, trong tâm thức con người, Hoàng Sa và Trường Sa đương nhiên là của Việt Nam. Đây là sức mạnh đoàn kết, sức mạnh của ký ức lòng dân, có thể chiến thắng mọi thiết bị quân sự tối tân nhất. Bất kể hành vi xâm lược nào thì người dân Việt Nam cũng đồng lòng bảo vệ. Bia đá có thể mòn, nhưng lòng yêu nước thì không.
Vai trò của các nhà khoa học nghiên cứu về biển Đông được thể hiện như thế nào?
Các hội thảo khoa học đã được các phương tiện truyền thông đưa đến công chúng, để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, hiểu được mưu đồ của Trung Quốc. Tiếng nói của các nhà khoa học cũng đã có những tác động tích cực để ứng xử với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.
Xin cảm ơn ông!
Trước đây Trung Quốc cũng thực hiện ý đồ xâm lấn, chiếm đảo Hoàng Nham của Philippines, hiện tàu của Philippines không thể tiếp cận đảo này. Sự bánh trướng của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện bằng nhiều hành động ngang ngược, bất chấp dư luận quốc tế. Sức mạnh của Việt Nam là lòng yêu nước sục sôi của người dân nhân lên qua từng thế hệ, đời này qua đời khác. Công cuộc bảo vệ Tổ quốc luôn dựa vào sức mạnh ấy chứ không phải là súng ống hay tàu ngầm.