Theo thông tin từ truyền thông Đức được Tạp chí Quốc phòng Ukraine trích dẫn, 15 hệ thống pháo tự hành PzH 2000 mà Đức và Hà Lan viện trợ tới Ukraine hồi tháng Bày vừa qua đã gặp một số vấn đề.
|
Pháo tự hành PzH 2000. |
Hồi cuối tháng Bảy, đã có các thông tin nổi lên về hệ thống điện từ được trang bị trên PzH 2000 có sự cố vận hành, tiếp đó là thông tin rằng Đức mong muốn thành lập một trung tâm bảo dưỡng tại Ba Lan. Tiếp đó, một thành viên Quốc hội Đức (Bundestag) đã báo cáo rằng chỉ 5 trên 15 pháo PzH 2000 tại Ukraine còn hoạt động được.
Theo các thông tin kể trên, các vấn đề mà PzH 2000 tại Ukraine đang gặp phải không ở mức độ hỏng hoàn toàn, tuy nhiên hầu hết số này đều gặp vấn đề về hệ thống điện tử và không thể vận hành. Ngay cả Đức cũng không thể tìm ra lý do chính xác, vậy nên họ đã đổ lỗi cho đạn dược của Mỹ và Pháp, tần suất sử dụng quá dày đặc, cũng như việc thiếu hụt linh phụ kiện dự phòng. Thêm vào đó, họ cho rằng hệ thống pháo của mình hiện đại đến mức một khóa huấn luyện 40 ngày vẫn chưa đủ để lính Ukraine thuần thục cách vận hành.
Được biết, PzH 2000 được thiết kế để khai hỏa 100 lần mỗi ngày, vượt qua con số này sẽ được coi là sử dụng quá khả năng. Với tần suất khai hỏa 8 viên/phút (tối đa 12 viên/phút), có nghĩa là mỗi khẩu pháo chỉ có thể khai hỏa liên tục 12.5 phút mỗi ngày.
Đồng thời, loại pháo này cũng chưa được sử dụng tại các chiến trường nơi mà các hệ thống pháo phải hoạt động 24/7. Thêm vào đó, phía Đức chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm thực tiễn nào trong việc vận hành quá giới hạn các trang thiết bị của mình.
Như vậy, với con số 100 lần khai hỏa mỗi ngày, các hệ thống PzH 2000 tại Ukraine đã khai hỏa tổng cộng 7,500 viên đạn mỗi khẩu. Với bất kỳ hệ thống pháo nào khác, đây đã là giới hạn cần sửa chữa lớn, bao gồm thay thế nòng và bảo dưỡng toàn bộ hệ thống pháo.
Liệu phía Đức có biết điều này hay không – tất nhiên là có. Bởi vậy, vấn đề có thể chỉ đơn giản là Đức chưa sẵn sàng cho tần suất sử dụng dày đặc như vậy, nhất là với lượng linh kiện dự phòng chỉ đủ cho thời bình. Đây là vấn đề chung của các nước Châu Âu, vốn không hề chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột cường độ cao.
Vấn đề “sử dụng sai loại đạn pháo” cũng khó xảy ra, bởi đây vẫn là vũ khí của một nước thành viên NATO, và tuân theo quy chuẩn khí tài của Liên minh này. Và nếu lý do không phải cỡ đạn mà do chất lượng vỏ đạn, nó có thể gây hại cho nòng súng, ví dụ như nhanh chóng bào mòn phần khương tuyến.
Nhưng vì lý do nào đó, các hệ thống pháo CEASAR từ Pháp, hay Krab từ Ba Lan, hay các nước phương Tây khác đều không gặp vấn đề này. Tương tự, thời gian huấn luyện vận hành pháo từ các nước nói trên cũng ngắn hơn nhiều. Ngoài ra, hiệu suất hoạt động tiêu chuẩn của các hệ thống pháo này cũng không hề kém cạnh so với PzH 2000.
Hơn nữa, các vấn đề của PzH 2000 chỉ xảy ra khi vận hành thực chiến, mà trước đó phía Đức mới chỉ sử dụng để tập trận. Và thực tế rằng loại pháo này được ra mắt từ những năm 90, cùng với việc mới chỉ sử dụng trong tập luyện (và hoạt động không đáng kể tại Afghanistan) đồng nghĩa với việc các vấn đề Ukraine đang gặp phải là chưa từng xuất hiện trong thực tiễn, khiến cho chính quân đội Đức cũng khó có phương án xử lý triệt để.