Theo báo cáo mới nhất của SIPRI, trong giai đoạn 2014 - 2018, Việt Nam đã lọt ra ngoài top 3 các quốc gia nhập khẩu trang bị quốc phòng nhiều nhất của Moskva.
Trong số những vũ khí mà Việt Nam mua của Nga thời gian gần đây thì đáng chú ý nhất là hợp đồng 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK và SIPRI dẫn nguồn tin của mình cho biết phía bạn đã bàn giao 30 xe, số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019.
|
Thống kê của SIPRI về tình hình mua sắm vũ khí của Việt Nam thời gian gần đây |
Tuy rẳng trong vài năm gần đây kim ngạch mua bán vũ khí Nga của Việt Nam giảm xuống nhưng dự kiến sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, khi chúng ta có thể sớm ký kết hợp đồng mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, tiêm kích đa năng Su-35S và cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tiếp theo.
Mặc dù giá trị hợp đồng đặt mua vũ khí Nga giai đoạn 2014 - 2018 suy giảm nhưng Việt Nam lại được ghi nhận đã thay đổi đường hướng trang bị quốc phòng, đó là đa dạng hóa nguồn cung, điều này khiến chúng ta trở thành khách hàng lớn của các quốc gia khác.
Thống kê của SIPRI ghi rõ, Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn nhất của vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự có nguồn gốc Belarus khi chiếm tới 37% giá trị xuất khẩu của nước bạn, gấp đôi quốc gia tiếp theo là Sudan chỉ chiếm 18%.
Ngoài Belarus, Việt Nam còn là khách hàng lớn thứ ba của ngành công nghiệp quốc phòng Israel và Cộng hòa Czech.
Đối với Tel Aviv, chúng ta chiếm 8,5% tổng giá trị xuất khẩu của bạn; con số này là 9,9% của Prague.
Bản báo cáo của SIPRI cũng cho biết dẫn đầu danh sách cường quốc xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2014 - 2018 vẫn là Mỹ, khi Washington chiếm tới 36% thị phần, khách hàng lớn nhất của họ là Saudi Arabia với 22% giá trị xuất khẩu.
|
Danh sách các cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và những bạn hàng lớn nhất của họ |
Nga vẫn duy trì vị trí thứ hai sau Mỹ với 21 % tổng thị phần, đối tác lớn nhất của Nga không phải ai khác mà chính là Ấn Độ chiếm 27%.
Tuy nhiên dự báo trong gia đoạn kế tiếp thứ hạng này của Nga có thể bị sụt giảm nghiêm trọng bởi Đạo luật CAATSA trừng phạt khách hàng mua vũ khí Nga mà Mỹ áp đặt.
Nối tiếp Mỹ và Nga là Pháp, Đức, Trung Quốc, họ lần lượt chiếm 6,8%, 6,4% và 5,2% tổng giá trị của thị thường vũ khí thế giới.
Phía ngoài top 10 ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của Ukraine và Hàn Quốc với tỷ lệ 1,3% và 1,8%, dự báo họ có thể sớm lọt vào top 10 trong tương lai không xa.