Thời báo Hoàn Cầu bình luận, động thái trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang có kế hoạch mua sắm các tàu ngầm mới.
Theo một tuyên bố vào cuối tháng 3/2015 của Bộ Quốc phòng Thái Lan, Hải quân Hoàng gia nước này cần trang bị 3 tàu ngầm mới với khoản kinh phí khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tờ Bangkokpost, việc Thái Lan mua tàu ngầm có thể gặp trở ngại do hạn hẹp về ngân sách.
|
Tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc. |
“Tôi không thể nói chính xác bao nhiêu phần trăm cơ hội ở đây. Nhưng khi tôi nói hải quân có cơ hội mua tàu ngầm, thì điều đó có nghĩa rằng nó sẽ có hơn 50% hoặc 60%”, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan nói với tờ Bangkokpost.
Ngay cả khi được cấp ngân sách thì việc mua sắm tàu ngầm cũng được dự đoán có thể mua từng chiếc một hay tiến hành trong một thời gian dài. Mặc dù kế hoạch chi tiết dự kiến sẽ được phát hành vào cuối năm nay.
Song theo một số nguồn tin phỏng đoán, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 8-9/4/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan có thể sẽ thảo luận về khoản vay mua tàu ngầm với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Bởi ngay trong đoàn đi của Bộ Quốc phòng Thái Lan tới Trung Quốc lần này còn có sự hiện diện của Đô đốc Kraison Chansuwanit, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
Trong khi đấy, Hải quân Hoàng gia Thái Lan trước đó đã không chỉ tới thăm bạn hàng Trung Quốc mà còn từng cử đoàn tới khảo sát tàu ngầm của Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và thậm chí cả Nga. Các nguồn tin cho hay, phía Thái Lan tỏ ra khá thích tàu ngầm lớp Nguyên của Trung Quốc nhưng cũng quan tâm tới các tàu ngầm HDS-500RTN của Hàn Quốc, Type 209 của Đức do chúng có hệ thống sonar ấn tượng và cả các tàu ngầm Kilo của Nga.
Trước các đối thủ cạnh tranh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn từng đánh tiếng rằng, sẽ bán các vũ khí với những điều kiện đặc biệt và với “giá hữu nghị” cho Thái Lan. Vào tháng 2/2015, đề nghị này đã được nhắc lại và cũng đề cập tới cả điều khoản cho phép Bangkok thực hiện trả nợ trong vòng 10 năm.