Từ Syria đến Bắc Cực, "bức màn sắt" của Nga đe dọa Không quân Mỹ

Google News

Các hệ thống phòng không tối tân như S-400 mà Nga triển khai ở Syria, Bắc Cực và dọc biên giới với châu Âu đang tạo nên lá chắn trên không nguy hiểm đối với sức mạnh Không quân Mỹ.
 

Từ căn cứ không quân Hmeimim ở phía bắc Syria, dọc theo biên giới Đông Âu và vòng qua Bắc Cực, Nga đang xây dựng một mạng lưới phòng thủ mạnh mẽ và nguy hiểm. Lá chắn trên không này buộc Washington phải suy nghĩ lại về sức mạnh quân sự vốn được xem là hàng đầu thế giới, Wall Street Journal cho biết.
Lá chắn này dựa trên nòng cốt là hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf, một lá chắn trên không nguy hiểm, đang thay đổi tính toán của Mỹ và các đồng minh tại các điểm nóng tiềm năng, bắt đầu từ Syria.
Phần lớn hệ thống phòng không S-400 được triển khai dọc biên giới phía tây Nga. Các sư đoàn S-400 cũng được triển khai đến bán đảo Crimea, thiết lập ô phòng không trên khu vực Biển Đen. Một số hệ thống đã có mặt trên lãnh thổ Bắc Cực của Nga.
Xa hơn về phía đông, S-400 được định vị để bao trùm phía bắc quần đảo Kuril. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Nga có hơn 300 hệ thống phòng không triển khai trên cả nước. Số lượng chính xác và vị trí không được tiết lộ.
Tu Syria den Bac Cuc,
 Hệ thống phòng không S-400 tại căn cứ Hmeimim, Syria. Ảnh: Sputnik.
Nga tuyên bố radar trinh sát của hệ thống S-400 có thể phát hiện máy bay tàng hình mới nhất của Mỹ, tạo nên mạng lưới trinh sát từ phía tây Syria, trải dài đến Thổ Nhĩ Kỳ, Địa Trung Hải và Israel. Tuy chưa sử dụng trong thực chiến, radar trinh sát của S-400 buộc máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu phải tránh xa khu vực, khi họ phát hiện họ đang bị radar của S-400 theo dõi.
Kỷ nguyên thống trị của Mỹ đã kết thúc?
Moscow đang áp dụng một loạt chiến thuật hỗn hợp để chống lại phương Tây, bao gồm can thiệp bầu cử, tấn công mạng, thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ. Bên cạnh đó, sự phổ biến của S-400 cho thấy Nga cũng đang đầu tư mạnh vào hỏa lực truyền thống.
Elbridge Colby, giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho biết thời kỳ thống trị tuyệt đối của Không quân Mỹ đã kết thúc. Lầu Năm Góc thừa nhận hệ thống S-400 của Nga triển khai ở Syria buộc phải điều chỉnh lại hoạt động trên không của liên minh. Tuy vậy, về cơ bản Mỹ vẫn tự do di chuyển trên không.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết không quân có thể tiếp tục hoạt động ở những nơi cần thiết. Nhà Trắng đã cải tổ Chiến lược An ninh quốc gia vào cuối năm 2017 để giải quyết các thách thức mới.
“Nga đang xây dựng các khả năng quân sự mới được thiết kế để thiết lập khu vực chống tiếp cận trong giai đoạn khủng hoảng, cạnh tranh khả năng hoạt động tự do của chúng tôi. Họ đang tranh giành lợi thế địa chính trị của chúng tôi”, trích một báo cáo về năng lực quân sự mới của Nga.
Tu Syria den Bac Cuc,
Không quân Mỹ không còn ưu thế tuyệt đối như trước ở những nơi có S-400 được triển khai. Ảnh: U.S Air Force. 
Một ủy ban lưỡng đảng do quốc hội Mỹ thành lập để đánh giá chiến lược quốc phòng của Tổng thống Donald Trump đã lặp lại những lo ngại đó trong một báo cáo được ban hành vào tháng 11. “Nga đang tìm kiếm quyền bá chủ khu vực, hướng tới tham vọng xây dựng lực lượng trên toàn cầu”, báo cáo cho biết.
Ủy ban nhấn mạnh các hành động gần đây của Nga đang làm suy giảm ưu thế quân sự và đe dọa các lợi ích quan trọng của Mỹ. Các hệ thống vũ khí tiên tiến như S-400 cung cấp cho Tổng thống Vladimir Putin một công cụ chết người, chống lại sự can thiệp của phương Tây nếu có một cuộc khủng hoảng xảy ra ở biên giới giữa Nga với châu Âu, Trung Đông hoặc Triều Tiên.
Điện Kremlin từ lâu đã phản đối cái gọi là trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Thông qua chính sách ngày càng quyết đoán, Nga đang tìm kiếm chỗ đứng trong một thế giới chia thành nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của Moscow, Bắc Kinh và Washington.
Bất chấp suy thoái kinh tế trong nhiều năm, giá dầu giảm và áp lực trừng phạt từ phương Tây, trong tháng 11/2018, Điện Kremlin đã phê duyệt khoản ngân sách 19.000 tỷ rúp (khoảng 300 tỷ USD) trong thập niên tới để nghiên cứu, phát triển vũ khí mới.
Nga cũng sắp hoàn thành quá trình phát triển hệ thống phòng không thế hệ mới S-500, được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa. Quá trình sản xuất S-500 dự kiến bắt đầu vào năm 2020.
Công cụ ngoại giao quân sự
Việc hệ thống S-400 được triển khai chiến đấu ở Syria trở thành công cụ bán hàng hiệu quả, thu hút sự quan tâm của kẻ thù lẫn đồng minh của Mỹ. Các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đã nhập khẩu hệ thống S-400.
Các thỏa thuận bán hàng tương lai với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo giữa quan chức Washington và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Khi Nga hoàn thành các hợp đồng, dấu chân của S-400 đang mở rộng, tạo ra những rào cản đe dọa ưu thế trên không của Mỹ ở Trung Đông, Bắc Cực và một phần của châu Á. Bằng cách bán S-400 cho các quốc gia khác, Nga đang lan truyền phương pháp làm hạn chế sức mạnh của Không quân Mỹ.
Tu Syria den Bac Cuc,
 Nhiều quốc gia muốn mua S-400 để tăng cường năng lực phòng không, bao gồm cả đồng minh của Mỹ. Ảnh: Sputnik.
Sergey Karaganov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, cho biết Nga không muốn tìm kiếm ưu thế quân sự, nhưng đã chấm dứt sự vượt trội của phương Tây. Bây giờ phương Tây không còn có thể sử dụng vũ lực một cách bừa bãi như trước.
Tuy vậy, Lầu Năm Góc cho biết các biện pháp của Nga vẫn chưa làm thay đổi vị thế của Mỹ. Eric Pahon, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và tiếp tục tăng cường mối quan hệ với đồng minh, đối tác để duy trì lợi thế chiến lược.
Mỹ và các đồng minh NATO có nhiều biện pháp theo ý muốn để đảm bảo sự cân bằng quyền lực có lợi cho Washington. Một trong những biện pháp đó là trừng phạt các quốc gia mua vũ khí Nga, đơn cử là trường hợp của Trung Quốc.
Cục Phát triển Thiết bị, cơ quan chuyên trách vấn đề mua bán vũ khí của quân đội Trung Quốc, đã bị trừng phạt vì mua máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không từ Nga. Washington cũng đang tìm cách chặn thỏa thuận mua S-400 giữa Moscow và Ankara.
Lầu Năm Góc cho rằng việc tích hợp S-400 vào các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Nga hiểu rõ về tiêm kích tàng hình F-35. Washington từng dọa ngừng bán F-35 cho Ankara. Mỹ đã đề nghị bán hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara cho biết họ không có ý định từ bỏ việc mua S-400.
Theo Trung Hiếu/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)